Phim ngàn tập như “Cô dâu 8 tuổi” có thể hấp dẫn những ai?

(Dân trí) - Việc theo dõi một bộ phim truyền hình năm này qua năm khác có thể khiến nhiều người trong chúng ta (chỉ nghĩ đến thôi) đã thấy… mệt mỏi. Nhưng cũng có những khán giả hoàn toàn "tê liệt" vào giờ phim chiếu, họ là những ai?

Việc bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” có thể khiến nhiều khán giả Việt dõi theo hằng năm nay đã đặt ra câu hỏi, tại sao một bộ phim “ngàn tập” như “Cô dâu 8 tuổi” có thể có được sức hấp dẫn lâu đến thế?

Theo đạo diễn- NSƯT Trọng Trinh phân tích, “Theo tôi, bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” chỉ có được sức hút với một bộ phận khán giả ở Việt Nam, trong đó chủ yếu là các bà nội trợ. Sức hút có được từ “Cô dâu 8 tuổi” nằm ở đề tài của bộ phim. Phim đề cập đến những vấn đề gia đình, hôn nhân và nạn tảo hôn trong xã hội Ấn Độ. Những câu chuyện về các mối quan hệ gia đình, những mâu thuẫn cá nhân, những tình yêu gắn kết… luôn luôn có sức hút với phụ nữ- đặc biệt những phụ nữ đã có gia đình. Đối tượng khán giả bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” chính là những phụ nữ có gia đình, những bà nội trợ. Đối tượng khán giả này rất quan tâm đến các câu chuyện về hôn nhân, con cái… Chính vì vậy, họ có thể say mê theo dõi những diễn biến các câu chuyện được đặt ra trong phim”.

Vì sao những bộ phim “ngàn tập” có được sức hấp dẫn?
Theo đạo diễn- NSƯT Trọng Trinh, "Chỉ một bộ phận khán giả Việt có thể theo dõi được "Cô dâu 8 tuổi" và chủ yếu đối tượng khán giả này là các bà nội trợ"

Đạo diễn- NSƯT Trọng Trinh cho rằng, thế giới có rất nhiều bộ phim “ngàn tập” nổi tiếng, có sức hút trong nhiều năm trời, với nhiều thế hệ khán giả- chứng tỏ, “ngàn tập”- không phải là một vấn đề đáng bàn cãi của các dự án phim truyền hình này. “Có những dự án phim kéo dài cả chục ngàn tập, chứng tỏ, độ dài không phải là điều đáng nói. Theo quan điểm của cá nhân tôi, tính quyết định cho sức hấp dẫn của các dự án phim này bao gồm nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là khả năng khai thác đề tài của các nhà làm phim”- đạo diễn Trọng Trinh cho biết.

Để một bộ phim có được sức hấp dẫn với khán giả theo phân tích của đạo diễn Trọng Trinh- phải cần đến rất nhiều “điều kiện đủ”. Đó là đề tài gần gũi, thiết thực. Đó là cách kể chuyện hấp dẫn của đạo diễn. Đó là dàn diễn viên xuất sắc, tài năng, hợp vai. Đó còn là quay phim với những góc quay đẹp, đó còn là âm nhạc… Nhưng trên tất cả, yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định cho một dự án “ngàn tập” có thể “kéo sóng” năm này qua năm khác là cách khai thác đề tài.

“Kịch bản và cách khai thác câu chuyện đóng vai trò quyết định trong những bộ phim “ngàn tập” như “Cô dâu 8 tuổi”. Họ phải rất giỏi trong việc “vẽ ra câu chuyện này nối câu chuyện kia”, “tình huống này tiếp theo tình huống kia”, “mâu thuẫn này nảy ra từ mâu thuẫn khác”… Ý tưởng trong việc phát triển câu chuyện phải mang tính liên tục, và tất nhiên, phải có sức hấp dẫn (liên tục) để khán giả đủ kiên nhẫn dõi theo trong một thời gian dài”- đạo diễn Trọng Trinh phân tích.

Vì sao những bộ phim “ngàn tập” có được sức hấp dẫn?
"Để một dự án phim "ngàn tập" có thể kéo dài nhiều năm, cách khai thác đề tài, khai thác câu chuyện của các nhà làm phim đóng vai trò quan trọng nhất"- Đạo diễn Trọng Trinh.

Phim truyền hình có nhiều đề tài để hướng tới, với mỗi đề tài lại có những đối tượng khán giả khác nhau. Những đề tài về đời sống thành thị có đối tượng khán giả thành thị. Phim hướng tới đề tài nông thôn sẽ có đối tượng khán giả nông thôn. Phim có nội dung gia đình, xã hội sẽ thu hút giới công chức, văn phòng. Phim có đề tài tình yêu thường thu hút giới trẻ….

Theo đạo diễn- NSƯT Trọng Trinh, với cách làm phim của “Cô dâu 8 tuổi” sẽ có nhiều khán giả thấy “không thể chịu đựng nổi”, nhưng phim sẽ rất thu hút đối tượng khán giả là các bà nội trợ.

“Tôi nghĩ, ví dụ như với đối tượng khán giả trẻ- họ sẽ thích một bộ phim với diễn biến câu chuyện nhanh hơn. Với công chức, văn phòng- họ thích một bộ phim với câu chuyện mang tính thiết thực hơn, gần gũi hơn với đời sống Việt Nam. “Cô dâu 8 tuổi” có sức hút với các bà nội trợ, bởi câu chuyện hôn nhân trong phim, và bởi văn hóa Ấn độ có lẽ cũng là một món ăn lạ đối với họ”- NSƯT Trọng Trinh chia sẻ quan điểm.

Vì sao những bộ phim “ngàn tập” có được sức hấp dẫn?
Đạo diễn NSƯT Trọng Trinh trong phim "Mưa bóng mây". Theo đạo diễn, một bộ phim thu hút được đông đảo khán giả thuộc mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi... phải là một bộ phim gần gũi, thiết thực, chân thật- để mỗi người xem đều có thể bắt gặp chính mình trong đó.

“Còn, để có được sức hút với đông đảo khán giả, với nhiều đối tượng khán giả khác nhau, thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, một bộ phim truyền hình (dù “ngàn tập” hay ít hơn) sẽ cần phải đề cập đến một đề tài thiết thực, mang tính xã hội gần gũi, chân thật với người xem, và hơn thế, cách khai thác của các nhà làm phim cũng phải đạt tới mức, có thể khiến người xem “hỉ, nộ, ái, ố”- cùng với các nhân vật trong phim. Hoặc, khán giả còn có thể tìm thấy chính mình trong phim!”- đạo diễn Trọng Trinh khẳng định.

Hiền Hương