“Cấm sóng” Trấn Thành là sự cảnh tỉnh đối với hài tục, nhảm

(Dân trí) - PGS.TS Trịnh Hoà Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, việc Đài Truyền hình Vĩnh Long “cấm” sóng Trấn Thành là cần thiết. Sự việc này sẽ là sự cảnh tỉnh đối với nhiều danh hài khi cố tình tạo nên hài tục, hài nhảm…

Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu về xã hội học, ông nhìn nhận như thế nào về việc Đài Truyền hình Vĩnh Long “cấm” sóng đối với Trấn Thành vì lý do hài tục, hài nhảm…?

Tôi thấy việc đó là cần thiết. Lâu nay, trong nhiều chương trình truyền hình, gameshow… một số người lấy danh nghĩa là “danh hài” ăn nói rất tuỳ tiện, lăng nhăng, phản cảm. Thậm chí, còn có những phát biểu vô tổ chức, thách thức dư luận… Những người có chữ nghĩa người ta đã tắt tivi từ lâu rồi. Vừa rồi, Đài Truyền hình Vĩnh Long thấy Trấn Thành không phù hợp làm giám khảo của chương trình "Tuyệt đỉnh song ca nhí" nên đã quyết liệt thay thế, tôi cho đó là việc đáng làm. Một số chương trình khác vì đã lỡ ghi hình nên buộc phải phát sóng thôi chứ tôi nghĩ họ muốn thay những nhân vật này lắm rồi. Qua sự việc này, tôi nghĩ các nhà sản xuất phải thận trọng hơn.


Theo PGS Trịnh Hoà Bình, việc nhà đài từ chối Trấn Thành là việc cần thiết. Ảnh: TL.

Theo PGS Trịnh Hoà Bình, việc nhà đài từ chối Trấn Thành là việc cần thiết. Ảnh: TL.

Nhiều người nhìn nhận chuyện hài tục, hài nhảm đang là vấn đề nhức nhối, gây nhiều tác động tiêu cực đến xã hội. Ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này?

Trong cách nhìn của tôi, hài nhảm, hài tục… có rất nhiều chuyện để nói. Thứ nhất, những diễn viên “có số, có má” tự bằng lòng với mình, không chịu học hỏi, không chịu cải tiến, không chịu sáng tạo… để làm mới mình hơn theo khuynh hướng vừa đẹp vừa văn minh. Thứ hai, mặt bằng thưởng thức của công chúng cũng có vấn đề.

Ở đây do cả cung lẫn cầu. Người ta chấp nhận hài nhảm, hài tục… thì diễn viên mới có cơ hội để nhấn nhá, làm đậm những cái mà họ nghĩ là hay nhưng thực ra là lố bịch. Tuy nhiên, có những cái rất dở hơi nhưng vẫn được khán giả cho là hay. Vì thế, nguyên nhân là do cả hai bên chứ không hẳn chỉ từ diễn viên, nghệ sỹ… Rõ ràng, năng lực cảm nhận, thẩm thấu hài của công chúng cũng xoàng xĩnh, có vấn đề.

Tiếp nữa, các đơn vị sản xuất, cơ quan xuất bản – phát sóng các chương trình xuất phát từ yếu tố thương mại quá nhiều. Người ta đo thấy người diễn viên đó vẫn còn “đất” trong công chúng cho nên người ta không tẩy trừ một cách kiên quyết. Thậm chí là di dưỡng, thoả hiệp… miễn sao kiếm được tiền.

Về phương diện quản lý nhà nước, không hẳn họ không nhắc đến. Tôi dám chắc Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cũng như Bộ Thông tin - Truyền thông đã nhắc đến chuyện này. Nhưng có lẽ nó chưa đủ hiệu lực, hiệu quả, chưa có hình phạt… thành ra là hài nhảm, hài tục vẫn cứ tiếp tục tồn tại trên sóng.

PGS.TS Trịnh Hoà Bình. Ảnh: TL.
PGS.TS Trịnh Hoà Bình. Ảnh: TL.

Giải trí của chúng ta bây giờ hơi thiếu chữ nghĩa, xoàng xĩnh, tầm thường… Cười trong nhiều trường hợp là cười sinh lý chứ không phải cười trí tuệ. Trong bối cảnh ấy, Đài Truyền hình Vĩnh Long từ chối Trấn Thành cũng là cần thiết. Trong trường hợp này, đài Vĩnh Long không phải chỉ đưa ra thông điệp từ chối mình Trấn Thành mà là tuyên bố với hài tục, hài nhảm từ nay không còn đất dụng võ nữa.

Sau sự việc của Trấn Thành, không ít người lên tiếng đề nghị các nhà đài cần phải “thanh lọc” mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể là không chỉ Trấn Thành mà còn nhiều trường hợp khác cũng cần phải “thanh lọc”. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Thực ra ở đây có nhiều quan điểm. Những người có “bệnh” tương tự như thế đều phải bóc, đều phải gỡ. Một quan điểm khác là Trấn Thành cũng là diễn viên nằm trong nhóm những người khá đắt show trên truyền hình nên người ta chỉ cần “bẩy” ra một trường hợp thôi thì cũng có thể làm cho nhóm còn lại phải suy nghĩ, thay đổi. Điều quan trọng là nếu các diễn viên biết “phục thiện”, hết lòng phục vụ khán giả theo logic “chân - thiện - mỹ” thì phải điều chỉnh. Như vậy, bản thân việc làm ấy mới chỉ đóng cửa với một cá nhân trong một chương trình cụ thể nhưng nó có tác dụng như một cú hích, như một sự cảnh tỉnh.

Cách tạo hình của Trấn Thành trong một vở kịch. Ảnh: TL.
Cách tạo hình của Trấn Thành trong một vở kịch. Ảnh: TL.

Theo ông, việc đến bây giờ nhà đài mới đưa ra sự cảnh tỉnh đó có phải là đã hơi muộn?

Thực ra đúng là muộn nhưng muộn còn hơn không, không thì cứ để như thế thì sẽ “chảy” đến bao giờ. Nghe đâu, Trấn Thành nói một câu thách thức: “Nếu không thích xem thì tắt tivi đi”. Nói câu đấy là câu rất thiếu suy nghĩ. Anh ta cứ nghĩ nói thế là để mọi người cười nhưng đâu biết rằng nói thế là xúc phạm khán giả, xúc phạm cả những người làm nghề. Có phải mỗi mình anh là diễn viên “độc tôn” trên truyền hình đâu. Ví dụ, hiện “Đinh Tiến Dũng” trong “Hỏi xoáy, đáp xoay”, không có anh ấy dẫn chương trình người ta vẫn thích xem cơ mà bởi anh Dũng cũng đã sáng tạo hết rồi.

Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long