Tranh chấp bản quyền: Người nhận đã sáng tác “Tổ quốc gọi tên” lên tiếng

(Dân trí) - Câu chuyện về bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” mà anh Ngô Xuân Phúc, một bộ đội phục viên ở thành phố Vinh, Nghệ An nhận là sáng tác của bản thân, trong khi đông đảo mọi người lại biết đến với tác giả là nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai hiện vẫn chưa ngã ngũ, có nhiều luồng dư luận trái chiều.

Video Ngô Xuân Phúc: "Bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” khi viết ra thì đó là một kỳ công".

 

Phóng viên báo Dân trí đã có cuộc tiếp xúc với anh Phúc và nghe những lý giải của anh.

Khởi đầu anh Phúc cho biết về lần đầu được nghe bài hát Tổ quốc gọi tên mình cũng khá tình cờ: “Tôi nghe bài thơ Tổ quốc gọi tên mình được phổ nhạc là nhờ có xem được mấy chương trình ca nhạc phát trên VTV vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014.

Đến gần giữa năm 2014 tôi xem thêm một lần nữa cũng trên VTV, không nhớ chương trình gì, sau đó tôi lên mạng tìm và có đọc được bài thơ cùng loạt bài giới thiệu tác giả Quế Mai. Lí do tôi không lên tiếng sớm vì năm 2009 chuyển về Vinh rồi sau đó tôi phục viên, công việc mới chưa ổn.

Bài thơ Tổ quốc gọi tên mình để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc, là một cố gắng của tôi trong tạo lối đi riêng, một thử nghiệm về nghệ thuật, nên nó hằn rất sâu. Do đó khi đọc bài thơ trên được ký tên Nguyễn Phan Quế Mai tôi nhận ra và thấy rõ đúng cái văn bản khi tôi chia sẻ nó trên blog google của mình không hề sai lệch.”


Anh Ngô Xuân Phúc chia sẻ cùng PV Dân trí.

Anh Ngô Xuân Phúc chia sẻ cùng PV Dân trí.

 

Qua lời của Ngô Xuân Phúc “Bài thơ này có bản viết tay, vì viết trên đơn vị, máy tính tôi để ở Hà Nội, gửi nhờ nhà ông cậu tôi ở gần hồ Võ Thị Sáu. Tôi có lần cầm cuốn vở viết bài thơ này xuống Hà Nội để đánh vào máy. Nhưng sau do chuyển về Nghệ An, vào năm 2009, không biết mất đi đâu, lúc mới về có nhớ ra và cố tìm nhưng không thấy. Trước khi chuyển về Nghệ An tôi xóa hết các trang blog cá nhân do đó các bản trên mạng cũng bị mất. Còn máy tính thì về Nghệ An bị hỏng đưa đi sửa họ bảo phải sửa nên cũng coi như không có hi vọng...".

Nhớ lại thời gian trước, qua ký ức hồi tưởng, anh Phúc có trao đổi: “Bài thơ này tôi viết năm 2008 và đã được chia sẻ trên blog Google, trang mạng MySpace. Khi viết bài này tôi đang là giáo viên dạy văn học trong quân đội, bài này tôi viết ở đơn vị. Thời điểm đó theo chương trình nghe thời sự và học tập chính trị, pháp luật định kỳ chúng tôi có biết được thông tin khá nhiều vụ việc đụng độ trên biển giữa tàu cá của Việt Nam và lực lượng Hải giám, tàu đánh cá có trang bị vũ trang của Trung Quốc. Về việc Trung Quốc ngang nhiên chiếm và tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo của ta. Đó là nguyên do dẫn tới hình tượng đất nước trong bài thơ này là phần biển đảo thiêng liêng đang bị đe dọa trở thành hình tượng trung tâm.”

Video trao đổi cùng anh Ngô Xuân Phúc

 

“Thời gian đi dạy, tôi thường vẫn hay làm thơ vào những lúc rỗi. Hay suy nghĩ về những vấn đề văn học dân tộc cứ đeo đuổi tôi từ thời sinh viên. Đó là sự cách tân thơ Việt, đó là cái mới, cái riêng của thơ Việt. Có lẽ hơi to tát, nhưng đó là tâm sự thật, và ấp ủ ý định khi sáng tác được kha khá sẽ gửi thơ cho một tờ báo chuyên về văn học - nghệ thuật, hoặc có chuyên trang về mảng này.”

Cụ thể hơn về mặt câu chữ, tinh thần khi hình thành, anh Phúc cho rằng bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” khi viết ra thì đó là cả một kỳ công, mất khá nhiều thời gian từ khi viết cho đến khi sửa lần cuối và đăng blog.

