1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vũ khí Mỹ vào tay IS như thế nào?

Mỹ mua vũ khí từ châu Âu, trang bị cho phe nổi dậy Syria, nhưng cuối cùng lại rơi vào tay IS.

Vũ khí Mỹ cung cấp cho các nhóm nổi dậy Syria cuối cùng đã rơi vào tay IS, theo báo cáo của tổ chức Nghiên cứu Vũ trang Xung đột (CAR - Anh) công bố ngày 13-12.

Quá trình thực hiện báo cáo kéo dài 3 năm. CAR đã tìm thấy và phân tích hơn 40.000 vũ khí và đạn dược khắp các chiến trường Iraq và Syria. CAR gọi đây là báo cáo toàn diện nhất tính đến nay về các nguồn thu thập vũ khí của IS.

Theo báo cáo, phần lớn vũ khí của IS là cướp từ quân đội Iraq và Syria, tuy nhiên vẫn có một số lượng vũ khí IS lấy được từ các nhóm nổi dậy Syria, mà chủ yếu do Mỹ và Saudi Arabia cung cấp.

CAR ghi nhận có ít nhất 12 trường hợp vũ khí Mỹ rơi vào tay IS, cả nhờ cướp được trên chiến trường lẫn qua các liên minh giữa các nhóm đối lập Syria. Phần lớn số vũ khí này cuối cùng được chuyển về Iraq.

Tất cả vũ khí này đều được sản xuất tại các nước Liên minh châu Âu (EU). Và theo báo cáo, vậy là Mỹ đã vi phạm điều khoản hợp đồng cấm chuyển giao vũ khí cho bên thứ ba, ở đây là các nhóm vũ trang ở Syria.

“Các chứng cứ CAR thu thập được cho thấy Mỹ đã liên tục chuyển vũ khí và đạn dược EU sản xuất đến các nhóm nổi dậy trong xung đột Syria . Rồi IS đã nhanh chóng sở hữu một lượng lớn vũ khí này” – theo báo cáo.

Một trường hợp, IS ở Iraq đã chỉ cần 2 tháng để thu thập được pháo chống tăng dẫn đường Mỹ mua từ một nước châu Âu để cung cấp cho một nhóm nổi dậy Syria.


Pháo chống tăng PG-9 nòng 73mm được IS cải tiến lại. Vũ khí này được Romania sản xuất năm 2016, xuất khẩu sang Mỹ, và được nhìn thấy ở Mosul (Iraq) năm 2017, theo CAR. Ảnh: SEATTLE TIMES

Pháo chống tăng PG-9 nòng 73mm được IS cải tiến lại. Vũ khí này được Romania sản xuất năm 2016, xuất khẩu sang Mỹ, và được nhìn thấy ở Mosul (Iraq) năm 2017, theo CAR. Ảnh: SEATTLE TIMES

Theo báo cáo của CAR, IS chỉ cần vài tuần để có trong tay vũ khí chống tăng của Mỹ. Chẳng hạn, ngày 12-12-2015, Bulgaria xuất khẩu ống phóng pháo chống tăng cho quân đội Mỹ thông qua một công ty ở Indiana (Mỹ) tên là Kiesler Police Supply. 59 ngày sau, cảnh sát Iraq phát hiện tàn tích của một vũ khí tương tự sau một trận giao tranh với IS ở Ramadi.

Trong khi đó, một bức ảnh cho thấy một nhóm nổi dậy do Mỹ bảo trợ ở Syria sử dụng ống phóng pháo với số lô sản xuất y hệt tàn tích vũ khí nhìn thấy ở Iraq. Theo CAR, khả năng lớn hai vũ khí này cùng một lô sản xuất.

Phần lớn pháo phòng không mà IS sử dụng phần lớn được sản xuất tại Bulgaria, Romania, nhưng cũng có cả từ Iran. Gần như toàn bộ pháo của Iran mà IS sử dụng ở Iraq được sản xuất sau năm 2014, trong đó 59% sản xuất trong năm 2015.

Ngoài các kết luận trên, báo cáo của CAR cũng cho biết đã phát hiện một lượng lớn vũ khí IS sử dụng có nguồn gốc từ Bulgaria xuất khẩu sang Saudi Arabia. Trong trường hợp này Saudi Arabia cũng vi phạm điều khoản cấm chuyển giao vũ khí cho bên thứ ba – phe nổi dậy Syria .

“Các kết luận này nhắc nhở về sự mâu thuẫn cố hữu trong cung cấp vũ khí cho các cuộc xung đột vũ trang có quá nhiều nhóm chống chính phủ nhưng lại đối đầu và chồng chéo nhau” – Reuters dẫn báo cáo dài 200 trang của CAR.

Theo Đăng Khoa

Pháp luật TP.HCM