1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vấn nạn bắt cóc trẻ em nhức nhối ở Trung Quốc

(Dân trí) - Phong tục tập quán, nếp sống cũ cùng áp lực có con, nhất là con trai, đã khiến nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em ở Trung Quốc ngày càng trở nên nghiêm trọng. Chỉ vì sự tham lam tiền bạc, nhiều kẻ đã bất chấp lương tri chia rẽ, phá tan đi hạnh phúc của nhiều gia đình.

2 cha con Cheng Zhu va Cheng Ying, một trong những cặp cha con hiếm hoi đoàn tụ sau 9 năm thất lạc vì Ying bị bắt cóc. (Ảnh: Washington Post)
2 cha con Cheng Zhu va Cheng Ying, một trong những cặp cha con hiếm hoi đoàn tụ sau 9 năm thất lạc vì Ying bị bắt cóc. (Ảnh: Washington Post)

Nan giải nạn bắt cóc

Bi kịch bắt đầu từ trưa ngày 12/10 cách đây khoảng 10 năm khi bé gái Cheng Ying, 5 tuổi, đang đợi mẹ đến đón ở trường tiểu học và đưa về ăn nhà ăn trưa. Nhưng mẹ cô bé đã đến trễ vài phút, do đó Cheng Ying đã quyết định đi bộ về nhà. Bước đi chưa đầy 100 m, khi cô bé đang tưởng tượng về việc mẹ đang chuẩn bị bữa tiệc tại nhà thì những người lạ mặt bắt lại và đưa lên một chuyến taxi. Cuộc đời và tuổi thơ của Cheng Ying đã thay đổi hoàn toàn trong chớp mắt.

Trường hợp của Cheng Ying giống hàng trăm nghìn trẻ em Trung Quốc “bị mất tích” khác trong suốt 40 năm qua. Đây là vấn đề mà dư luận ngày càng quan tâm do áp lực lớn từ mạng Internet và truyền thông xã hội.

Không có một số liệu thống kê nào về vấn nạn bắt cóc trẻ em ở Trung Quốc. Theo các học giả, con số này có thể dao động từ 20.000 tới 200.000 trẻ em mỗi năm. Con số này thật sự đáng báo động.

Trong khi đó, Bộ Công an Trung Quốc cho biết, riêng năm 2014, họ đã giải cứu 4.000 trẻ em. Theo truyền thông Trung Quốc, từ năm 2009 tới 2012, 35.000 trẻ em đã được giải thoát với 9.000 băng đảng sa lưới.

Lý do cốt lõi của tình trạng đáng báo động này là tín ngưỡng truyền thống của người Trung Quốc: Ở các khu vực nông thôn, các gia đình thường thích “đông con nhiều cháu”, hoặc “có con trai chống gậy”. Trong khi đó, quốc gia đông dân nhất thế giới đã áp dụng chính sách 1 con để kiểm soát tỷ lệ sinh. Nạn buôn bán, bắt cóc trẻ con đã manh nha hình thành từ đây.

Trung Quốc từng có một phong tục là khi một gia đình nhiều con có thể trao tặng con cái cho gia đình họ hàng hiếm muộn và điều này góp phần tạo nên lớp vỏ bọc cho hoạt động buôn bán trẻ em trá hình. Thêm vào đó, thu nhập bình quân đầu người tăng lên đã khiến những kẻ trục lợi từ hoạt động buôn bán trẻ em càng hoạt động mạnh.

Anqi Shen, một chuyên gia tại Đại học Teesside của Anh, cho biết các bé trai nhỏ tuổi được coi là “món hời” với những kẻ buôn người khi chúng có thể kiếm được khoảng 18.000 USD từ các gia đình tại các tỉnh miền đông Trung Quốc.

Hành trình nhọc nhằn tìm lại gia đình

Những trẻ em Trung Quốc bị bắt cóc được cảnh sát giải cứu hồi năm 2013. (Ảnh: Krmagazine)
Những trẻ em Trung Quốc bị bắt cóc được cảnh sát giải cứu hồi năm 2013. (Ảnh: Krmagazine)

Ying kể lại cô bé đã bị đưa vào 1 hang ổ của một nữ ma cô chuyên buôn bán trẻ em. Bị nhốt cùng hơn một chục đứa trẻ khác, cô bé bị đánh đập và bỏ đói. Một lần khi 7 tuổi, Ying đã tháo chạy khỏi căn nhà địa ngục, đến đồn cảnh sát trình báo. Nhưng ngạc nhiên thay vị cảnh sát gặp cô hôm đó chỉ nghĩ cô là một đứa bé “tinh nghịch” và hoàn toàn không tin câu chuyện của cô bé.

