Phim “ngàn tập” phát sóng ở Việt Nam khiến phụ nữ Singapore “phát cuồng”?
(Dân trí) - Loạt phim truyền hình “nghìn tập” của Đài Loan - “Đời sống chợ đêm” - đang cùng lúc “làm mưa làm gió” trên màn ảnh nhỏ của Singapore và Việt Nam.
Sau một thời gian dài lên sóng truyền hình Singapore, loạt phim truyền hình ngót nghét “nghìn tập” của Đài Loan - “Đời sống chợ đêm” - đã sắp đi tới hồi kết. Tập cuối cùng của loạt phim sẽ lên sóng truyền hình Singapore vào ngày 4/7 tới đây.
Cũng giống như người dân ở nhiều nước Châu Á đang “phát sốt” với những loạt phim truyền hình “siêu dài”, người dân Singapore cũng có một số lượng rất đông những bà nội trợ, phụ nữ trung niên, người cao tuổi… thích theo dõi loạt phim này.
Bài viết của tờ nhật báo Singapore - The Straits Times đã phỏng vấn nhiều “fan ruột” của loạt phim “Đời sống chợ đêm”, trong đó có chị Carol Lim (42 tuổi). Chị Lim tự nhận mình là một “fan trung thành” theo dõi không bỏ sót một tập nào của loạt phim. Cuối tuần nào gia đình chị cũng ngồi nhà ăn tối để xem “Đời sống chợ đêm”.
Cảnh trong phim
Trong hai năm loạt phim lên sóng, chị Carol Lim đã thay đổi hẳn thói quen cuối tuần không nấu nướng của mình, thay vào đó, chị “tình nguyện” nấu ăn cho chồng con để họ cùng chị ở nhà xem bộ phim truyền hình yêu thích. May mắn là chồng và hai con gái của chị không phản đối và họ cũng rất thích xem “Đời sống chợ đêm”.
Gia đình 4 người của chị Carol Lim đã cùng nhau “tu luyện” qua… 1.008 tập phim. Nếu chị Lim có việc buộc phải ra ngoài vào một buổi tối chiếu phim, chị sẽ sử dụng thiết bị kỹ thuật để thu lại tập phim hôm đó và về xem sau.
Chị Lim chỉ là một ví dụ trong vô số những ví dụ khác về nhóm đối tượng người xem “mê mẩn” loạt phim siêu dài này. Ngay sau khi loạt phim “Đời sống chợ đêm” kết thúc, một loạt phim dài kỳ khác của Đài Loan sẽ lên sóng thay thế ngay, đó là loạt phim “Gia hòa vạn sự hứng”, xoay quanh những câu chuyện về gia đình.
Những bộ phim truyền hình dài tập của Đài Loan vốn rất được người xem ở Singapore yêu thích. Tại Châu Á, sau Ấn Độ, thì Đài Loan chính là “thế lực truyền hình” thứ hai chuyên sản xuất những loạt phim dài kỳ trên dưới nghìn tập.
Cảnh trong phim
“Đời sống chợ đêm” từng lên sóng Đài Loan từ năm 2009-2011 và rất được yêu thích, mỗi tập đều thu hút gần 1 triệu người xem. Ở Singapore, sự thành công của loạt phim trong 2 năm qua còn đưa tới những nhu cầu “bức thiết” như tổ chức các buổi giao lưu gặp gỡ để đoàn phim gặp mặt fan hâm mộ hay những buổi trình diễn ca nhạc xoay quanh chủ đề về bộ phim.
Nhà tổ chức sự kiện âm nhạc ở Singapore - Biz Trends Media - đã từng tổ chức 5 sự kiện ca nhạc lấy chủ đề về loạt phim “Đời sống chợ đêm”. Tại các sự kiện này, những diễn viên của phim sẽ xuất hiện để biểu diễn ca nhạc, kịch ngắn.
Điều thú vị là những khán giả có mặt tại các buổi họp fan và các sự kiện ca nhạc này lại thường là những khán giả đã 40 tuổi, thậm chí hơn. Phần đông họ là những bà nội trợ tuổi trung niên.
