Văn hoá đọc sách của người Việt đang đi về đâu?

(Dân trí) - Văn hoá đọc sách của người Việt đang đi về đâu là câu hỏi không chỉ của những người thích đọc sách mà còn là câu hỏi của rất nhiều người khi tỷ lệ đọc sách của người Việt chỉ chiếm 1/5 so với Nhật Bản, Pháp.

Việt Nam đọc sách bằng 1/5 của Nhật Bản, Pháp

Phát biểu trong buổi khai mạc Ngày sách Việt Nam 2013 lần thứ 3 tại Hà Nội vào chiều 19/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng chia sẻ rằng, tại các nước như Pháp, Nhật Bản trung bình mỗi người đọc 20 cuốn sách/năm; người dân Singapore đọc 14 cuốn/năm, người Malaysia đọc 10 cuốn/năm… Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 24.000 đầu sách mới nhưng mỗi người chỉ đọc trung bình 4 cuốn/năm. Theo Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng thì việc đọc sách không chỉ tăng tri thức mà còn nâng cao trình độ quản lý, làm giàu vốn sống.

Toàn cảnh buổi tọa đàm “Cộng đồng đọc hiện đại: Từ Facebook đến đời thực” trong khuôn khổ sự kiện ra mắt dự án Let’s Read và Read Station được tổ chức vào ngày 22/6 vừa qua. Ảnh: ML.
Toàn cảnh buổi tọa đàm “Cộng đồng đọc hiện đại: Từ Facebook đến đời thực” trong khuôn khổ sự kiện ra mắt dự án Let’s Read và Read Station được tổ chức vào ngày 22/6 vừa qua. Ảnh: ML.

Tại buổi tọa đàm “Cộng đồng đọc hiện đại: Từ Facebook đến đời thực” trong khuôn khổ sự kiện ra mắt dự án Let’s Read và Read Station được tổ chức vào ngày 22/6 vừa qua, ông Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam, một người viết sách lâu năm đã ra vấn đề về vai trò của sách đối và vai trò của các cộng đồng đọc với một dân tộc. Ông Bình dùng từ “sự tiến hóa của những cộng đồng mọt sách” để chỉ sự trỗi dậy của thói quen “đọc có cộng đồng” ở nước ngoài và bắt đầu lan sang Việt Nam hiện nay.

“Việc thành lập các cộng đồng sách là tất yếu” - ông Bình nói. “Bất cứ một sở thích chung nào đều thúc đẩy con người tạo thành cộng đồng. Có cộng đồng dành cho ô tô, xe máy thì cũng có cộng đồng dành cho sách. Đọc sách, từ một nhu cầu cá nhân, sẽ dần dần tiến đến nhu cầu thành lập cộng đồng để chia sẻ, trao đổi với những người cùng sở thích. Không ai có thể đọc tất cả, biết tất cả. Sự giao lưu, bàn luận sẽ mang lại nhiều lợi ích cho từng thành viên. Do đó, một cộng đồng sách sẽ hữu ích hơn rất nhiều, giúp tăng tính chia sẻ, hợp tác trong xã hội văn minh. Tôi hoàn toàn tin vào điều đó”.

“Nhu cầu đọc của một xã hội luôn rất đa dạng: đọc để giải trí, để tìm hiểu kiến thức về một vấn đề cụ thể, để phát triển tri thức nói chung nhưng tôi tin rằng để một quốc gia hướng đến tri thức cao thì buộc phải có một kho tàng tri thức”, ông Bình nói.

Ông Bình chia tri thức làm 3 tầng lớp: Tầng lớp bề nổi (gồm các sản phẩm bề nổi như: máy tính, điện thoại, xe máy công nghệ mới…); Tầng lớp tri thức đứng đằng sau công nghệ mới đó, do tự sáng tạo hoặc học tập lẫn nhau và Tầng lớp tri thức tinh hoa. Ông tin rằng, sớm hay muộn, tầng lớp tinh hoa sẽ được hình thành ở Việt Nam nếu được thúc đẩy thì sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn đến sự phát triển xã hội. Và việc xây dựng trang web điểm sách dạng Read Station (trạm đọc) sẽ rất cần thiết bởi nó sẽ hình thành nên các bảng xếp hạng (ranking, rating) để tạo ra những chuẩn mực trong việc đánh giá sách ở Việt Nam.

Đưa thói quen đọc sách thành Văn hóa đọc

Bà Bùi Trà My - Thạc sĩ phân tích, sáng tạo, phê bình, khởi xướng chương trình “Đọc báo tỉnh táo” nhận định về văn hóa đọc ở Việt Nam ngày nay: “Tôi rất lạc quan vì chúng ta có đầy đủ cơ sở vật chất hơn xưa rất nhiều: nhiều nhà xuất bản hơn, nhiều sách hơn, tiếp cận sách dễ dàng, nhiều dịch giả hơn, nhiều thư viện hơn, nhiều cộng đồng đọc trên mạng lẫn ngoài đời. Chúng ta có Reading Cirlcle hay Let’s Read và Read Station, có internet để tiếp cận những cộng đồng nước ngoài như: Goodreads… Không có lý do gì để văn hóa đọc đi xuống khi ngày càng có nhiều người có thói quen đọc hơn”.

Đáp lại ý kiến của một khán giả cho rằng “Văn hóa đọc cao nghĩa là không đọc các trang web và sách ngôn tình”, Thạc sĩ Bùi Trà My chia sẻ rằng, “Tôi nghĩ không có gì cao và không có gì thấp khi nói về văn hóa đọc. Mỗi người đọc thứ mà họ nghĩ là tốt cho họ. Tôi không nghĩ là một người đọc sách tri thức thì cao hơn người đọc web giải trí”.

Các diễn giả chia sẻ với cộng đồng về quan điểm cá nhân đối với vấn đề đọc sách như thế nào cho hiệu quả. Ảnh: ML.
Các diễn giả chia sẻ với cộng đồng về quan điểm cá nhân đối với vấn đề đọc sách như thế nào cho hiệu quả. Ảnh: ML.

Nhận định về “Vai trò của những cộng đồng đọc có ảnh hưởng gì đến văn hóa đọc sách – một hành động thường được coi là riêng tư và cá nhân”, Thạc sĩ Bùi Trà My cho rằng: “Việc tham gia một cộng đồng đọc là nơi để đọc sách và chia sẻ, đồng thời ta được nghe người khác phản chiếu lại suy nghĩ của họ. Tôi nghĩ đám đông luôn luôn có một trí tuệ nhất định. Sức mạnh của đám đông là có thật chứ không phải đám đông lúc nào cũng ngu đần như một số nhận định nóng vội hoặc chủ quan”.

TS Nguyễn Hoàng Ánh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc - ĐH Ngoại thương Hà Nội chia sẻ: “Tôi không bao giờ nghĩ đám đông là ngu dốt. Chúng ta không thể làm việc với đám đông khi nghĩ họ là ngu dốt. Xã hội có phân đoạn thị trường. Mỗi thị trường đều có phân đoạn riêng. Chúng ta ngồi đây chê bai các trang web giải trí nhưng không ai trong chúng ta có thể phủ nhận là họ lại chạm đến được giới trẻ. Một sự kiện tọa đàm về văn hóa đọc như thế này có khoảng 100 bạn trẻ đến nghe nhưng ở hội sách có hàng trăm bạn trẻ xếp hàng đợi mua và ký tặng sách ngôn tình”.

TS Ánh đưa ra “3 cấp độ” về phát triển văn hóa đọc. Đầu tiên là tác động được đến các đối tượng công chúng, đặc biệt là giới trẻ - “làm việc với công chúng là phải hiểu họ và làm họ thích, chứ lựa chọn của họ không sai”. Thứ hai là trả lời câu hỏi “Đọc gì?” – có những cuốn sách phù hợp để đọc khi cần thư giãn và có những cuốn phù hợp để đọc khi cần tư duy. Cấp độ thứ ba là sử dụng những điều ta đọc như thế nào. Trải qua cả ba cấp độ đó sẽ khiến người ta nghĩ rằng việc đọc thực sự quan trọng và sẽ xây dựng được văn hóa đọc.

TS Nguyễn Hoàng Ánh cũng chia sẻ những trải nghiệm thực tế của mình về môi trường và văn hóa đọc sách tại các nước phát triển hơn, đặc biệt là tại Hàn Quốc, một quốc gia cũng có xuất phát điểm là một đất nước chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu và đói kém, nhưng chỉ sau một vài thập kỷ đã bứt phá thần kỳ. TS Ánh cho rằng, nhân tố quyết định là việc coi trọng tri thức và “nhập khẩu văn minh” thông qua việc đọc sách và học hỏi không ngừng.

Giải đáp thắc mắc của một khán giả về việc “Liệu có thể phát triển văn hóa đọc khi khoản tiền đầu tư cho văn hóa đọc rất ít ỏi?” và “Làm sao để đưa thói quen đọc sách đến với các vùng nông thôn, các địa phương nhỏ”, chị Mi Ly, điều phối viên dự án Let’s Read (Cùng đọc sách) đưa ra ví dụ có thật về một tấm gương sáng thay đổi xã hội trong hoàn cảnh ngặt nghèo.

Làm thế nào để thói quen đọc sách hàng ngày trở thành một nét văn hóa đọc. Đó là câu hỏi đòi hỏi cả cộng đồng chung tay trả lời. Ảnh: TT.
Làm thế nào để thói quen đọc sách hàng ngày trở thành một nét văn hóa đọc. Đó là câu hỏi đòi hỏi cả cộng đồng chung tay trả lời. Ảnh: TT.

Đó là năm 1990, nhà hoạt động xã hội Jerry Sternin (người Mỹ) của tổ chức “Save the Children” (Hãy cứu lấy trẻ em) đến Việt Nam để hỗ trợ vấn đề trẻ em suy dinh dưỡng. Thực trạng rất ngặt nghèo và các nguồn lực rất ít ỏi. Thay vì nản chí và bỏ cuộc, Sternin áp dụng phương pháp “nhân rộng điểm sáng”. Ông đã nhìn vào điểm sáng: những gia đình có con không bị suy dinh dưỡng đã được nuôi dưỡng như thế nào? Ông nhận thấy các gia đình đó cũng rất nghèo nhưng có phương pháp nuôi con đảm bảo được dinh dưỡng dù chỉ có những thực phẩm “rẻ tiền”. Ông quyết định nhân rộng mô hình này. 6 tháng sau, tình trạng suy dinh dưỡng giảm đến không ngờ là 85%.

Với sách, các dự án văn hóa đọc cũng nên áp dụng phương pháp “nhân rộng điểm sáng”, từ các cộng đồng đọc trình độ cao ở thành thị, nhân rộng ra các địa phương nhỏ và các vùng nông thôn.

Vừa qua, nhà toán học Ngô Bảo Châu, Nhà báo Tạ Bích Loan, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch và doanh nhân - nhà nghiên cứu Nguyễn Cảnh Bình đã cùng chung tay khởi xướng dự án Let’s Read. Dự án bao gồm Let’s Read (Cùng đọc sách) và Read Station (Trạm đọc) nhằm lan tỏa và phát triển văn hóa đọc theo cả chiều rộng và chiều sâu.

Mục tiêu ban đầu của dự án là khuyến khích người Việt đọc sách nhiều hơn, từ đó đưa việc đọc trở thành một thói quen và dần nâng cao năng lực đọc cũng như tiếp cận tri thức. Lê Giang - điều phối viên của dự án cho biết, trước mắt dự án hướng đến các bạn trẻ trí thức thành thị với việc kết nối qua mạng xã hội. Sau đó, dự án tiến tới kết nối những người đọc sách ở các địa phương khác, đặc biệt là vùng nông thôn.

Trong khi Let's Read hướng đến tạo sự lan tỏa ở chiều rộng, Read Station là dự án đi vào chiều sâu của việc đọc. Read Station xây dựng chuyên trang đánh giá sách uy tín nhất Việt Nam, kết nối nhà xuất bản, công ty sách với độc giả, phát triển cộng đồng đọc Việt Nam, định hướng nội dung web và các sự kiện đọc, giúp thăm dò thị trường, quảng bá sách hay. Cộng đồng kết nối với nhau không chỉ trên mạng xã hội mà còn tổ chức những buổi trao đổi, đối thoại miễn phí về những kỹ năng cần thiết để học và đọc. Read Station cũng dự kiến tạo ra thư viện mở với các đầu sách chọn lọc từ các nhà xuất bản hàng đầu trong và ngoài nước, nhằm tạo không gian đọc chất lượng và hoàn toàn miễn phí ở Hà Nội.

Để tinh thần đọc sách được lan truyền, hai dự án kêu gọi mỗi người đọc một cuốn sách trong một tháng và sau khi đọc sẽ chia sẻ những giá trị mà họ thu thập được từ cuốn sách đến mọi người. Việc chia sẻ có thể thông qua trang mạng xã hội của hai dự án trên. Những người khởi xướng Let's Read và Read Station mong muốn việc đọc sách trở thành một làn sóng ở Việt Nam, giống như cách các bạn trẻ đón nhận Hậu duệ mặt trời.

Hà Tùng Long