1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vụ khí độc: Syria là "lá bài" trong cuộc chơi của các nước lớn?

Vụ tấn công hóa học ở Syria đang khiến dư luận quốc tế phẫn nộ và làm tình hình Syria vốn đã căng thẳng càng trở nên phức tạp hơn.

Có phải Syria đang là “lá bài” trong cuộc chơi của các nước lớn?

Tương lai của Syria thực sự khó dự báo và chừng nào cuộc chơi chưa kết thúc thì người dân Syria còn tiếp tục phải chịu khổ đau, chết chóc và đổ máu.

Hậu quả của vụ tấn công hóa học mới đây ở Syria. Ảnh: Reuters.
Hậu quả của vụ "tấn công hóa học" mới đây ở Syria. Ảnh: Reuters.

Ai sử dụng vũ khí hóa học ở Syria?

Theo các nguồn tin tại khu vực, có 4 giả thuyết khác nhau liên quan vụ tấn công nghi đã sử dụng vũ khí hóa học tại Idlib, Syria.

Giả thuyết đầu tiên được nhiều quan chức Mỹ và các quốc gia phương tây như Pháp, Anh, Đức đưa ra là: Chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công hóa học nhằm vào phe đối lập, đồng thời bác bỏ khả năng khí độc đã phát ra từ một kho vũ khí mà không hề tồn tại trên thực tế.

Giả thuyết thứ 2, theo Nga và chính quyền Syria khẳng định, một xưởng sản xuất vũ khí hóa học đã bị trúng bom và phát nổ khi quân đội Syria không kích vào vùng ngoại ô phía Đông thị trấn Khan Sheikhun do phe nổi dậy kiểm soát.

Phía Nga cho rằng, các phương tiện truyền thông Phương Tây đã quá vội vàng cáo buộc Chính phủ Syria trong việc sử dụng vũ khí hóa học cũng như đã tìm cách đổ trách nhiệm cho Nga. Trong khi quân đội Syria cũng nhấn mạnh, chưa bao giờ sử dụng các chất độc hóa học vào bất cứ thời điểm và địa điểm nào và cũng sẽ không bao giờ làm điều này trong tương lai.

Giả thuyết thứ 3 cho rằng, vụ tấn công vừa qua là một hành động khiêu khích của phe nổi dậy Syria nhằm tạo cớ để lôi Mỹ và phương Tây can thiệp quân sự trong bối cảnh lực lượng này đang ngày càng yếu thế hơn trước các đợt tấn công của quân đội chính phủ Syria.

Giả thuyết thứ 4, có thể coi là khách quan hơn cả khi được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) và lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ, trong đó cho rằng, chưa đủ căn cứ xác định thủ phạm gây ra vụ tấn công, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) cần sớm điều tra, làm rõ về tổ chức, cá nhân đứng đằng sau vụ việc này.

Bất đồng về một dự thảo trừng phạt Syria

Ba quốc gia gồm Anh, Pháp, Mỹ đã bày tỏ quan điểm cứng rắn, khi khẳng định thủ phạm vụ tấn công là quân đội Syria, đồng thời đệ trình bản dự thảo Nghị quyết lên HĐBA LHQ với nội dung lên án vụ tấn công và yêu cầu tiến hành điều tra toàn diện sớm nhất có thể.

Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) nhanh chóng báo cáo kết quả điều tra vụ tấn công, đồng thời đề nghị Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres có báo cáo định kỳ hàng tháng về sự hợp tác của Chính phủ Syria liên quan cuộc điều tra quốc tế này.

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi HĐBA LHQ phải sớm tiến hành một cuộc điều tra, cũng như áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trong khi đó, Mỹ cảnh báo, Nga nên cân nhắc lại về sự ủng hộ của Moscow đối với chính quyền của Tổng thống Assad. Thậm chí, Đại sứ Mỹ tại HĐBA LHQ Nikki Haley cảnh báo, Mỹ có thể sẽ hành động đơn phương nếu cơ quan này không đưa ra bất cứ phản ứng nào liên quan đến vụ tấn công hóa học ở Syria.

Trái ngược với lập trường của Mỹ và các quốc gia châu Âu, cả Nga và chính quyền Syria đều lên tiếng bác bỏ những cáo buộc có liên quan cuộc tấn công.

Tại phiên họp HĐBA LHQ ngày 5/4, Nga đã phản đối dự thảo nghị quyết của Anh, Pháp Mỹ, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan có thái độ khách quan trong việc đánh giá tình hình cũng như hỗ trợ thúc đẩy tiến trình đàm phán giải quyết cuộc xung đột Syria và quét sạch khủng bố khỏi đất nước này.

Theo Nga, dự thảo nghị quyết của Anh, Pháp, Mỹ là không thể chấp nhận, bởi nó đã xác định trước kết quả điều tra mà thực thể phải chịu trách nhiệm là Chính phủ Syria.

Phía Nga sau đó cũng đã đưa ra một dự thảo Nghị quyết khác hoàn toàn, trong đó nội dung không hề đề cập đến việc yêu cầu Chính phủ Syria hợp tác với cơ quan điều tra vụ tấn công. Và dĩ nhiên, dự thảo này cũng không được Mỹ và phương Tây chấp nhận.

Mỹ oanh kích Syria

Tối 6/4, Mỹ đã phóng 50 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Syria để đáp trả vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường ở Idlib ngày 4/4.

Tuy nhiên, về lây dài, Mỹ sẽ vẫn phải cân nhắc liệu quyết định can thiệp quân sự có thể làm thay đổi tình hình hiện nay tại Syria hay không, nhất là khi Nga và Iran vẫn đang đóng vai trò yểm trợ quan trọng trên thực địa cho chính phủ Syria.

Bên cạnh đó, bài toán quân sự của Mỹ có thể gây ra những hậu quả khôn lường ở khu vực, trong đó làm gia tăng làn sóng tị nạn, trỗi dậy chủ nghĩa cực đoan, khủng bố, đồng thời kéo theo tình trạng bất ổn nghiêm trọng hơn ở các quốc gia láng giềng.

Ngoài ra, đại đa số người dân Mỹ vẫn luôn phản đối hành động can thiệp quân sự vào các quốc gia khác, trong khi nguồn tài chính hiện nay cũng không cho phép chính quyền Mỹ có thể phát động cuộc chiến mới tại Syria.

Tương lai của Syria sẽ ra sao?

Có thể thấy rằng, vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Idlib vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực của các bên trong giải quyết cuộc xung đột Syria.

Thời gian tới, trên mặt trận chính trị, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến các cuộc “công kích ngoại giao”, chỉ trích lẫn nhau giữa các bên đang có lực lượng ủy nhiệm tại Syria, từ đó khiến tình hình ở khu vực càng trở nên căng thẳng hơn.

Trong đó, Nga và chính quyền Syria sẽ tiếp tục phải đối phó với những lời cáo buộc từ Mỹ và các nước châu Âu, yêu cầu phải đưa ra những bằng chứng, lý lẽ thuyết phục đối với cộng đồng quốc tế về mức độ liên quan của quân đội Syria.

Việc này cũng sẽ khiến tiến trình chính trị tại Syria do LHQ làm trung gian phải tạm thời chuyển hướng cho việc điều tra, làm rõ vụ việc, thay vì thúc đẩy các bước đàm phán tiếp theo sau kết quả Hội nghị tại Geneva hôm 31/3 vừa qua./.

Theo Ngọc Thạch/VOV-Cairo