1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sau Biển Đông, Trung Quốc sẽ nhắm tới những nơi nào tiếp theo?

(Dân trí) - Sau khi ngang nhiên quân sự hóa ở Biển Đông, Trung Quốc có thể nhắm tới vùng biển Tây và Nam Thái Bình Dương và sông Mekong để hiện thực hóa tham vọng bành trướng trên biển, hãng tin CNBC của Mỹ dẫn nhận định của chuyên gia cho biết.


Tàu Trung Quốc diễn tập ở Tây Thái Bình Dương. (Ảnh: CNBC)

Tàu Trung Quốc diễn tập ở Tây Thái Bình Dương. (Ảnh: CNBC)

Bành trướng trên biển có thể coi là một trong những chính sách mà Bắc Kinh theo đuổi để mở rộng tầm ảnh hưởng cả về kinh tế, chính trị và quân sự ở châu Á.

Bất chấp cảnh báo của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang nhiên quân sự hóa Biển Đông với việc triển khai các hệ thống vũ khí, gần đây nhất là triển khai các tên lửa hành trình chống hạm, đất đối không tới các thực thể ở Biển Đông. Song song với đó, Trung Quốc cũng từng bước xây dựng chuỗi các cơ sở quốc phòng, thương mại, trong đó có các hải cảng ở Ấn Độ Dương.

Giới chuyên gia cho rằng, sau Biển Đông, Trung Quốc sẽ bành trướng ảnh hưởng ở các tuyến đường thủy quan trọng khác.

Sông Mekong

Theo viện nghiên cứu Lowy ở Australia, sông Mekong - con sông nối Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia - đang trở thành mục tiêu tiếp theo của Bắc Kinh.

Sông Mekong là con sông dài thứ 12 thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sinh kế cho khoảng 60 triệu người dọc hai bờ con sông. Tuy nhiên, việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện đang đe dọa đến các cộng đồng dân cư ở vùng hạ lưu. Giới phê bình cho rằng, các đập này làm giảm lượng phù sa chảy xuống các vùng hạ lưu, do đó ảnh hưởng đến mùa màng cũng như hoạt động đánh bắt.

"Các đập của Trung Quốc hiện giờ có thể kiểm soát dòng chảy của sông Mekong. Tác động của nó đến nguồn lương thực và sinh kế (ở vùng hạ lưu) hiện giờ rất lớn, song thậm chí có thể tồi tệ hơn nữa nếu dự án xây dựng 11 con đập khác mà một nửa trong số đó có liên quan đến Trung Quốc được triển khai", các chuyên gia của Lowy cảnh báo.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, ngoài các con đập, Trung Quốc có thể loại bỏ các thác ghềnh, bãi đá để kiểm soát tuyến đường thủy chạy qua trung tâm Đông Nam Á đến Lào. "Việc Bắc Kinh kiểm soát các con sông ở Đông Nam Á có vẻ như là một phần trong chiến lược "lát cắt xúc xích" trong khu vực”, chuyên gia của Lowy nhấn mạnh.

Chiến lược "lát cắt xúc xích" cũng là chiến lược mà Bắc Kinh đang áp dụng ở Biển Đông. Chiến lược này nhằm thay đổi hiện trạng lãnh thổ và lãnh hải bằng các hành động nhỏ lẻ, nhưng sau một thời gian tích lũy sẽ tạo "lợi thế" cho Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp.

Tây và Nam Thái Bình Dương

"Các vùng biển xa ở Tây và Nam Thái Bình Dương được cho là các khu vực mà Trung Quốc có thể sẽ bành trướng đáng kể, và hiện giờ đã có những dấu hiệu cho thấy điều đó", Collin Koh Swee Lean, chuyên gia nghiên cứu về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nhận định.

Năm ngoái, các tàu của Trung Quốc bị phát hiện ở vùng biển phía đông Philippines. Tháng 1 năm nay, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cho phép một tàu nghiên cứu của Trung Quốc tiến hành khảo sát đại dương trong khu vực này trước khi cấm tất cả tàu nghiên cứu nước ngoài tiếp cận chỉ khoảng 1 tháng sau đó.

"Nhiều người cho rằng, Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến vùng biển này bởi các lý do quân sự, chủ yếu nhằm tăng cường khả năng giám sát Tây Thái Bình Dương để đề phòng lực lượng của Mỹ đóng ở đảo Guam và Hawaii", chuyên gia Koh nói.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nhắm đến vùng biển Nam Thái Bình Dương. Các thông tin xuất hiện hồi tháng 4 năm nay nói rằng, chính quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách thiết lập hiện diện quân sự thường trực ở Vanuatu, gần Fiji. Thông tin trên xuất hiện sau khi Australia bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc tìm cách gây ảnh hưởng với quốc đảo Vanuatu thông qua các khoản đầu tư hàng tỷ USD.

Giới quan sát cho rằng, nguồn tài nguyên khoáng sản thô có thể là lý do khiến Bắc Kinh muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ở đây. Theo một báo cáo năm 2017 của Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế Pháp, Trung Quốc muốn khai thác khí hydrocarbon ở Papua New Guinea, khai thác gỗ ở Vanuatu và Solomon, đất hiếm ở thềm lục địa Thái Bình Dương.

Ngoài ra, các tàu quân sự Trung Quốc cũng thường bị phát hiện ở khu vực này. Chuyên gia Koh cho rằng, đây là dấy hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng mở rộng hiện diện ở đây.

Minh Phương

Theo CNBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm