Danh ca Khánh Ly: “Tôi vẫn hát sai nhạc Trịnh suốt 50 năm qua”
(Dân trí) - Trong đêm nhạc “Đời cho ta thế” Khánh Ly dành riêng để hát tặng sinh viên ĐH Văn hoá vào trung tuần tháng 4/2016 bà đã chia sẻ rất nhiều kỷ niệm. Những câu chuyện vui lẫn trong những câu chuyện buồn nhưng tất cả đều có bóng dáng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Bà chia sẻ rằng, đêm nhạc là ước mơ mà bà đã ấp ủ 50 năm qua. Bà mong một ngày sẽ được “về lại” với sinh viên, những người đã cho bà được hát và cho bà được thành một Khánh Ly của bây giờ. Bà nghĩ mình phải cố gắng làm được nhiều đêm nhạc như thế này nữa bởi bà đã không còn là cô gái 27 tuổi mà đã 72 rồi, ra đi không biết lúc nào. Sự trải lòng dí dỏm ấy của bà khiến cả khán phòng “ồ” lên thích thú.
Có thể nói, chưa có đêm nhạc nào, giọng ca “Diễm xưa” lại chia sẻ nhiều đến thế, hết chia sẻ về kỷ niệm với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bà lại chia sẻ về chính bà.
Khánh Ly kể rằng, thời trẻ bà không hề được học qua trường lớp nào mà đi hát như một bản năng. Vì không được học, nên Khánh Ly không biết một nốt nhạc, bà học hát theo kiểu “truyền khẩu”.
“Khi Trịnh Công Sơn dạy tôi hát, thì chỉ hát 2-3 lần là tôi tự hát. Sau này, khi nhạc Trịnh được in ra các tập, có người nói tôi hát sai một vài nốt nhạc trong nhạc Trịnh, tôi thừa nhận là họ nói đúng. Nhưng vì tôi hát theo cảm xúc của mình nên tôi vẫn cứ hát sai suốt 50 năm qua. Ông Sơn là người ghét dốt nên tôi sợ ông Sơn mà giấu cái dốt của mình (cười)”. Chia sẻ câu chuyện trên, danh ca Khánh Ly không quên dặn dò các bạn sinh viên: “Các em đừng như tôi, đừng giấu dốt của mình nhé”. Những chia sẻ của bà khiến cả khán phòng vỗ tay vang rền.
Chia sẻ về kỷ niệm lần đầu tiên gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, danh ca Khánh Ly cho biết, năm 1965, bà gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu tiên khi ông đang dạy học ở Đà Lạt. Lần gặp gỡ này, ông đã tập nhạc cho bà và bảo bà về Sài Gòn hát nhưng bà đã từ chối.
“Tôi từ chối bởi vì tôi nghĩ chẳng ai biết mình là ai. Sài Gòn không có chỗ cho mình, một nữ vô danh tiểu tốt, hát hò chẳng đâu với đâu. Nhiều khi tôi muốn hát nhưng các ban nhạc không cho hát, chủ phòng trà cũng không cho hát. Tôi cứ ở Đà Lạt làm người của Đà Lạt cũng là tốt lắm rồi. Nhưng mà đến năm 1967 tình cờ gặp ông Trịnh Công Sơn, ông rủ tôi đi hát và tôi theo ngay. Tôi không đòi hỏi gì cả. Tôi không nghĩ ngợi gì. Không nghĩ ngày mai mình sẽ ăn cái gì, mình sẽ ở đâu, mình sẽ làm gì có để có tiền đi chợ. Hồi đó, cứ mỗi lần ông Trịnh Công Sơn có tiền là một đĩa cơm hai anh em chia đôi. Ông Sơn có rất nhiều bạn bè là con trai, sau cùng tôi cũng là thằng con trai trong số bạn đó. Cho nên tôi chẳng có gì đặc biệt cho ai để ý cả. Tôi là người rất vô duyên cho nên đàn ông đàn ang ít ai để ý đến tôi lắm, có chăng chỉ có các bà các chị thương thôi”, danh ca Khánh Ly nhớ lại.
Nhớ lại kỷ niệm năm 1967 khi gặp lại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên đường phố Sài Gòn, danh ca Khánh Ly rất vui. Bà kể, Sài Gòn hồi đó rất đông người, mọi người đi ngoài đường thì thoảng qua nhau, chẳng ai để ý đến ai cả. Khi bà đi qua đoạn đường Lê Thánh Tôn, nơi ngày xưa chuyên bán các loại giày thì thấy có một khu đất trống ngổn ngang gạch đá, cỏ dại mọc lút đầu người, có cái nền nhà bỏ hoang… và phía bên kia đường đang một đám thanh niên ngồi trên tường. Cảnh vật còn chưa khiến bà hết ngỡ ngàng thì tự nhiên bà nghe tiếng gọi “Mai… Mai”.
