Trung Quốc tiết lộ sứ mệnh bí mật đưa chó vào vũ trụ
(Dân trí) - Nhân dịp năm mới Mậu Tuất, một viện nghiên cứu của Trung Quốc đã tiết lộ cách thức viện này lựa chọn hai con chó và buộc chặt chúng vào các khoang kín, nhỏ đặt trên tên lửa trong các chuyến bay đi vào không gian mà chúng may mắn sống sót cách đây hơn nửa thế kỷ.
Đó là vào năm 1966 và tại một căn cứ quân sự bí mật ở đông nam Trung Quốc, một con chó nhỏ có tên gọi Little Leopard sắp được đưa lên không gian.
Các nhà khoa học cẩn thận đặt con chó 2 tuổi, được gọi là Xiao Bao trong tiếng Hoa, vào một chiếc lồng và đưa nó vào trong một khoảng nhỏ đặt trên tên lửa T-7A.
Little Leopard đã được chọn để tham gia sứ mệnh chinh phục không gian tại huyện Guangde, tỉnh An Huy từ hơn 100 con chó nhỏ được nhân giống từ những chú chó biểu diễn giỏi của một gánh xiếc động vật. Chúng được chọn vì vẻ bề ngoài - các nhà khoa học muốn chúng phải thật “ưa nhìn” - để trải qua hàng loạt cuộc thử nghiệm, bao gồm bị nhốt trong phòng và chịu tiếng ồn lên tới trên 100 decibel để xem liệu chúng có thể chịu được âm thanh của một vụ phóng tên lửa hay không.
Những cuộc thử nghiệm như vậy quá khắc nghiệt với hầu hết những con chó khác, nhưng Little Leopard và con chó 3 tuổi Shan Shan đã chứng tỏ là những con vật thông minh và kiên cường nhất.
Little Leopard và Shan Shan là những động vật lớn đầu tiên và duy nhất được Trung Quốc sử dụng để thu thập dữ liệu sinh vật học cho chương trình bay vào vũ trụ của con người. Cả hai chuyến đi đều gặp phải trục trặc và không sứ mệnh nào lên quỹ đạo. Nhưng cả hai con chó đã sống sót trong điều kiện khắc nghiệt mà một nhà du hành có thể bị thương hoặc thiệt mạng.
Nhưng sau thí nghiệm trên, giới chức không gian Trung Quốc đã quyết định không đi theo con đường của người Nga và Mỹ, vốn đã đưa nhiều động vật lên vũ trụ để thử nghiệm. Một số chúng không bao giờ trở về, như Laika, một con chó dũng cảm đã trở thành sinh vật đầu tiên được đưa lên không gian, bay vòng quanh Trái Đất và cũng là động vật đầu tiên hy sinh trên quỹ đạo.
Hai con chó trong quá trình huấn luyện (Ảnh: QQ)
"Chuyến đi huyền thoại"
Những thông tin chi tiết về chương trình bí mật của Trung Quốc đưa chó lên vũ trụ hơn nửa thế kỷ trước đã được Viện Khoa học Trung Quốc tiết lộ trong một bài báo hồi tuần trước.
Nhân dịp năm mới Mậu Tuất, Viện Khoa học Trung Quốc, tổ chức từng giám sát chương trình trên, cho biết họ muốn “kỷ niệm chuyến đi huyền thoại lên bầu trời của 2 con chó”.
Vào ngày 15/7/1966, Zhao Xiuhua tới căn cứ quân sự cùng Little Leopard. Zhao, 21 tuổi, đã được chuẩn bị cho vụ phóng, nhưng khi cô được yêu cầu tới bệ phóng, chiều cao của tên lửa - khoảng tương đương với chiều cao của một tòa nhà 20 tầng - thực sự là một thách thức. Zhao sau này tiết lộ rằng con chó chưa từng đối mặt với vật gì cao như vậy trong quá trình tập luyện, và cô cũng vậy.
Cả hai đều sợ hãi, và Zhao đã ôm con chó vào lòng để cố gắng trấn tĩnh nó, vỗ về và trò chuyện nhẹ nhàng với nó.
Cuối cùng nó đã trấn tĩnh trở lại, cho phép các nhà khoa học buộc nó vào một khoang kín chứa đầy các thiết bị theo dõi. Các thiết bị chủ yếu sẽ tập trung theo dõi nhưng thay đổi về nhịp thở, tuần hoàn máu, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể của Little Leopard ở các giai đoạn khác nhau của chuyến bay, và thiết bị cảm biến được đặt vào huyết mạch ở cổ con chó để thu nhập các dữ liệu chính xác về quá trình cung cấp máu lên não.
Tên lửa nhỏ nặng một tấn đã rời bệ phóng. T-7A, một rocket nghiên cứu, đã được sử dụng để vận chuyển các thiết bị lên rìa khí quyển. Nó không phù hợp cho một hành trình an toàn và thoải mái của một nhà du hành vũ vụ.
Little Leopard được chào đón khi sống sót trở về (Ảnh: QQ)
Little Leopard, được buộc chặt bên trong khoang, đã chịu đựng đau đớn và những âm thanh khủng khiếp trong chuyến bay kéo dài 20 phút sau đó. Leopard đã bắt đầu hoảng sợ, vì nó sợ độ cao. Người huấn luyện cho biết cô đã rất nỗ lực để giúp con chó trấn tĩnh trở lại để cất cánh và cô có thể nhìn thấy sự sợ hãi trong mắt nó.
Khoảng 20 km trước khi đạt tới quỹ đạo thấp của trái đất, khoang chứa Little Leopard đã được tên lửa nhả ra ở độ cao 80km và nó đã hạ cánh xuống một ngọn núi cách địa điểm phóng khoảng 40km.
Và khi nó được trực thăng đưa trở lại địa điểm phóng an toàn để gặp lại người huấn luyện, một đám đông đã đã đứng đợi và Little Leopard được chào đón như một người hùng, theo Viện Khoa học Trung Quốc.
Các nhà khoa học đã thu thập được một số dữ liệu từ chuyến đi của Little Leopard.
Hai tuần sau đó, Shan Shan đã thực hiện một hành trình tương tự trên một tên lửa T-7A khác. Nhưng hành trình của nó thậm chí còn khó khăn hơn của Little Leopard. Các sóng mạnh do động cơ tên lửa tạo ra đã làm hỏng thiết bị theo dõi và vì thế các nhà khoa học không thu được dữ liệu gi về Shan Shan. Và, một lần nữa, tên lửa cũng không đạt tới quỹ đạo.
Nhưng Shan Shan cũng sống sót trong sứ mệnh, và cả 2 con chó đã được đưa trở lại Bắc Kinh, nơi giới chức chính phủ cấp cao trao tặng các huân chương danh dự cho chúng.
Không rõ điều gì đã xảy ra với những chú chó sau khi Trung Quốc tiến hành cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976).
Viện Khoa học Trung Quốc tiết lộ rằng họ cũng từng thử sử dụng khỉ cho sứ mệnh nhưng cuối cùng từ bỏ vì loài khỉ “quá hiếu động”. Chúng bị cấm tham gia các chương trình không gian của Trung Quốc sau khi gây hại tại các cơ sở nghiên cứu quá nhiều lần.
Sau khi đưa khoảng một chục con chuột và 2 con chó vào không gian, giới chức Trung Quốc quyết định không đưa thêm động vật lớn nào vào vũ trụ nữa vì dữ liệu không đáng tin cậy. Một nhà nghiên cứu liên quan tới chương tình không gian có người lái của Trung Quốc cho biết nước này sử dụng ít động vật hơn trong các thí nghiệm không gian so với Mỹ và Nga.
Trung Quốc sau đó vài lần tiến hành các vụ phóng tàu vũ trụ không người lái, trước khi đưa nhà du hành đầu tiên, Yang Liwei, vào không gian vào năm 2003. Kể từ đó, hơn 10 nhà du hành vũ trụ đã được Trung Quốc đưa vào vũ trụ và chương trình không gian đầy tham vọng trị giá nhiều tỷ USD của Bắc Kinh đã đặt kế hoạch thiết lập trạm không gian có người ở vào năm 2020.
An Bình
Theo SCMP