“Bài này là một trong số rất ít bài thơ mà trước khi viết tôi có vạch sẵn ý định, nội dung, mục đích, đồng thời, xem xét rất kỹ, tự cân nhắc xem những bài thơ cùng chủ đề ở những giai đoạn trước đó. Có thể nói đây là một bài thơ mà yếu tố cảm xúc không phải là cái khơi nguồn, tạo nên những câu chữ đầu tiên, mà hoàn toàn bắt nguồn từ việc hoạch định, định sẵn cho mình một nội dung, một yêu cầu. Nói chung là lý trí quyết định hoàn toàn, lý trí khơi nguồn cho cảm xúc thăng hoa...”, anh Phúc chia sẻ.


Ngô Xuân Phúc: “Tôi nghe bài thơ Tổ quốc gọi tên mình được phổ nhạc là nhờ có xem được mấy chương trình ca nhạc phát trên VTV ...

Ngô Xuân Phúc: “Tôi nghe bài thơ Tổ quốc gọi tên mình được phổ nhạc là nhờ có xem được mấy chương trình ca nhạc phát trên VTV ...

 

Về vần điệu, thể thơ, anh Phúc giải thích: “Hồi đó tôi có đọc được mấy bài viết về lối thơ không vần, thơ tự do hoàn toàn. Và tôi tâm đắc với nó, muốn vừa viết bài thơ tổ quốc vừa thể hiện sự đột phá trong sáng tạo của mình.

Bài này viết hoàn toàn không chú trọng vần, không quan tâm tới số lượng câu chữ, cái quan trọng nhất là nó phải chuyển tải được điều mình muốn nói, điều mình suy nghĩ về hình tượng Tổ quốc - biển đảo. Và tôi rất chú trọng tới nhạc điệu của các dòng thơ. Dù không am hiểu về nhạc lý nhưng khi viết và khi viết xong tôi vẫn ngâm nga nó, mong muốn nó được phổ nhạc.”

Video: Ngô Xuân Phúc trần tình về bài thơ "Tổ quốc gọi tên mình".

 

Việc đăng tải trên các trang mạng cá nhân và nhân chứng đã có dịp tiếp xúc, anh Phúc nhớ: “Khi tôi chia sẻ bài viết trên blog cá nhân, có thấy một số người vào đọc. Và có lần có một comment của một chú khen bài thơ hay, giàu cảm xúc, hình tượng đất nước rất đẹp. Comment này trên blog google, tôi rất xúc động. Tôi có lần theo nick của người nhận xét và biết đó là một nhà thơ, không nhớ ở tỉnh nào. Nhưng trên phần giới thiệu và các trao đổi của người đó với bạn bè thì biết chú ấy là Hội viên hội nhà văn thuộc một tỉnh phía bắc. Bắc Ninh hay Bắc Giang gì đó”.

 

Căn nhà đơn sơ, nơi góc bàn của mình, Ngô Xuân Phúc có rất nhiều sách vở quý.
Căn nhà đơn sơ, nơi góc bàn của mình, Ngô Xuân Phúc có rất nhiều sách vở quý.

 

“Sau này tôi có kể lại câu chuyện viết bài thơ với bạn tôi là Trịnh Thông Thiện, và có nói về cái hay, sự tâm đắc của tôi đối với bài thơ. Về việc có hội viên hội nhà thơ vào khen…Tôi với Thiện thi thoảng vào chiều thứ 6, khi tôi từ Sơn Tây xuống Hà Nội lại gặp nhau uống rượu tâm sự. Và những chuyện đó đều nói hết với Thiện.”

Về việc nhà thơ Bàng Ái Thơ, con gái nhà thơ - họa sỹ Bàng Sỹ Nguyên, cháu gái nhà thơ Bàng Bá Lân, vừa lên tiếng rằng bà đã đọc bài thơ này vào hồi tháng 4/2011, và nó là của một tác giả nam, anh ấy là một người lính.

Anh Phúc tỏ ra rất hồ hởi: “Việc có người là nhà thơ khẳng định đã từng đọc bài thơ này vào tháng 4/2011 và nhớ rõ do một tác giả nam, là người lính sáng tác khiến tôi thêm vui mừng, vững tâm. Hi vọng qua thời gian, những chứng cứ mà những người khác còn nhớ và biết tới sẽ dần dần xuất hiện bù đắp những thiếu sót trong chứng lý của tôi. Điều này giúp trả bài thơ về đúng vị trí của nó”.

Nguyễn Duy