1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc có thể trở thành nhà viện trợ lớn nhất cho Thái Bình Dương

(Dân trí) - Trung Quốc có thể vượt Australia trở thành nhà viện trợ lớn nhất cho các quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương nếu Bắc Kinh giữ đúng lời hứa về những khoản cam kết của nước này.

Diễn đàn Vành đai và Con đường được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2017 (Ảnh: Reuters)
Diễn đàn Vành đai và Con đường được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2017 (Ảnh: Reuters)

Theo số liệu từ dự án mới của Viện Lowy, một viện nghiên cứu chính sách đối ngoại của Australia, Trung Quốc đã cam kết viện trợ và cho vay ưu đãi khoảng 5,88 tỷ USD cho Thái Bình Dương từ năm 2011, ít hơn so với các khoản viện trợ trị giá 6,72 tỷ USD của Australia. Trong cùng giai đoạn này, Mỹ cam kết viện trợ 1,36 tỷ USD cho khu vực.

Mặc dù Australia hiện vẫn là nhà viện trợ lớn nhất cho các nước Thái Bình Dương, song những khoản tiền lớn đang được Trung Quốc chi trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường cho thấy Bắc Kinh có thể sớm đuổi kịp và vượt Canberra để trở thành nhà viện trợ lớn nhất. Vành đai và Con đường là dự án đầu tư và thương mại khổng lồ kết nối Trung Quốc với 68 quốc gia trên toàn thế giới.

Chỉ riêng tại Papua New Guinea, Trung Quốc đã cam kết viện trợ hàng tỷ USD để xây dựng đường sá và thực hiện các dự án khác, trong đó có một số dự án chưa được thống kê trong dữ liệu của Viện Lowy vì các thỏa thuận vẫn đang trong giai đoạn đầu thực hiện.

Tuy nhiên, theo CNN, liệu Trung Quốc có hiện thực hóa toàn bộ những lời hứa hẹn cũng như các biên bản ghi nhớ với các quốc gia Thái Bình Dương hay không lại là vấn đề khác. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2018, chỉ 21% số tiền mà Trung Quốc từng cam kết được chi trên thực tế, so với con số 97% của Australia.

Mặc dù số liệu thống kê từ cam kết của Trung Quốc cho thấy nước này sẽ sớm vượt Australia trong tương lai gần để trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho khu vực Thái Bình Dương, song ông Jonathan Pryke, Giám đốc Chương trình Đảo Thái Bình Dương thuộc Viện Lowy, vẫn hoài nghi về việc liệu các khoản chi trên thực tế có tương xứng với những lời hứa hẹn của Bắc Kinh hay không.

“Trung Quốc đang chơi một cuộc chơi lớn nếu xét đến những cam kết của nước này trong khu vực, và chủ yếu tập trung vào một quốc gia là Papua New Guinea. Tôi không tin rằng Trung Quốc sẽ vượt Australia. Chúng tôi (Australia) có mức độ cam kết sâu rộng hơn nhiều so với Trung Quốc”, chuyên gia Pryke nhận định.

Hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương Australia Concetta Fierravanti-Wells đã chỉ trích Trung Quốc xây dựng “những tòa nhà vô dụng” và “những con đường không đi đến đâu”, đồng thời trút khoản nợ khổng lồ cho các quốc gia nghèo hơn.

“Điều quan trọng là đầu tư phải mang lại hiệu quả và thực sự có lợi nhuận về kinh tế. Gánh nặng nợ nần có thể khiến nguồn ngân sách khan hiếm của các nước không thể đảm bảo cho các nhu cầu cấp bách hơn như y tế và giáo dục”, Bộ trưởng Concetta cảnh báo.

Lo ngại của Australia


Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Australia Julie Bishop gặp nhau hồi tháng 2/2017. (Ảnh: AFP/Getty)

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Australia Julie Bishop gặp nhau hồi tháng 2/2017. (Ảnh: AFP/Getty)

Một số ý kiến tại Australia đã bày tỏ quan ngại về việc Canberra đang bị mất ảnh hưởng trước Trung Quốc trong bối cảnh nhiều chính phủ đã cắt các khoản viện trợ dành cho Thái Bình Dương khi Trung Quốc tăng cường đầu tư vào khu vực.

“Vai trò của Trung Quốc tại Thái Bình Dương ngày càng tăng trong khi ngày càng nhiều nước bỏ rơi khu vực này”, thượng nghị sĩ Australia Penny Wong nhận định hồi tháng 1.

Australia ngày càng lo ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực giữa lúc quan hệ song phương có xu hướng xấu đi sau khi quốc hội Australia hồi tháng 6 thông qua luật mới nhằm ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài. Động thái này diễn ra sau những căng thẳng giữa Canberra với Trung Quốc xung quanh cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào tình hình nội bộ tại Australia và gia tăng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương.

Khi bộ luật mới tại Australia lần đầu được giới thiệu, truyền thông Trung Quốc đã mô tả văn kiện này là “lố bịch” và “đáng hổ thẹn”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 2 từng hối thúc Australia “từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh và sự thiên vị về tư tưởng, dừng đưa ra những bình luận vô trách nhiệm, đồng thời hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy sự phát triển ổn định của quan hệ Trung Quốc - Australia trên cơ sở tin cậy, bình đẳng và hai bên cùng có lợi”.

Hồi tháng 4, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull từng bày tỏ quan ngại trước thông tin nói rằng Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự ở quốc đảo Vanuatu trên Thái Bình Dương - nơi cách bờ biển Australia khoảng 2.500 km. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Vanuatu hồi tháng 5 đều phủ nhận thông tin này.

Vanuatu cũng là một trong những quốc gia ở Thái Bình Dương, cùng Papua New Guinea, đang chứng kiến việc Trung Quốc “vượt mặt” Australia về các cam kết viện trợ.

Trong khi Australia không hài lòng về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở khu vực gần biên giới, Bắc Kinh cũng lo ngại về sự can dự của Australia trong vấn đề Biển Đông. Canberra coi Biển Đông là vùng biển quốc tế và ủng hộ các nỗ lực duy trì một khu vực mở. Chính quyền Thủ tướng Turnbull gần đây cũng đầu tư mua các máy bay trinh sát không người lái của Mỹ để tăng cường tuần tra trên Biển Đông.

Tham vọng của Trung Quốc

Cảng Hambantota tại Sri Lanka (Ảnh: AFP)
Cảng Hambantota tại Sri Lanka (Ảnh: AFP)

Nhiều người lo ngại rằng nguy cơ các nước nhận viện trợ trở thành con nợ của Trung Quốc không chỉ giới hạn tại khu vực Thái Bình Dương.

Một báo cáo được công bố năm ngoái cho thấy Trung Quốc dự kiến sẽ thế chân Mỹ trở thành nhà viện trợ lớn nhất cho các nước đang phát triển. Điều này diễn ra trong bối cảnh Washington đang cắt giảm dần các khoản viện trợ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Theo ông Brad Parks, giám đốc điều hành của dự án AidData chuyên theo dõi hỗ trợ phát triển, trong giai đoạn từ 2000-2014, viện trợ của Trung Quốc và Mỹ gần tương đương nhau, tuy nhiên hình thức viện trợ của hai nước hoàn toàn khác nhau. Ông Parks cho biết phần lớn viện trợ của Trung Quốc thực chất là các khoản vay thương mại nhằm thâm nhập thị trường và mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ra toàn cầu.

Nghiên cứu của AidData chỉ ra rằng phần lớn viện trợ của Trung Quốc không phù hợp với tiêu chuẩn về hỗ trợ phát triển chính thức và “không có tác động rõ ràng tới sự tăng trưởng của nền kinh tế”. Các khoản vay này được cảnh báo sẽ đặt các nước vào bài toán trả nợ khó khăn trong khi lợi ích mà họ đạt được không nhiều.

Điều khiến những người chỉ trích Trung Quốc tại Australia lo ngại nhất là các dự án tại các nước Thái Bình Dương sẽ đi theo “vết xe đổ” của cảng Hambantota ở Sri Lanka. Năm ngoái, Sri Lanka buộc phải cho Trung Quốc thuê lại cảng này trong 99 năm để cấn trừ nợ, tạo điều kiện để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại khu vực gần Ấn Độ Dương.

Thành Đạt

Tổng hợp