1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc đầu tư mạnh cho cảnh sát biển

Tuy chưa từng khẳng định khả năng chiến đấu của cảnh sát biển nhưng việc thay đổi cơ quan chủ quản của lực lượng này đã cho thấy rõ tham vọng quân sự hóa trên biển của Trung Quốc.

Quyết định chuyển giao Lực lượng Cảnh sát biển (CCG) từ Cục Hải dương quốc gia về Lực lượng Cảnh sát vũ trang Trung Quốc (PAP) có hiệu lực từ ngày 1-7.

Thêm vũ khí

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, CCG dưới sự chỉ huy của PAP - lực lượng do Quân ủy trung ương Trung Quốc (CMC) chỉ đạo trực tiếp - từ tháng này sẽ bảo vệ quyền và chức năng trên biển của Trung Quốc. Ông Song Zhongping, chuyên gia quân sự, nói với Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) rằng sự thay đổi này cho phép CCG tham gia nhiều hơn vào các cuộc diễn tập quân sự và hoạt động huấn luyện hằng ngày với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). CCG cũng sẽ hợp tác hiệu quả hơn với lực lượng hải quân trong các trường hợp khẩn cấp, thậm chí là chiến tranh.

CCG cũng sẽ có nhiệm vụ chống lại các hoạt động hàng hải bất hợp pháp, tìm kiếm, cứu nạn và thực thi pháp luật, trong đó có thăm dò tài nguyên hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý nghề cá và chống buôn lậu. Đáng chú ý, các tàu CCG sẽ được trang bị thêm pháo mạnh, thay vì vòi rồng hay pháo nước và các thành viên trên tàu có thể mang theo vũ khí tấn công. Hiện cảnh sát biển Trung Quốc sở hữu 164 tàu và 16.300 nhân sự.

Theo chuyên gia phân tích chính sách cấp cao Lyle Morris thuộc Tổ chức RAND Corporation (Mỹ), việc chuyển giao lực lượng cảnh sát biển cho PAP quản lý sẽ kéo theo những hậu quả sâu rộng. Ông Morris cho rằng việc CCG cũng được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của CMC đồng nghĩa lực lượng này sẽ có sự linh hoạt và quyền hành động mang tính quyết định ở biển Đông và biển Hoa Đông. Chưa kể bước đi này giúp CCG được huấn luyện nhiều hơn và chia sẻ thông tin tình báo với lực lượng hải quân.

Nhận định về động thái này, ông Andrew Yang, Tổng Thư ký Ủy ban Nghiên cứu chính sách đại lục tại Đài Loan, cho rằng đó là sự tăng cường hiện diện trên biển của Bắc Kinh và Mỹ sẽ chú ý.


Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc sẽ được trang bị thêm pháo mạnh, thay vì vòi rồng hay pháo nước Ảnh: AP

Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc sẽ được trang bị thêm pháo mạnh, thay vì vòi rồng hay pháo nước Ảnh: AP

Láng giềng dè chừng

Trung Quốc vốn thường xuyên triển khai lực lượng cảnh sát biển để tuần tra những khu vực mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nhấn mạnh tại cuộc họp báo hôm 26-6 rằng các tàu thuộc CCG liên tục xâm nhập vùng biển quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Ông Onodera cho biết Nhật Bản sẽ duy trì biện pháp ứng phó ôn hòa nhưng quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và không phận của mình.

Theo báo Japan Times (Nhật Bản), vai trò mới của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc góp phần làm phức tạp hóa những thách thức mà Nhật Bản đối mặt trong việc ứng phó các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là khi chức năng và thẩm quyền của CCG còn mơ hồ. Trong khi đó, ông Jonathan Spangler, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu biển Đông tại Đài Loan, cho rằng các nước khác sẽ xem diễn biến mới này là thách thức mà họ cần đối phó bằng cách tái cơ cấu lực lượng cảnh sát biển của mình.

Đánh giá vấn đề nghiêm trọng hơn, bà Yun Sun, chuyên gia về Đông Á thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ), cho rằng những cải cách của CCG giờ đây càng cho thấy rõ tham vọng quân sự hóa trên biển của Trung Quốc. Theo chuyên gia này, Bắc Kinh sẽ tăng cường năng lực cho CCG nhằm chống lại các hoạt động tự do hàng hải của Washington trong khu vực.

Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), quyết định trên có hiệu lực chưa đầy 2 tháng sau các hành động tăng cường quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên các đảo tại biển Đông, tới mức nước này đã bị Mỹ hủy lời mời tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018.

Vạch trần tâm địa bành trướng

Đài CNBC (Mỹ) hồi tuần rồi đăng tải nhận định của giới chuyên gia vạch rõ Thái Bình Dương và sông Mekong sẽ là những khu vực tiếp theo mà Trung Quốc nhắm tới, sau các hành động bành trướng trên biển Đông và xây dựng chuỗi các cơ sở quốc phòng và thương mại ở Ấn Độ Dương. "Tây và Nam Thái Bình Dương là các vùng biển mà Trung Quốc có thể mở rộng và cũng đang có dấu hiệu cho thấy những hoạt động này" - ông Collin Koh Swee Lean, chuyên gia về an ninh hàng hải tại ĐH Công nghệ Nanyang của Singapore, nhấn mạnh.

Năm 2017, các tàu của Trung Quốc đường đột xuất hiện xung quanh vùng biển ngoài khơi Philippines, nơi Manila tuyên bố chủ quyền. Theo phân tích của ông Koh, Trung Quốc quan tâm tới khu vực này vì lý do quân sự, chủ yếu là nhằm tăng cường giám sát vùng biển Tây Thái Bình Dương trong khi lực lượng quân sự Mỹ tập trung ở Guam và các cơ sở xa hơn ở Hawaii.

Cùng với đó, Bắc Kinh cũng đang để mắt tới Nam Thái Bình Dương. Các thông tin nổi lên từ hồi tháng 4 cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập hiện diện quân sự thường trực ở Vanuatu, gần đảo Fiji. Động thái này diễn ra giữa lúc lo ngại lan rộng tại Úc về những nỗ lực tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc tại các quốc đảo trong khu vực bằng hàng tỉ USD viện trợ và đầu tư. Bên cạnh đó, giới quan sát cho rằng cơn khát nguồn nguyên liệu thô dồi dào tại đây là một trong những động cơ khiến nền kinh tế số 2 thế giới có hành động này. Theo báo cáo năm 2017 từ Viện Các vấn đề quốc tế và chiến lược của Pháp, Bắc Kinh đang nhắm tới nguồn hydrocacbon ở Papua New Guinea, gỗ ở đảo Vanuatu và Solomon, các loại đất hiếm nằm sâu dưới đáy biển Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Lowy ở Úc hồi tháng 6 đưa ra báo cáo nói rằng sông Mekong cũng đang lọt vào tầm ngắm của Trung Quốc. Là con sông dài thứ 12 trên thế giới, Mekong ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của 60 triệu người sống dọc 2 bờ sông. Tuy nhiên, những con đập gây tranh cãi do Trung Quốc xây dựng đang đe dọa cuộc sống của người dân ở vùng hạ nguồn. Chúng làm giảm lượng phù sa chảy xuống hạ lưu, ảnh hưởng tới hoạt động trồng trọt cũng như đánh bắt cá của người dân.

Các chuyên gia cảnh báo tình trạng có thể tồi tệ hơn nhiều khi 11 dự án xây đập nữa được triển khai, trong đó một nửa do Trung Quốc đứng sau. Những con đập này chỉ là một phần trong kế hoạch dài hạn hơn của Bắc Kinh. Nước này cũng đang tiến hành thiết lập tuyến đường vận chuyển qua trung tâm Đông Nam Á tới Lào, sáng kiến mà họ gọi là "Dự án cải tiến kênh hàng hải tại khu vực sông Mekong".

"Việc Trung Quốc tìm cách kiểm soát các con sông ở Đông Nam Á được coi là một nửa của chiến dịch "lát cắt xúc xích" - Viện Lowy cảnh báo.

Thu Hằng

Theo Xuân Mai

Người lao động