Khánh Ly: "Tôi từng bị bắt vì chưa đủ tuổi hát ở vũ trường"

(Dân trí) - “Trước khi gặp ông Trịnh Công Sơn thì tôi đã hát nhạc Đoàn Chuẩn- Từ Linh, Văn Cao… rồi. Lúc đó, mới 15 tuổi, tôi đã đi hát ở vũ trường nên đã bị cảnh sát bắt vì chưa đủ tuổi”, danh ca Khánh Ly trải lòng.

Không có Khánh Ly, chẳng ai biết Trịnh Công Sơn là ai?

Khánh Ly đã có buổi trò chuyện cùng những người yêu mến bà, trải lòng về những ký ức, ẩn tình trong đời sống cũng như âm nhạc trong chuyến trở về Việt Nam thực hiện chương trình "Khánh Ly: 55 hát tình ca". Khánh Ly thổ lộ, bà “bén duyên” với nhạc Trịnh là cái duyên lớn trong đời, là định mệnh sắp đặt.

Trở lại Việt Nam ở cái tuổi 72, “bóng hồng” của Trịnh Công Sơn khởi động tour xuyên Việt “Khánh Ly: 55 năm hát tình ca” từ 9/9 tại Hà Nội, sau đó lần lượt qua Nha Trang (17/9), Huế (23/9), TPHCM (29/9) và Đà Lạt (7/10) (Ảnh: Minh Tâm HD)
Trở lại Việt Nam ở cái tuổi 72, “bóng hồng” của Trịnh Công Sơn khởi động tour xuyên Việt “Khánh Ly: 55 năm hát tình ca” từ 9/9 tại Hà Nội, sau đó lần lượt qua Nha Trang (17/9), Huế (23/9), TPHCM (29/9) và Đà Lạt (7/10) (Ảnh: Minh Tâm HD)

“16 tuổi, tôi đã đi hát. Ở cả những nơi người ta không cho mình hát, tôi cũng cứ leo lên để hát. Trước hết, tôi hát cho chính tôi. Tôi hát vì tôi thích và yêu những bài hát đó. Lúc đó chưa có ông Trịnh Công Sơn.

Vài năm sau đó, tôi gặp Trịnh Công Sơn. Chắc ông thấy tôi buồn cười nên ông rủ tôi từ Đà Lạt về Sài Gòn hát.

Ban đầu, tôi nghĩ Sài Gòn không phải chỗ của mình vì nó ồn ào, chen chúc mà tôi cứ nói đùa là nơi “phồn hoa đô hộ” nên nói không đi. Tôi nghĩ không có chỗ nào bình yên như trên Đà Lạt và nếu tôi ở yên trên thành phố hiền lành đó thì cuộc đời tôi cũng hiền lành như nó. Nhưng không hiểu sao, tôi lại bỏ Đà Lạt về Sài Gòn sau 5 năm sinh sống.

Khi vào Sài Gòn, từ năm 1964 tới 1967, tôi không biết ông Sơn ở đâu cả. Ông Sơn cũng không liên lạc với tôi. Tình cờ, chúng tôi gặp lại nhau trên đường phố. Ông cũng chỉ hỏi tôi rằng có rảnh không, tối nay, tối mai đi hát.

Tới nơi diễn, tôi nhìn lên, chỉ thấy một bãi đất hoang nham nhở, cỏ dại mọc tùm lum, không có chỗ nào để cho người ta ngồi nghe nhạc, không có chỗ dựng sân khấu. Nhưng tôi vẫn nhận lời ông Sơn”, bà kể.

Đó là lần đầu tiên Khánh Ly hát tại đó và bà còn nhớ đó là tối thứ 6 của tháng 11. Khung cảnh bà đi chân đất hát trong sự cổ vũ của khán giả mới như ngày nào: “Tôi không thể tưởng tượng được rằng ở Sài Gòn lại có một nơi đông người tới xem như thế mà không có một cái ghế nào. Tất cả mọi người, già trẻ, lớn bé đều ngồi dưới đất hết. Trên sân khấu là một quán lá sơ sài, có một cô bé rất dễ thương đi rót nước cho từng người một.

Lúc đó, tôi không hề nghĩ mình sẽ hát ở đây để trở thành ca sĩ, để được cái này, được cái kia. Tôi hát rất vô tư, như một người bình thường đang hát, không nghĩ gì cả.

Tôi không có kinh nghiệm đứng trước đám đông nên phải bỏ cả giày ra, đứng chân đất để hát, vì nếu đi giày chênh vênh, tôi không hát được. Nhưng có câu thơ thế này, "cơm áo dạy đời lơ láo", có thể sau này tôi bị cuộc sống làm cho dạn dĩ hơn và sẵn sàng đương đầu với nghịch cảnh”.

Hình ảnh Khánh Ly đi chân đất hát bên Trịnh Công Sơn đã đi vào tiềm thức của nhiều khán giả thời bấy giờ.
Hình ảnh Khánh Ly đi chân đất hát bên Trịnh Công Sơn đã đi vào tiềm thức của nhiều khán giả thời bấy giờ.

“Và chỉ sau đêm hát định mệnh đó, một tờ báo viết về tôi, đăng ở trang nhất. Sau đêm đó, sau bài báo đó là cả Sài Gòn biết, có một cô ca sĩ tên là Khánh Ly và một nhạc sĩ là ông Trịnh Công Sơn.

Trước đó, ông Trịnh Công Sơn từng đưa nhạc cho bà Thái Thanh, cô Lệ Thu, chị Thanh Thúy, chị Bạch Yến, chị Hà Thanh hát, nhưng chẳng ai biết Trịnh Công Sơn là ai cả. Chỉ sau cái đêm đó, mọi người mới biết Sài Gòn có người nhạc sĩ có những từ ngữ, chữ nghĩa đẹp và lạ như thế”, Khánh Ly nói.

Theo bà, từ xưa tới nay, chưa ai nghĩ tới chuyện "ngày sau sỏi đá cần có nhau", hay "làm sao em biết bia đá không đau", có thể có người nghĩ đến nhưng không ai đưa vào nhạc. Hay “tiến thoái lưỡng nan”, chỉ là những câu nói chuyện với nhau, chỉ mình ông Sơn đưa vào nhạc.

Lúc ấy, bà không hiểu hết ý nghĩa của những ca từ đó. Phải nhiều năm sau này, khi già rồi, bà ngồi tĩnh lặng mới nhận ra rằng, mình nghĩ gì về nhạc Trịnh cũng là đúng. “Nó cũng giống như anh nghĩ thế nào cũng đúng, chị nghĩ thế nào cũng đúng, chẳng ai sai cả. Đó mới là lí do vì sao nhạc Trịnh, với những ý nghĩa mới lạ, triết lí Phật giáo như thế vẫn đi vào lòng người. Đó là lí do vì sao tôi không rời nhạc Trịnh được. Bởi tôi đã quá yêu!”, Khánh Ly thổ lộ.

“Tôi từng bị cảnh sát bắt vì hát ở vũ trường”

Yêu nhạc Trịnh, không thể rời nhạc Trịnh nhưng Khánh Ly thừa nhận: “Nếu nói rằng chỉ hát nhạc Trịnh thì hóa ra là tôi phụ lòng những nhạc sĩ khác. Vì trước khi gặp ông Trịnh Công Sơn thì tôi đã hát nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Văn Cao… rồi”. Chính vì thế mà trong “55 hát tình ca” bà sẽ hoài niệm về nơi chôn rau cắt rốn Hà Nội xưa qua nhạc phẩm của Nguyễn Văn Khánh, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Đặng Thế Phong, Phạm Duy…

Khánh Ly chia sẻ vì quá yêu hát bà hát bất cứ nơi đâu và từng bị cảnh sát bắt vì chưa đủ tuổi mà dám vào hát ở vũ trường... (Ảnh: Minh Tâm HD)
Khánh Ly chia sẻ vì quá yêu hát bà hát bất cứ nơi đâu và từng bị cảnh sát bắt vì chưa đủ tuổi mà dám vào hát ở vũ trường... (Ảnh: Minh Tâm HD)

Bà kể rằng, bà hát nhạc của các nhạc sĩ này từ khi còn nhỏ, thậm chí còn hát ở vũ trường. “Lúc đó, tôi mới 15 tuổi, chưa đủ tuổi vào vũ trường, nên đã bị cảnh sát bắt vì đi hát”, bà nhớ lại.

Khánh Ly nói, cuộc đời mình nếu không đi hát thì không biết làm gì: “Bây giờ, tóc đã thay màu, môi đã nhạt, chân đã mỏi rồi. Tôi không còn gì. Chỉ xin cho tôi được trở lại thời thơ ấu của mình để xin được sống thêm một lần nữa. Tôi sống chưa đủ, hát chưa đủ, nên hát 55 năm hay vài tiếng cũng chưa đủ”

Ở tuổi 72, biết trước sức khỏe ngày một yếu đi, Khánh Ly tâm sự rằng bà luôn sợ một ngày nào đó không còn hát được nữa. Tuy nhiên, bà đã chuẩn bị mọi thứ từ tâm lý cho đến gia đình về việc mình ra đi bất cứ lúc nào... “Đến tuổi này rồi, tôi vẫn hát trên sân khấu là sự đam mê với nghề, chỉ còn một khán giả ngồi nghe là tôi vẫn còn hát", bà nói.

Khánh Ly chia sẻ, cách đây 3-4 năm, khi bà về Việt Nam biểu diễn có người nói “ôi bà già này nói còn thều thào, hơi đâu mà hát”.

“Người già có cái hay của người già. Người trẻ có cái hay của người trẻ. Cũng như người thấp có cái đẹp của người thấp, người cao có cái đẹp của người cao. Nếu đi so sánh như vậy, không công bằng”, Khánh Ly thẳng thắn.

Nguyễn Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm