Kim Ki Duk- một Trương Nghệ Mưu khác của Châu Á
(Dân trí)- "Pieta" đoạt Sư tử Vàng tại LHP Quốc tế Venice đã giúp đạo diễn Kim Ki Duk xác lập vị thế của mình bên cạnh những tên tuổi lớn của làng điện ảnh thế giới.
Kim Ki Duk là vị đạo diễn xuất sắc đoạt những giải thưởng hàng đầu tại LHP Venice, Cannes và Berlin.
Trước khi bộ phim của ông đoạt giải Sư tử Vàng tại LHP Venice, đạo diễn Kim Ki Duk đã cho biết Pieta là một khởi đầu mới trong sự nghiệp làm phim của ông.
Bộ phim điện ảnh thứ 18 của đạo diễn Kim Ki Duk, người nổi tiếng với phong cách tự do, luôn chạm vào những đề tài gai góc một lần nữa lại khiến khán giả tò mò và háo hức chờ đợi. Không ít cuộc tranh luận đã nổ ra sau khi trailer của phim lần đầu tiên được công bố tại Hàn Quốc.
Phim khắc hoạ nhân vật chính là một gã đàn ông tồi tệ tên là Kang Do (Lee Jung Jin đóng). Hắn được ví như quỷ dữ với gương mặt của kẻ sát nhân, Kang Do kiếm sống bằng việc đi đòi nợ thuê. Kang Do sẵn sàng biến những con nợ không trả nổi tiền thành người tàn phế. Vòng tròn tội ác của hắn diễn ra tưởng như không có điểm dừng.
Tạo hình của nhân vật Kang Do
Cho tới một ngày, cuộc sống của hắn bắt đầu bị đảo lộn khi một người phụ nữ được xem là “mẹ” của Kang Do tới tìm anh. Bà mẹ tới tìm lại con trai, đứa con bà đã bỏ rơi từ khi còn rất nhỏ để nối lại tình mẫu tử mà giờ đây bà cảm thấy nó vô cùng quý giá và bà sẵn sàng đánh đổi bất cứ điều gì để có thể tìm lại con, để được làm mẹ.
Kể từ đây, những bí mật, những tình tiết gai người giữa hai số phận trái ngang, bi đát, từng phạm phải những tội lỗi không thể nào tha thứ được dần trải ra trước mắt người xem.
So với trailer chính thức được công bố sau khi đã được kiểm duyệt, trailer gốc có một chi tiết rất trần trụi và làm nổ ra nhiều cuộc tranh cãi về luân thường đạo lý. Ngoài những hành động dã man của Kang Do khi siết nợ, hắn còn cưỡng bức người phụ nữ tự xưng là mẹ của hắn, người đã đang tâm bỏ rơi con từ khi còn nhỏ.
Vì những chi tiết quá dã man, tàn độc trong cách thức siết nợ và cảnh quay sống sượng cảnh quan hệ giữa “mẹ” và con đã khiến Pieta bị đưa vào tầm ngắm kiểm duyệt và phải cắt một số cảnh quay nhạy cảm ra khỏi trailer gốc để tạo thành trailer mới chính thức. Trong trailer gốc, khán giả thấy kinh hãi khi nghe những câu thoại giữa Kang Do và “mẹ” khi ở trên giường.
Ngay lập tức, bộ phim đã vấp phải những luồng dư luận trái chiều khi đề cập tới mối quan hệ bất luân này. Nhiều người cho rằng đạo diễn Kim đã đi quá xa trong những tác phẩm của mình. Tuy vậy, những ý nghĩa sâu sắc đằng sau mối quan hệ giữa tên đòi nợ thuê và người phụ nữ từng bỏ rơi con mình thực sự còn quá mơ hồ bởi người xem mới chỉ được xem trailer. Việc họ cảm thấy sốc và khó đồng cảm với những ý tưởng nghệ thuật và dụng ý sâu xa của đạo diễn là hoàn toàn dễ hiểu.
Tạo hình của nhân vật người mẹ
Qua nhân vật Kang Do tàn ác, Kim Ki Duk muốn nói lên một hiện thực bi kịch của xã hội khi sự tồn tại và cách kiếm sống lại phá hoại những giá trị đạo đức và nhân tính. Nhiều khi, cái ác trong con người cũng là vì bị dồn đến đường cùng, vì không có sự lựa chọn nào khác và cái ác đó nằm trong một tổng thể hợp lý về bối cảnh xuất thân và xã hội. Tội ác không nên chỉ đổ lên đầu một cá nhân.
Tựa phim Pieta và poster của phim khiến người xem nhớ tới bức tượng điêu khắc Pieta của Michelangelo khắc hoạ Đức mẹ Maria ôm chúa Jesus đã chết vào lòng. Ngay trong trailer phim, tấm hình mang ý nghĩa ẩn dụ đó cũng mở đầu cho câu chuyện bí ẩn đến gai người.
Kim Ki Duk - Vị đạo diễn của sự tự do và phong cách lập dị
Kim Ki Duk (sinh năm 1960) là đạo diễn Hàn Quốc nổi tiếng vì tài năng và cũng vì xuất thân đặc biệt khi ông không tốt nghiệp một trường đào tạo điện ảnh chính quy nào. Chính vì thế mà ông có một phong cách độc đáo riêng không thể lẫn lộn trong nền điện ảnh Hàn Quốc và cả trên thế giới.
Kim Ki Duk và phong cách thời trang ấn tượng
Ông sinh ra và lớn lên tại một làng quê miền núi. Thuở nhỏ, ông nghịch ngợm có tiếng và cũng hay bắt nạt những đứa trẻ khác. Năm 9 tuổi, gia đình ông chuyển lên Seoul sống. Kim Ki Duk học hành láng cháng và sớm bị đuổi học. Ông đi làm lao động chân tay rồi gia nhập hải quân và rất thích cuộc sống quân ngũ, được phong hàm sĩ quan. Môi trường này đã cho ông nhiều vốn sống và trở thành đề tài yêu thích để ông khai thác.
Sau khi xuất ngũ, ông làm linh mục trong 2 năm và vẽ rất nhiều tranh. Năm 1990, ông dồn tất cả tiền cho một chuyến đi Pháp và tự thấy có nhiều thay đổi về cảm quan văn hoá và đời sống từ chuyến đi này.
Khi trở về từ Pháp, ông bắt đầu tập viết kịch bản và đạt giải trong một cuộc thi sáng tác. Kịch bản của Kim Ki Duk luôn đề cập tới những vấn đề gần gũi với cuộc sống và đặc biệt, phim của ông không có nhiều đoạn thoại. Nó gần như là phim câm và tình tiết phim đã tự nói lên ý nghĩa cần diễn đạt.
Kim Ki Duk mới chỉ đạo diễn 18 phim nhựa nhưng số giải thưởng ông giành được lại lớn gấp nhiều lần con số đó. Phim của ông xoáy sâu vào tâm lý con người, đôi khi vượt qua cả những cảm nhận thông thường của người xem về thế giới xung quanh. Nó cho thấy một thế giới quan khác lạ của Kim Ki Duk. Ông luôn khai thác những mảnh đời nghiệt ngã và nhiều trắc ẩn:
Bộ phim đầu tay của ông (1996) - Crocodile kể về một người đàn ông chuyên thu thập xác những người tự sát, anh ta sống bên bờ sông Hàn. Một hôm, anh ta cứu được người phụ nữ đang có ý định tự tử nhưng sau đó lại cưỡng bức cô ta và liên tục ngược đãi cho đến khi mối quan hệ giữa họ bắt đầu nảy sinh tình cảm thực sự.
Phim The Isle (1999) miêu tả cuộc sống của những cô gái điếm và đoạt giải Quạ vàng của Liên hoan phim quốc tế Bỉ, giải Netpac cho phim đáng chú ý nhất tại Liên hoan phim Venezia.
Phim Address Unknown (2001) kể về cuộc đời của những người lính chiến được đề cử giải Sư tử vàng Liên hoan phim quốc tế Venice. Phim Bad guy (2001) đoạt giải Orient Express tại Liên hoan phim quốc tế Catalonia của Tây Ban Nha và được đề cử giải Gấu Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Berlin kể về một tay ma-cô chuyên lừa gạt phụ nữ để bán vào nhà chứa. Hắn đã thực hiện thành công nhiều phi vụ cho tới khi yêu chính một nạn nhân của mình và trở thành người bảo vệ cho cô…
Cảnh quay trong phim Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân được đánh giá là đẹp mê hồn
Các bộ phim của Kim Ki Duk luôn xuất hiện những tình huống bất thường, những số phận bất thường. Sự thật tàn nhẫn và trần trụi trong phim ông khiến khán giả thấy sợ hãi còn các nhà phê bình “không thiện cảm” lại coi đó là tác phẩm kinh tởm. Nhưng cho tới giờ phút này, những tác phẩm nghệ thuật của ông đã được khẳng định về giá trị nghệ thuật và nhân văn vì nó phản ánh những sự thực tàn khốc vẫn luôn tồn tại trong thực tế.
Như đã đề cập ở trên, từ khi còn trẻ, Kim Ki Duk đã muốn trở thành linh mục và đã sống 2 năm trong nhà thờ. Và theo đánh giá của bản thân ông, Pieta cùng với Samaritan Girl (phim đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Berlin năm 2004) và Amen (2011) đẫ thể hiện phần nào thiên hướng sùng đạo thời thanh niên của ông.
Đạo diễn chia sẻ: “Phim của tôi luôn kể về những thân phận con người bởi tôi tin rằng ngôn ngữ có thể bất đồng nhưng số phận và đau thương là điều mà mọi người trên toàn thế giới đều có thể hiểu và đồng cảm, bất chấp cả ngôn ngữ.”
Kim Ki Duk ngoài nổi tiếng vì tài năng còn có phần “tai tiếng” vì phong cách lập dị. Ông không dùng điện thoại và luôn mặc bất cứ thứ gì mình thích tại bất cứ không gian nào, dù sang trọng đến mấy. Tại LHP Venice, ông đi đôi giày cũ nát, quần áo cũ kỹ bạc màu và thậm chí đã có lúc đi chân đất trên thảm đỏ.
Sau khi giành giải Sư tử Vàng, ông đã cám ơn ban giám khảo và khách có mặt bằng việc thể hiện ca khúc dân gian Hàn Quốc Arirang bởi “Tôi muốn khán giả thế giới hiểu hơn về đất nước tôi và bộ phim Pieta cũng nhằm truyền đi thông điệp đó”. Trong bộ phim này, đạo diễn Kim Ki Duk đã giảm mức độ bạo lực so với những bộ phim trước đó nhằm thu hút được lượng khán giả lớn hơn.
Kim Ki Duk cũng luôn nhận mình là một “con quỷ tự ti” bởi ông xuất thân nghèo nàn, mới chỉ học hết trung học và hoàn toàn không có kiến thức chính thống về nghệ thuật làm phim .
Nói về những kế hoạch làm phim trong tương lai của mình, Kim Ki Duk cho biết ông sẽ vẫn tiếp tục phong cách làm phim hiện tại, gây ấn tượng và xúc động mạnh cho người xem, sắp tới, ông sẽ khai thác sâu hơn về đề tài mặt trái của đồng tiền và cuộc sống phía sau hào quang của những diễn viên, vận động viên nổi tiếng.