1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên bị nghi nâng cấp nhà máy chế tạo tên lửa

(Dân trí) - Những hình ảnh vệ tinh mới được công bố gần đây cho thấy Triều Tiên dường như đã hoàn tất việc mở rộng một cơ sở chế tạo tên lửa đạn đạo quan trọng của nước này trong lúc cam kết phi hạt nhân hóa.

Ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động mở rộng tại cơ sở tên lửa của Triều Tiên ở Hamhung (Ảnh: Planet Labs)
Ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động mở rộng tại cơ sở tên lửa của Triều Tiên ở Hamhung (Ảnh: Planet Labs)

Theo Thời báo phố Wall, những hình ảnh vệ tinh do công ty Planet Labs có trụ sở tại San Francisco và được các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury (MIIS) tại Monterrey phân tích cho thấy, Triều Tiên đã hoàn tất việc mở rộng một tổ hợp nhà máy tại Viện Vật liệu Hóa chất đặt trụ sở tại thành phố Hamhung.

Nhà máy này là nơi sản xuất các động cơ chính dành cho các tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn. Ngoài ra, đây cũng là nơi sản xuất các bộ phận khác của tên lửa, bao gồm thiết bị hồi quyển của đầu đạn. Các đầu đạn này có thể được gắn trên tên lửa đạn đạo tầm xa mà Triều Tiên từng tuyên bố đủ khả năng phóng tới lãnh thổ Mỹ.

Khác với các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng vốn đòi hỏi phải chuẩn bị vài giờ trước khi phóng, các tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn có thể rời bệ phóng trong thời gian ngắn, từ đó giúp chúng giảm bớt nguy cơ bị đối phương tấn công phủ đầu. Các tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn của Triều Tiên có tầm hoạt động khoảng 1.500 km.

“Việc mở rộng này cho thấy, bất chấp hy vọng về phi hạt nhân hóa, ông Kim Jong-un vẫn quyết tâm tăng cường kho tên lửa hạt nhân của Triều Tiên”, David Schmerler và Jeffrey Lewis, tác giả báo cáo của MIIS, nhận định.

“Viện Vật liệu Hóa học dường như có một chức năng, đó là sản xuất các bộ phận cho chương trình tên lửa của Triều Tiên”, chuyên gia Schmerler cho biết.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng tới thị sát cơ sở ở Hamhung năm 2017 (Ảnh: KCNA)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng tới thị sát cơ sở ở Hamhung năm 2017 (Ảnh: KCNA)

Theo ông Lewis, giám đốc chương trình chống phổ biến vũ khí Đông Á tại MIIS, phần lớn việc mỏ rộng nhà máy được tiến hành vào tháng 5, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và trước khi gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hồi tháng 8/2017, ông Kim Jong-un từng được nhìn thấy đã đến thăm và quan sát bản vẽ về quy hoạch nhà máy này sau khi Triều Tiên phóng thử hai tên lửa đạn đạo liên lục địa. Vào thời điểm đó, Bình Nhưỡng từng dọa tấn công khu vực đảo Guam của Mỹ.

Phát hiện trên của MIIS được đưa ra sau một loạt nghi vấn gần đây về cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Bất chấp sự lạc quan và tuyên bố tích cực về Triều Tiên gần đây của Tổng thống Trump, giới chức Mỹ vẫn không tin rằng Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí của nước này sau một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa hồi năm ngoái.

Tuần trước, 38 North, trang mạng chuyên theo dõi và đăng tải thông tin về Triều Tiên, đã công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy cơ sở nghiên cứu hạt nhân chính tại Yongbyon của Triều Tiên đang được nâng cấp “với tốc độ nhanh chóng”.

Ngày 25/6, trang mạng The Diplomat đưa tin Triều Tiên vẫn tiếp tục sản xuất các thiết bị hỗ trợ và bệ phóng cho tên lửa đạn đạo tầm trung mới hơn của nước này trong năm nay. Thông tin này được đưa ra dựa trên một đánh giá gần đây của quân đội Mỹ.

Cuối tuần trước, hãng tin NBC cũng trích dẫn thông tin từ các cơ quan tình báo Mỹ cho biết, Triều Tiên đã tăng cường hoạt động sản xuất nguyên liệu cho vũ khí hạt nhân tại nhiều cơ sở bí mật của nước này trong những tháng gần đây.

“Có bằng chứng rõ ràng cho thấy họ đang tìm cách lừa gạt Mỹ”, NBC dẫn lời một quan chức Mỹ nói.

Thành Đạt

Tổng hợp