Thấy gì sau hiện tượng giám khảo “ngồi nhầm chỗ”?

(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng, truyền hình thực tế đang bị không ít khán giả phản ứng bởi một phần do có quá nhiều giám khảo "ngồi nhầm chỗ".

Vừa qua, việc nhạc sĩ Vinh Sử “chê” nghệ sĩ Hoài Linh không biết gì về nhạc bolero mà vẫn ngồi ghế giám khảo đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều.

Điều đáng ngạc nhiên là rất nhiều người đã tán thành với ý kiến của nam nhạc sĩ này. Nhiều người còn cho rằng, đây chỉ là một câu chuyện điển hình của tình trạng “giám khảo ngồi nhầm chỗ” trên truyền hình thực tế gây nhức nhối bấy lâu.

Những câu chuyện tréo ngoe của giám khảo!

Nếu nhiều năm về trước, giám khảo được xem là những người có trình độ chuyên môn, có uy tín nghề nghiệp và công tâm thì những năm gần đây giám khảo đã trở thành một nghề mà ai cũng có thể làm. Thậm chí, có người còn xem đây là cơ hội để nổi tiếng hoặc hái ra tiền dù chưa đủ tầm để “cầm cân nảy mực”.

Vì thế mới có hiện tượng ca sĩ đi chấm diễn viên, diễn viên đi chấm người mẫu, nhạc sĩ làm giám khảo múa, nghệ sĩ hài chấm cải lương, đạo diễn làm “giám thị” âm nhạc…. Những câu chuyện tréo ngoe diễn ra trên truyền hình thực tế ngày càng nhiều khiến cho không chỉ khán giả mà ngay cả thí sinh cũng mất hết lòng tin.

Nhạc sĩ Vinh Sử thẳng thắn nói về việc giám khảo ngồi nhầm chỗ ở truyền hình thực tế.
Nhạc sĩ Vinh Sử thẳng thắn nói về việc giám khảo "ngồi nhầm chỗ" ở truyền hình thực tế.

Mới đây, dư luận ồn ã bởi câu chuyện diễn viên hài Việt Hương đưa ra những lời nhận xét về chuyên môn với ca sĩ Siu Black trong chương trình “Sinh ra để tỏa sáng”. Nhiều người đặt câu hỏi, Việt Hương lấy tư cách gì mà nhận xét về phần hát của Siu Black trong khi bản thân chị chỉ là một diễn viên hài, còn Siu Black đã đi hát nhiều năm?

Tương tự, câu chuyện Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Tóc Tiên ngồi “ghế nóng” của chương trình "Giọng hát Việt" cũng từng gây ra nhiều tranh cãi. Dù bản thân những ca sĩ trẻ này từng có một số thành công nhất định trong sự nghiệp ca hát nhưng đối với nhiều người họ vẫn chưa đủ “tầm” để huấn luyện cho các thí sinh, nhất là những thí sinh hơn họ cả về tuổi đời, tuổi nghề và kiến thức âm nhạc.

Lịch sử gameshow truyền hình cũng từng ghi nhận không ít cuộc “khẩu chiến” giữa các giám khảo trên “ghế nóng” khiến cho người xem thở dài… ngao ngán. Cụ thể, trong "Nhân tố bí ẩn 2016", những tranh cãi giữa Tùng Dương - Thanh Lam với Dương Khắc Linh - Hồ Quỳnh Hương về tiết mục của thí sinh Minh Như.

Mới đây, khán giả còn được chứng kiến màn “mạt sát” có một không hai giữa Võ Hoàng Yến và Nam Trung trong chương trình "Vietnam’s Next Top Model" với tư cách “host” của ghế nóng. Chung quy của những bất đồng này là vì các giảm khảo không tương xứng về trình độ, khả năng, quan điểm và uy tín nghề nghiệp. Họ ngồi “ghế nóng” không phải để “cầm cân nảy mực” (vì họ chưa đủ tầm “cầm cân nảy mực”) mà vì những mục đích khác nhau.

Ngoài ra, nhiều khán giả còn “cạn lời” khi có những nhà sản xuất bất chấp tất cả mời Hari Won - một người nói tiếng Việt chưa sõi, tài năng chẳng có gì nổi bật làm giám khảo; ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi cũng được mời ngồi cạnh những nghệ sĩ tên tuổi để chấm thi về âm nhạc; Angela Phương Trinh liên tục dính scandal tai tiếng về trình độ học vấn và mặc đồ phản cảm cũng được mời làm giám khảo chấm chọn ngôi sao mới…

Chưa có ai xứng đáng là giám khảo?

Nhạc sĩ Vinh sử khi đề cập đến chuyện “ngồi nhầm chỗ” của giám khảo truyền hình thực tế đã cho rằng, các chương trình truyền hình bây giờ nên có sự chọn lọc giám khảo hơn, không thể để ca sĩ hát dân ca, cải lương hay thậm chí là thính phòng… vào ngồi chấm. Vì theo ông, nếu chấm theo kiểu nói tới nói lui, nói xuôi nói ngược, không mất lòng ai thì không nên ngồi ghế giám khảo làm gì. Và rất nhiều người đã đồng tình với ý kiến này vì đó là điều khiến cho bộ mặt của truyền hình thực tế đang ngày càng xấu đi.

Đông Nhi, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh từng gây tranh cãi khi ngồi ghế nóng Giọng hát Việt.
Đông Nhi, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh từng gây tranh cãi khi ngồi ghế nóng Giọng hát Việt.

Bản thân danh ca Phương Dung cũng đồng tình với quan điểm này. Bà cho rằng, thành tựu của các nghệ sĩ như: Ngọc Giàu, Hoài Linh ở lĩnh vực khác là không thể phủ nhận nhưng không vì thế sẽ phù hợp khi họ “đá chéo sân”.

“Tôi có xem lại một số chương trình gameshow và thấy rằng có nhiều nghệ sĩ đã “lạc đường” khi chấm thi lĩnh vực mình không am hiểu. Dòng nhạc nào thì có giá trị của dòng nhạc đó. Chuyện thí sinh hát sai lời, sai nhạc mà giám khảo vẫn cho qua vì thiếu hiểu biết, với tôi đó là điều cấm kị”, nghệ sĩ Phương Dung nói.

NSƯT Vũ Linh cũng cho biết, anh đã từng từ chối rất nhiều lời mời làm giám khảo truyền hình thực tế dù được trả mức cát sê từ 700 triệu đến hàng tỷ đồng vì anh cảm thấy nghề giám khảo không phải là nghề của mình.

“Tôi có thể giỏi trên sàn diễn, sẵn sàng thị phạm cho thí sinh nhưng nhận định khen chê với kiến thức sâu rộng và để hàng triệu người xem chương trình “tâm phục, khẩu phục” thì tôi rất ngại. Bây giờ truyền hình thực tế giống như "con dao hai lưỡi", khán giả sẽ thất vọng nếu giám khảo phán xét sai. Chưa kể tính tôi rất nóng, khẳng khái… khó chiều theo chỉ đạo của ban tổ chức, nhà tài trợ khi họ thọc tay quá sâu vào kết quả”, nam nghệ sĩ này nói.

Có một chuyên gia nhận định rằng, nếu xét theo tiêu chuẩn quốc tế thì truyền hình thực tế Việt Nam hiện nay chưa có ai đúng nghĩa là giám khảo. Các giám khảo của truyền hình thực tế hiện nay bị “ngồi nhầm chỗ” bởi nhà sản xuất muốn mời các đối tượng nổi tiếng tham gia vì mục đích thương mại hoặc “câu kéo” rating. Các nhân vật nổi tiếng “gật đầu” cũng vì túi tiền và vì cơ hội để hâm nóng tên tuổi hoặc nổi tiếng thêm. Hiện tượng này cứ lặp đi lặp lại như một vòng tròn luẩn quẩn khiến cho khán giả mất dần lòng tin.

Thực tế, không chỉ mất dần lòng tin mà khán giả đã nhiều lần lên án những giám khảo “ngồi nhầm chỗ”. Cụ thể, việc Việt Hương, Trường Giang, Trấn Thành, Lê Hoàng… xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình thực tế đã bị phản đối dữ dội.

Thậm chí, vào hồi tháng 4/2017, Đài TH Vĩnh Long đã quyết định loại Trấn Thành ra khỏi vị trí “ghế nóng” của “Tuyệt đỉnh song ca nhí”. Sự quyết liệt này thực chất vẫn chỉ như “muối bỏ biển” bởi nó chưa thể góp phần cải thiện được đáng kể tình trạng “ngồi nhầm chỗ” của vô số giám khảo hiện nay. Và việc công chúng cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để giám khảo được đặt đúng chỗ trong các chương trình là điều cần thiết.

Mạnh Trường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm