The Economist: Châu Âu cần "xoay trục" sang châu Á?
Trước những căng thẳng trên Biển Đông gần đây, khi Mỹ đưa tàu chiến đến khu vực, Liên minh châu Âu (EU) chỉ phản ứng bằng cách… ra thông cáo.
Từ nhiều năm qua, châu Âu vẫn bị than phiền là không quan tâm đến vấn đề an ninh châu Á. So với quy mô, sức mạnh và mối quan hệ với châu lục này, người ta hy vọng EU sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng ở châu Á. Tuy nhiên, dư luận không rõ là EU có sẵn lòng vào cuộc hay không.
Tại Đối thoại An ninh thường niên Shangri-La ở Singapore năm 2015, người đứng đầu ngành ngoại giao EU là bà Federica Mogherini đã kêu gọi các nước đừng coi EU chỉ là một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn. Bà nhấn mạnh, EU cũng là “một cộng đồng về chính sách ngoại giao, tham gia vào an ninh và quốc phòng”.
Các nhà ngoại giao châu Âu vẫn thích "khoe" thành công của chiến dịch Atlanta năm 1988, khi hải quân châu Âu đã giúp bảo vệ các tàu đi qua vùng Sừng châu Phi khỏi tay hải tặc.
Trên tinh thần đó, tại Đối thoại Shangri-La diễn ra vào đầu tháng Sáu này, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đề nghị châu Âu tham gia giải quyết mối quan ngại lớn nhất trong khu vực: tình trạng căng thẳng trên Biển Đông. Ông Le Drian đề xuất rằng các chiến hạm châu Âu cần “phối hợp với nhau để đảm bảo sự hiện diện thường xuyên tại các vùng biển châu Á”.
Tuy nhiên, một số nước Đông Nam Á coi châu Âu là một thế lực đang đi xuống với các cuộc khủng hoảng kinh tế, nạn nhập cư ồ ạt và nguy cơ "Brexit". Châu Âu quá bận bịu với những nỗi lo của chính mình để có thể quan tâm đến một châu Á đang trỗi dậy.
Bên cạnh đó, EU còn vắng mặt trong hai cơ chế quan trọng đối với ASEAN là Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Mặt khác, sự hiện diện quân sự khiêm tốn của EU tại châu Á lại không nhân danh liên minh, mà là của hai quốc gia thành viên.
Cụ thể, Pháp có 8.000 binh sĩ tại đây để bảo vệ các lãnh thổ ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, còn Anh duy trì quân đội đồn trú ở Brunei và một số cơ sở ở Singapore.
The Economist nhận định, sự hiện diện quân sự của châu Âu tại Biển Đông sẽ chứng tỏ điều quan trọng rằng vùng biển này không phải chỉ là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Châu Âu đang quên rằng châu Á cũng cần mình như EU cần đến châu Á.
Theo TNB/ The Economist
Thế giới và Việt Nam