1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tấn công phủ đầu Triều Tiên-"Chiến lược mạo hiểm quá mức"

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Washington có thể tấn công phủ đầu Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân, làm dấy lên những lo ngại về rủi ro của cuộc chiến tranh hạt nhân.

Tuy nhiên, trong mọi kịch bản chiến tranh, Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ giành phần thắng, nhưng với một cái giá rất đắt.

Chương trình hạt nhân

Tính cho tới nay, chỉ có hai quả bom hạt nhân đã được sử dụng trong chiến tranh tại Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cả hai quả bom này đã cho thế giới thấy sức công phá và hủy diệt khủng khiếp của chúng.

Sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, số lượng đầu đạn hạt nhân tăng lên một cách chóng mặt. Hiện nay, trên toàn thế giới có 9 quốc gia và vùng lãnh thổ sở hữu vũ khí hạt nhân với tổng cộng gần 16.000 đầu đạn hạt nhân theo thống kê của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA), bao gồm: Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên.

Trong đó, Mỹ và Nga hiện đang nắm giữ 93% tổng số vũ khí hạt nhân của thế giới. Mặc dù Nga và Mỹ cam kết cắt giảm kho vũ khí hạt nhân theo các quy định trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược NEW START, song thực tế kho vũ khí hạt nhân của hai nước vẫn rất lớn.

Cơ sở hạt nhân Dong Pieng của Triều Tiên.Ảnh: Reuters
Cơ sở hạt nhân Dong Pieng của Triều Tiên.Ảnh: Reuters

Ông David Albright, Chủ tịch Viện Nghiên cứu khoa học và an ninh quốc tế Mỹ (ISIS), một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington chuyên theo dõi các vấn đề hạt nhân Triều Tiên và Iran, cho biết: Triều Tiên được cho là sở hữu 30kg plutoni đã phân tách và từ 175 đến 645kg urani cấp độ vũ khí. Con số này tương đương với 13 đến 30 đơn vị vũ khí hạt nhân với điều kiện 70% số nguyên liệu thô này được sử dụng để chế tạo bom và cũng đủ để chế tạo 12 vũ khí sử dụng "lõi kết hợp" plutoni và urani cấp độ vũ khí.

Theo chuyên gia Albright, các vụ thử dưới lòng đất sẽ cho phép Triều Tiên cải thiện đáng kể vũ khí của mình về mức độ tiêu hao nguyên liệu thô (đặc biệt là plutoni) trong mỗi đơn vị vũ khí, thu nhỏ hơn đầu đạn và tăng cường sức công phá. Ông Albright cho rằng, Bình Nhưỡng cũng đặt mục tiêu phát triển vũ khí nhiệt hạch, loại vũ khí sử dụng ít nguyên liệu thô hơn, thu nhỏ đầu đạn hơn nhưng có sức công phá lớn hơn.

Những rủi ro lớn

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố Washington có thể tấn công phủ đầu Triều Tiên làm dấy lên những lo ngại về rủi ro của một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Trong cuộc phỏng vấn của giới truyền thông Nga mới đây, thành viên Hội đồng Xã hội của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM), Giáo sư Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga Vladimir Kuznetsov nhận định, trong trường hợp diễn biến tiêu cực, đám mây phóng xạ có thể ảnh hưởng đến Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Theo chuyên gia Kuznetsov, thậm chí nếu xem xét kịch bản tiêu cực nhất liên quan vụ tấn công không cân nhắc của Mỹ giáng vào trung tâm hạt nhân Dong Pieng, nơi chế xuất vật liệu phân hạch hạt nhân và bố trí các lò phản ứng đang hoạt động do Liên Xô trước đây cung cấp từ những năm 50 của thế kỷ trước, thì đối tượng hứng chịu mối đe dọa ô nhiễm hạt nhân không những trước hết là lãnh thổ Triều Tiên mà còn cả địa bàn Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Melissa Hanham tại Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí James Martin (Mỹ), cho rằng, việc thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ nằm cách khu phi quân sự khoảng 50km là một trong những rào cản lớn nhất ngăn liên quân Mỹ-Hàn có hành động quân sự trực tiếp đối với Triều Tiên.

“Nếu Mỹ tiến hành một cuộc tấn công chống lại Bình Nhưỡng, Triều Tiên sẽ tấn công vào các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như dinh Tổng thống Hàn Quốc ở Seoul”, Bộ Tổng tham mưu của Triều Tiên cảnh báo.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Melissa Hanham, ngay cả khi đòn tấn công phủ đầu của Mỹ vô hiệu hóa được các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Bình Nhưỡng vẫn sở hữu hỏa lực phi hạt nhân hùng hậu cùng đội quân thường trực đông đảo.

Trong khi đó, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Brookings (Mỹ), ông Jonathan D. Pollack, cho biết, kể từ sau năm 1953, các chiến lược gia Mỹ đã từng cân nhắc nhiều kế hoạch tấn công quân sự vào Triều Tiên. Tuy nhiên, tất cả các bản đánh giá kế hoạch tác chiến đều có một kết luận rằng, dù Mỹ có thể giành chiến thắng thì "cái giá" phải trả vẫn là "đắt khủng khiếp", đặc biệt đối với đồng minh Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới và là nơi sinh sống của hơn 25 triệu dân. Theo chuyên gia Pollack, kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên của Mỹ là "chiến lược mạo hiểm quá mức".

Theo Bình Nguyên

Quân đội nhân dân