Cuối cùng, cô bé bị bán cho một cặp vợ chồng hiếm muộn làm nghề nuôi ong. Ying cho biết: “Tôi không bao giờ có liên hề gì với họ. Tôi chỉ muốn bỏ đi”.

Cha mẹ của Ying cũng không thể sống cuộc đời hạnh phúc trong chừng ấy năm. Họ như rơi vào tột cùng đau khổ sau khi phát hiện ra con gái lớn đã bị bắt cóc. Người cha, ông Cheng Zhu đã trình báo cảnh sát. Tuy nhiên, họ cũng chẳng làm được gì hơn. Trong suốt 10 năm, vụ án vẫn chẳng thể giải quyết.

Ông Zhu đã quyết định bỏ việc đi khắp Trung Quốc, dán ảnh, tờ rơi, dùng mạng xã hội để lan truyền tin tức con gái bị mất tích. Ông đã trải qua những tháng ngày tồi tệ nhất khi bị cảnh sát bắt giữ, bị đuổi khỏi các thành phố, bị những kẻ lừa đảo lợi dụng kiếm chác. Khó khăn là vậy, nhưng ông vẫn không đầu hàng.

Trong hành trình tìm con gái, ông Zhu đã gặp Wu Xinghu, một người cha có đứa con trai 1 tuổi bị bắt cóc ngay trong nhà vào ngày 19/12/2008. Với ông Wu, đó là cơn ác mộng chưa có ngày nào chấm dứt.

Hai người cha mất con bền bỉ đi tìm kiếm ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác bất chấp việc cảnh sát địa phương coi họ như một mối phiền toái. “Thường cảnh sát chỉ báo cáo thành lập vụ án khi đã nó đã được giải quyết xong. Họ sợ hiệu suất và thành tích sẽ bị giảm xuống do mất nhiều thời gian để tìm kiếm”, ông Wu cho biết.

Phép màu đã xảy đến với gia đình ông Zhu, khi Ying 15 tuổi. Cô bé vẫn nhớ tường tận việc mình bị bắt cóc ra sao. Ying đã dùng điện thoại thông minh lên mạng và tìm cha. Bằng ký ức ít ỏi của mình, cô bé đã lần theo manh mối và cuối cùng đã gặp được một người phụ nữ biết câu chuyện mà ông Zhu vẫn bền bỉ kể đi kể lại 10 năm qua. Cuối cùng, Ying đã tìm thấy cha.

Phải mất một thời gian để ông Zhu nhận ra con mình vì có quá nhiều những suy nghĩ lẫn lộn trong đầu khiến ông không chắc chắn. Cho đến khi Ying kể về vết sẹo trên cổ tay cô bé, ông Zhu mới dám tin đó là sự thật. 10 ngày sau, cô bé 14 tuổi đã quay trở lại gia đình cũ mà tưởng như mới khi có quá nhiều thứ đã đổi thay.

Phải mất tới 2 năm sau để quan hệ cha con giữa Ying và ông Zhu trở nên thân thiết gắn bó hơn. Ying bắt đầu nghĩ tới tương lai. “Tôi muốn học đại học gần nhà, tôi không thể rời xa nhà thêm 1 lần nào nữa”, Ying tâm sự.

Câu chuyện của Cheng Ying trong nỗ lực tìm lại gia đình mặc dù rất khổ đau, nhưng có lẽ là câu chuyện hiếm hoi có hậu trong hàng trăm ngàn câu chuyện của những đứa bé bị bắt cóc khác tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, tương lai của những đứa trẻ như Ying không hẳn mờ mịt. Nhận thức của người dân Trung Quốc đã dần thay đổi. Từ năm 2007, một trang web có tên Baobeihuijia (Em bé về nhà) đã ra đời. Đây là trang web là cầu nối giữa những cặp cha mẹ tìm con và con tìm cha mẹ. Đã có tới 36.741 cặp cha mẹ để lại thông tin cũng như 30.070 đứa trẻ đang tìm kiếm lại cội nguồn của mình. Trang web này đã giúp 1.963 gia đình đoàn tụ với nhau.

Chính phủ Trung ương Trung Quốc đã xây dựng hệ thống dữ liệu ADN nhằm giúp nỗ lực đoàn tụ của các gia đình nhanh hơn, cũng như cho ra đời hệ thống cảnh báo khẩn cấp trên nền tảng web.

Đức Hoàng

Theo Washington Post

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm