Sức hút kỳ lạ của “Cô dâu 8 tuổi” với khán giả Việt Nam

(Dân trí) - Bộ phim truyền hình Ấn Độ “Cô dâu 8 tuổi” (tiếng Ấn: Balika Vadhu) là một hiện tượng của màn ảnh nhỏ nước này. Tại Việt Nam, bộ phim cũng có sức hút kỳ lạ.

“Cô dâu 8 tuổi” bắt đầu xuất hiện trên sóng truyền hình Ấn Độ từ ngày 21/7/2008, phim đề cập tới những vấn đề xã hội thu hút sự quan tâm của người dân nước này.

Điều đặc biệt của loạt phim truyền hình này chính là độ dài “nghìn tập”. Tính đến thời điểm ngày 20/6/2015, bộ phim đã có 1927 tập và vẫn còn đang tiếp tục được thực hiện. Tại Ấn Độ, mỗi tập phim “Cô dâu 8 tuổi” kéo dài 20 phút.

Đề tài lớn nhất mà bộ phim đề cập tới là nạn tảo hôn. Phim kể về cuộc đời cô bé Anandi và cậu bé Jagdish, lấy nhau từ khi còn nhỏ vì nạn tảo hôn. Khi cả hai trưởng thành, Jagdish phải lòng người phụ nữ khác và bỏ nhà đi, để mặc người vợ “lấy từ tấm bé”.

Lễ cưới của hai đứa trẻ - Anandi và Jagdish.

Lễ cưới của hai đứa trẻ - Anandi và Jagdish.

Đối với Anandi, biến cố này không phải hoàn toàn là bi kịch khi lần đầu tiên trong cuộc đời, cô được biết thế nào là tự do, tự lập, cô cố gắng tự đứng vững một mình và trở thành người phụ nữ bản lĩnh.

Về sau, cô gặp một người đàn ông tốt và kết hôn với anh - một cuộc hôn nhân có tình yêu. Sau này, khi người chồng cũ - Jagdish mong muốn được trở lại với Anandi thì mọi sự đã quá muộn.

Về phần Jagdish, sau cuộc hôn nhân thứ hai tan vỡ, anh quen Ganga - một cô gái mù chữ, cũng là nạn nhân của nạn tảo hôn. Jagdish cảm thương cho số phận cô gái nên đã giúp cô chốn khỏi nhà chồng để thực hiện mơ ước của cuộc đời là được trở thành y tá. Về sau, Jagdish đã nên duyên với Ganga.

Trong cuộc hôn nhân đổ vỡ giữa hai nhân vật chính - Anandi và Jagdish, không ai là người có lỗi, đơn giản bởi họ đều là nạn nhân, họ đã phải bước vào một cuộc hôn nhân mà cả hai đều không có sự chuẩn bị, không được quyền lựa chọn, họ bị buộc phải gắn bó với nhau từ khi còn là những đứa trẻ.

Hai diễn viên nhí Avika Gor và Avinash Mukherjee.

Hai diễn viên nhí Avika Gor và Avinash Mukherjee.

Không được đề cập sâu kỹ như nạn tảo hôn, nhưng thoáng qua trong bộ phim, người ta còn tìm thấy những câu chuyện khác của xã hội Ấn Độ, như những bất ổn gây ra bởi các loại tội phạm, đe dọa tới cuộc sống bình yên của người dân, trong phim, người chồng thứ hai của Anandi đã bị giết chết bởi những kẻ tội phạm ngay trước khi cô sinh con.

Thêm vào đó, là nạn bắt cóc trẻ em, con gái của Anandi đã bị người ta bắt cóc để rồi ép buộc cô bé kết hôn với một cậu bé khác. Người bắt cóc em không ai khác chính là cha chồng.

Trong phim, người xem thấy số phận người phụ nữ Ấn Độ hiện lên quá đáng thương vì họ phải đối diện với nhiều kiểu bi kịch khác nhau trong đời sống. Họ không có quyền định đoạt cuộc đời mình lúc nhỏ; khi trưởng thành, số phận, hạnh phúc của họ lại nằm trong tay người chồng và nhà chồng.

Phim có câu chuyện tảo hôn của hai người phụ nữ - Anandi và Ganga - hai người vợ của Jagdish. Anandi tìm được tự do nhờ một “bi kịch” khi Jagdish ruồng rẫy cô để chạy theo người phụ nữ khác. Ganga muốn vùng khỏi cuộc hôn nhân bi kịch đầu tiên của mình, nhưng chỉ thực hiện được với sự giúp đỡ của Jagdish - người chồng thứ hai sau này.

Nữ diễn viên Toral Rasputra vào vai Anandi khi đã trưởng
thành.

Nữ diễn viên Toral Rasputra vào vai Anandi khi đã trưởng thành.

Ngoài ra, con gái của Anandi sau khi bị bắt cóc lại trở thành một nạn nhân mới của nạn tảo hôn. Sự việc bi kịch cho thấy nạn tảo hôn vẫn chưa biết bao giờ mới thực sự chấm dứt ở Ấn Độ và nó vẫn tiếp tục là bóng đen ám ảnh đối với phụ nữ nơi đây, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Có thể thấy sự phản kháng của những phụ nữ trong phim không quyết liệt, dữ dội; không phải bởi họ không muốn phản kháng, mà là không thể, khi người đàn ông đã và đang là “bá chủ” trong gia đình, ngoài xã hội.

Một giải pháp mà bộ phim đưa ra đó là Anandi trở thành cô giáo dạy karate cho các bé gái để các em có thể tự bảo vệ mình trước những kẻ bắt cóc, nhưng đó vẫn chỉ là một giải pháp tình thế, tạm thời và không triệt để.

Tại Ấn Độ, ngay khi bộ phim ra mắt, “Cô dâu 8 tuổi” đã lọt top những phim truyền hình có lượng người xem đông đảo nhất. Lý giải cho sự yêu thích này, giới chuyên môn cho rằng bộ phim đã rất chân thực và gần gũi với đời sống, nên có sức sống trong lòng khán giả.

Nam diễn viên Shashank Vyas vào vai Jagdish khi đã trưởng
thành.

Nam diễn viên Shashank Vyas vào vai Jagdish khi đã trưởng thành.

Dù là một bộ phim được yêu thích là vậy nhưng “Cô dâu 8 tuổi” cũng từng phải đối diện với nhiều khen chê, chỉ trích. Một số nhà hoạt động xã hội ở Ấn Độ từng cho rằng “Cô dâu 8 tuổi” đã “đánh bóng” cuộc sống tảo hôn.

Theo họ, những trẻ em là nạn nhân của nạn tảo hôn thường là con nhà nghèo, thất học, thiếu ăn, đặc biệt, bé gái còn bị coi là gánh nặng đối với gia đình. Cho con gái đi lấy chồng sớm, cha mẹ sẽ bớt phải chịu áp lực nuôi nấng, còn nhà bé trai thì sớm có thêm sức lao động. Cuộc sống của những đứa trẻ ấy không hề giống như Anandi và Jagdish trong phim.

Nghèo đói thường là “bạn đồng hành” với những cặp vợ chồng tảo hôn, vì vậy, không có những bộ trang phục đẹp đẽ, không có những gương mặt xinh xắn, tròn trĩnh như Anandi và Jagdish trong phim.

Có thể dễ dàng bắt gặp những trang phục và trang sức đẹp đẽ
trong “Cô dâu 8 tuổi”.

Có thể dễ dàng bắt gặp những trang phục và trang sức đẹp đẽ trong “Cô dâu 8 tuổi”.

Một số nhà làm luật ở Ấn Độ cũng từng cho rằng bộ phim đã vi phạm Hiến pháp Ấn Độ và yêu cầu phải cấm lên sóng. Tuy vậy, sau quá trình cân nhắc, nhà chức trách thấy rằng cáo buộc này không có căn cứ, vì vậy phim lại được tiếp tục thực hiện và lên sóng.

Nếu nói rằng sức hút của “Cô dâu 8 tuổi” với khán giả Ấn Độ sau 7 năm lên sóng vẫn còn nguyên vẹn thì không đúng, bởi tờ nhật báo Hindustan Times của Ấn Độ từng có bài viết hồi năm 2014 cho rằng giờ đây, khán giả Ấn Độ cần những bộ phim hay hơn thế.

“Cô dâu 8 tuổi” đã từng một thời gây sốt, nhận về vô số giải thưởng nhưng kể từ năm 2012, phim đã vắng bóng tại các lễ trao giải. Sau 7 năm lên sóng không ngừng nghỉ, giờ đây, “Cô dâu 8 tuổi” không còn nhiều điểm khác biệt so với những loạt phim truyền hình khác của Ấn Độ.


Bích Ngọc
Tổng hợp