Chị Carol Lim (42 tuổi) hiện đang là trưởng phòng tại một công ty đa quốc gia, vào ngày Chủ Nhật 5/7, chị Lim cho biết sẽ có mặt ở hàng ghế đầu của sự kiện ca nhạc tổ chức nhân dịp loạt phim “Đời sống chợ đem” kết thúc. Hiện tại sự kiện này đã bán hết 95% số vé.
“Tôi đã góp mặt tại tất cả các sự kiện âm nhạc tổ chức xoay quanh bộ phim Đời sống chợ đêm. Khán giả rất nhiệt tình, chúng tôi đồng thanh hô to tên nhân vật mà diễn viên đảm nhận. Thực sự, tôi không nhớ được tên thật của diễn viên nhưng tôi nhớ tên nhân vật của họ. Chồng và hai con gái của tôi cũng sẽ cùng đi dự sự kiện âm nhạc này cùng tôi” - chị Lim chia sẻ.
Cảnh trong phim
Cảm giác trống vắng, hụt hẫng và nuối tiếc chắc chắn sẽ xuất hiện ở nhiều bà nội trợ, nhiều phụ nữ trung niên Singapore khi loạt phim này kết thúc, nhưng họ cũng biết chắc rằng sau đây sẽ có những sự kiện được tổ chức để nhớ về một loạt phim đã từng đồng hành cùng họ suốt 2 năm, nghĩ đến điều này, nhiều fan ruột của bộ phim sẽ được… an ủi.
Chị Winnie Nai (42 tuổi), một nhân viên hành chính nhận xét thẳng thắn: “Phim Đời sống chợ đêm khá dài dòng. Tôi chỉ nôn nóng muốn được biết kết cục xảy đến với nhân vật phản diện”. Dù nôn nóng là vậy nhưng chị Nai cũng đã kiên nhẫn xem đủ cả nghìn tập phim.
Những phim có hai tuyến nhân vật chính diện - phản diện rõ ràng như “Đời sống chợ đêm” luôn khiến người xem thuộc thế hệ trung niên và cao niên đặc biệt bị hấp dẫn, những tình huống kịch tính được tạo thành từ hai tuyến nhân vật này đã đủ để thỏa mãn họ.
Bên cạnh những phụ nữ trung niên, có cả những phụ nữ trẻ như chị Tan Liling (28 tuổi) trở thành fan cứng của phim: “Các nhân vật hoặc là rất tốt hoặc là rất xấu. Vì vậy, bạn cảm thấy mình sôi sục muốn chứng kiến cái tốt chiến thắng”.
Một nét thú vị của những bộ phim truyền hình dài tập, đó là độ dài của phim khiến các nhân vật dần trở nên thân thuộc và gắn bó với người xem, trở thành một phần trong những thói quen, nhịp sống thường nhật của họ.
Như tiêu đề phim đã hé lộ, “Đời sống chợ đêm” nói về một cộng đồng dân cư sống và lao động trong một khu chợ đêm của Đài Loan. Chuyện phim bắt đầu từ khi các nhân vật chính còn nhỏ, người xem sẽ theo dõi họ trưởng thành và bắt đầu hình thành những nét tính cách rõ rệt.
Khi tiến trình phim bắt đầu đi vào mạch chính, người xem sẽ thấy rất nhiều những câu chuyện phát sinh xoay quanh những mối quan hệ, được mất, hơn thua, thù oán…
Một nét đặc trưng của phim truyền hình dài kỳ Đài Loan, đó là các mối quan hệ luôn đan xen phức tạp. Phần lớn những bà nội trợ, phụ nữ trung niên, người cao tuổi… thích theo dõi những loạt phim dài kỳ với rất nhiều những mối quan hệ đan xen rắc rối là bởi họ không bị áp lực thời gian, công việc, không có lối sống nhanh, vội vã, hối hả như người trẻ.
Những phim truyền hình Đài Loan cũng thường có diễn viên ưa nhìn, chất lượng kịch bản - diễn xuất ở mức chấp nhận được đối với người xem thuộc nhóm lứa tuổi trung niên - cao niên, tuy vậy, cũng có một lượng khán giả trẻ thích thú với loạt phim “Đời sống chợ đêm”.
Bích Ngọc
Theo Straits Times/Asia One