Phu nhân danh hoạ Bùi Xuân Phái:
“Ngày xưa con gái ra đường không mặc áo cánh mà phải mặc áo dài”
(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Sính (90 tuổi), phu nhân của cố danh hoạ Bùi Xuân Phái sẽ là một điểm nhấn hết sức thú vị của Festival Áo dài Hà Nội 2016. Bà sẽ xuất hiện trên sân khấu với tư cách là chứng nhân lịch sử của Hà Nội và là “hiện thân” của cố danh hoạ. Bà đã có những chia sẻ thú vị về tranh “phố Phái” và áo dài.
Khi được Nhà thiết kế Minh Hạnh ngỏ lời mời bà làm nhân vật trình diễn trong Festival Áo dài Hà Nội 2016, bà đã nghĩ gì, thưa bà?
Tôi vốn sinh ra ở khu phố Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội. Thời con gái, tôi được bố mẹ gửi vào Huế học ở Trường Nữ sinh Đồng Khánh - Huế mà ai cũng biết là nữ sinh trường Đồng Khánh ngày xưa nổi tiếng là bởi vẻ đẹp áo dài.
Sau này, khi lấy ông nhà tôi (tức danh hoạ Bùi Xuân Phái), gia đình tôi cũng lại ở phố Thuốc Bắc, nằm trong khu phố cổ nên tôi gắn bó với chiếc áo dài không rời. Ngày xưa, con gái những gia đình nề nếp gia phong ở những khu phố cổ bao giờ cũng phải mặc áo dài ra phố, không được phép mặc áo cánh. Cho đến sau này, khi trở thành một y tá (bà Nguyễn Thị Sính từng là một y tá nổi tiếng của Hà Nội) tôi cũng vẫn thường mặc áo dài đi tiêm cho bệnh nhân, nhất là khi tới các gia đình quyền quý.
Khi cô Minh Hạnh đến nhà nói chuyện rồi ngỏ lời mời tôi tham gia trình diễn Festival Áo dài Hà Nội 2016 tôi cũng lo lắm vì chưa bao giờ tôi mặc áo dài lên sân khấu như thế cả. Nhưng khi được cô Hạnh giải thích là lên sân khấu không phải như người mẫu mà đi lại tự nhiên như một người đi chơi hội thì tôi thích lắm. Tôi thấy việc làm này rất có ý nghĩa, nhất là Festival Áo dài với chủ đề về Hà Nội nên tôi nhận lời.
Bà còn nhớ kỷ niệm lần đầu tiên được mặc áo dài là trong dịp nào không và năm bao nhiêu tuổi?
Tôi bây giờ hơn 90 tuổi rồi nên trí nhớ hơi kém. Tôi không nhớ rõ mình được mặc áo dài lần đầu tiên năm bao nhiêu tuổi mà chỉ nhớ ngày xưa con gái ra đường là phải mặc áo dài. Sáng mặc áo màu sẫm, trưa màu tươi hơn và chiều đến lại mặc màu đậm vì trời rét.
Bây giờ trong tủ quần áo của tôi lúc nào cũng có khoảng 5 bộ để mặc vào những dịp đi hội, lễ tết, đám cưới đám hỏi… Tết tôi thường mặc áo dài đó là thói quen không thể bỏ. Nó đã trở thành cái nếp từ xưa rồi. Ngày xưa cứ đến tết là chị em xúng xính quần áo dài đi chơi xuân đẹp lắm. Cái cảnh đó ngày xưa bây giờ không thể có lại được nữa.
Vậy bà nhìn nhận như thế nào về sự thay đổi của tà áo dài truyền thống từ thời bà mới biết đến áo dài đến thời điểm bây giờ?
Bây giờ công nghệ phát triển, đời sống nâng cao, nhiều người có điều kiện hơn để mặc áo dài nên các mẫu áo dài được cách tân phong phú hơn, đa dạng hơn. Trước đây, chúng tôi mặc áo dài giống nhau đó là một kiểu truyền thống. Có thể khác về màu sắc, về chất liệu, về thợ may… nhưng kiểu cách thì không khác nhau là mấy. Với lại, áo dài ngày xưa, tà áo dài không dài quá mắt cá như bây giờ, ở phần sẻ tà cũng vừa phải chứ không sẻ dài quá, cổ áo là cổ cao chít cúc bấm, ống tay dài chứ không được phép may ngắn… Bây giờ áo dài cách tân nên có nhiều kiểu dáng lắm. Thiếu nữ bây giờ mặc áo dài rất đẹp. Mỗi lần ngắm con cháu mặc áo dài tôi lại nhớ đến thời chúng tôi ngày xưa.
Ngày xưa, cố danh hoạ Bùi Xuân Phái có thường hay vẽ bà trong trang phục áo dài không, thưa bà?
Có chứ, ông nhà tôi vẽ tôi mặc áo dài nhiều lắm. Vẽ nhiều tới mức thành quen rồi thuộc mặt, mà có điều là không hiểu sao thời đó, những người ngoại quốc đến Việt Nam du lịch hoặc công tác lại rất thích mua tranh ông Bùi Xuân Phái vẽ vợ. Thế là tính ra ông vẽ tôi nhiều nhưng có được bức nào thì ông lại tặng hoặc bán cho người ta, nên chẳng còn lại bao nhiêu nữa. Ông nhà tôi ngày xưa thích tặng trang lắm, cứ ai mê tranh ông là ông tặng thôi.
Riêng bức tranh cuối cùng ông vẽ tôi tôi kiên quyết giữ lại không bán dù nhiều người trả giá cao. Ông vẽ tôi cái nào tôi cũng thích vì bức tranh nào ông vẽ tôi cũng chân phương. Có lần tôi bảo với ông vẽ cho tôi một bức nào phá cách một chút, ông gật đầu đồng ý rồi nhưng chưa kịp vẽ thì ông mất.
Trong Festival Áo dài Hà Nội 2016 sẽ diễn ra vào 14 đến 16 tới đây, BTC sẽ đưa tranh ông lên sân khấu như một biểu tượng không thể thiếu khi nói về Hà Nội, bà cảm thấy thế nào?
Tôi vui lắm vì những tác phẩm nghệ thuật mà ông tâm huyết vẽ nên vẫn được người đời sau trân trọng và tôn vinh. Tôi cũng mong là mọi người sẽ chung tay để giữ gìn, bảo tồn những giá trị nghệ thuật mà hội hoạ và cả áo dài mang lại.
Tôi đang háo hức không biết chị Minh Hạnh thiết kế cho tôi cái áo dài như thế nào đây. Ai chứ chị Minh Hạnh thiết kế áo dài lại thiết kế theo đúng bức tranh về phố mà ông nhà tôi vẽ thì tôi lại càng thích.
Hôm đó chị Minh Hạnh đến bảo tôi thích bức tranh nào của ông, tôi chỉ bức tranh đó và chị Minh Hạnh nói sẽ thiết kế cho tôi chiếc áo dài theo đúng như hình ảnh của bức trang phố Hà Nội này.
Cám ơn bà đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long
Ảnh: Mạnh Thắng