“Tôi nhìn lại thì hóa ra ông Trịnh Công Sơn. Thú thật với các anh chị em, tôi cũng chẳng vui mừng gì lắm đâu, chỉ là gặp lại một người biết mình thôi, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra, chưa biết người ta đối xử với mình như thế nào. Bỗng dưng ông Trịnh Công Sơn rủ tôi đi hát. Tôi bảo, hát ở đâu. Ông ấy bảo: “Hát ở đó, hát ở ngay chỗ nền nhà hoang đó”. Tôi nghe hát là tôi thích rồi và tôi đồng ý ngay. Và ông Sơn chuẩn bị một đêm nhạc, chỉ một đêm thôi. Và từ đó, có một cái tên mới ra đời “Khánh Ly”.
Cái cảm giác lần đầu tiên hát nhạc của Trịnh Công Sơn ở nền nhà hoang đó khó tả được lắm. Hôm đó tôi quá lo, quá sợ đi. Tôi là một thằng đàn ông, tôi không biết làm dáng. Cho nên khi ông kêu ra hát là tôi run như thằn lằn đứt đuôi vậy. Tôi bước ra run quá, vịn tay vào vai ông mà ông Trịnh Công Sơn lại sợ các cô ngồi dưới sân khấu trông thấy nên quát: “Em đứng hát cho đàng hoàng”.
Tôi đã sợ lại còn bị hắt hủi nữa, tôi bỏ đôi giày ra. Vì lúc đó tôi diện áo dài, đi đôi giày cao nhưng giày đó đi trên nền đất gồ ghề rất dễ bị ngã trong khi mình quá run sợ đi nên tôi buộc phải bỏ giày ra chứ không phải tôi muốn đi chân đất. Sau này nhiều người bảo, sao bây giờ chị không bỏ giày ra hát như ngày xưa. Tôi bảo: “Không”, cái này mình chỉ làm khi còn trẻ thôi, bây giờ mà làm vậy người ta lại tưởng mình bị điên (cười). Bây giờ 72 tuổi rồi bỏ giày ra sao được…”, danh ca Khánh Ly kể tiếp.
Với danh ca Khánh Ly, dù thời gian được ở bên cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không nhiều nhưng bà rất thích cách sống của ông. Trong mắt bà, cố nhạc sĩ họ Trịnh là một người rất đơn giản, sống chan hòa với mọi người.
“Ông ấy sống giữa mọi người, sống cho mọi người, sống với mọi người. Ông không hề muốn trở thành cái gì khác lạ, tượng đài hay cái gì đó. Bởi làm như vậy thì sẽ làm cho ông rời xa đám đông mà thôi. Ông Trịnh Công Sơn lúc nào cũng là người của sinh viên, của khán thính giả, không của riêng ai cả... thì hãy để cho ông bình yên, đơn giản, đáng yêu như vậy”.
Trước khi cất lời hát bài “Để gió cuốn đi”, danh ca Khánh Ly tâm sự rằng, bà biết để làm được điều tử tế, để có được tấm lòng rất khó, không phải điều đơn giản. Bản thân bà vẫn có những lỗi lầm trong đời sống. Bà thấy mình có những điều không phải với cuộc đời, với mọi người, với chính cả bản thân mình. Cho nên, dù đời sống của mình không còn bao nhiêu nữa nhưng lúc nào bà cũng tự an ủi: “Thôi, còn sống thêm một ngày nào nữa thì cũng ráng sống cho tử tế để dẫu là xa cách ông Trịnh Công Sơn cũng không xấu hổ vì có một người học trò giống như tôi”.
Đêm nhạc “Đời cho ta thế” thu hút đông đảo khán giả các lứa tuổi, nhất là đối tượng sinh viên. Sự xuất hiện của danh ca Khánh Ly đã khiến cả khán phòng chật kín người, khiến Ban tổ chức đã phải bố trí thêm màn chiếu ở phía ngoài hội trường.
Trong đêm nhạc, “Nữ hoàng chân đất” đã thể hiện lại những ca khúc quen thuộc của cố nhạc sĩ họ Trịnh như: “Hạ trắng”, “Diễm xưa”, “Còn tuổi nào cho em”, “Ngẫu nhiên”, “ Vì tôi cần thấy em yêu đời”, “Ca dao Mẹ”, “Nắng thủy tinh”… Tiếng hát của bà mộc mạc và gần gũi nhưng đã đưa người nghe từ cung bậc cảm xúc này tới cảm xúc khác. Và điều quan trọng là người ta cảm nhận được những khát khao, mãnh lực cống hiến của tuổi trẻ đang đầy ắp trong bà.
Hà Tùng Long