1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

T-90 khoe nạp đạn tự động, M1A2 nạp nhanh khi đứng im

Dù phần lớn xe tăng hiện đại trên thế giới đều được trang bị hệ thống nạp đạn tự động nhưng trên M1A2, người Mỹ vẫn trung thành với nạp thủ công.

Tăng M1A2 chiếm lợi thế khi đứng im

Truyền thông Nga vừa đăng tải đoạn video ghi lại cách hệ thống nạp đạn tự động của T-90A hoạt động rất nhịp nhàng khi tham chiến tại Aleppo, Syria. Được biết, trên tăng T-90, Armata cùng một số tăng dòng T của Nga hiện nay đều được trang bị hệ thống nạp đạn tự động.

Trong khi đó, M1A2 Abrams của Mỹ là một trong những dòng tăng hiện đại cuối cùng trên thế giới vẫn trung thành với cách nạp đạn pháo thủ công. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Mỹ vẫn dùng cách nạp đạn thủ công dù bị cho là lạc hậu so với máy nạp đạn của Nga?

Tăng T-90A tại Syria.
Tăng T-90A tại Syria.

Khi nói đến nạp đạn là phải nói đến tốc độ, đặc biệt trong điều kiện thực chiến. Nạp đạn thủ công trên M1A2 cho phép nạp trong vòng 3-4s nếu xe đứng yên, con số này trên T-90 là khoảng 6-7s.

Có được con số ấn tượng này là bởi việc bố trí đạn của M1A2 khá hợp lí với khoảng 30 viên trong khoang sau tháp pháo và 10 viên dưới thân xe bên cạnh tổ lái. Đối với đạn ở khoang sau, người nạp đạn sẽ chọn loại đạn trên bảng điều khiển, băng chuyền đưa quả đạn cần lấy về cửa để người nạp đạn đưa vào khóa nòng.

Sau khi đã bắn hết đạn trong khoang sau, họ sẽ lấy đạn từ khoang trong thân xe, chậm hơn nhưng vẫn tương đối thoải mái và nhanh chóng. Còn một lý do khác là đạn 120mm là liều liền nên thao tác nạp ít hơn so với liều rời 125mm của Nga.

Đối với nạp đạn tự động, xe có 22 quả nạp sẵn trong băng đạn. Máy lựa chọn đạn giống như trên M1A2, sau đó đưa đạn và liều phóng lên khóa nòng, đẩy đầu đạn vào trước, sau đó đẩy liều vào.

Khi đạn trong băng nạp tự động đã hết, xạ thủ buộc phải tự mình lấy đạn trong thân xe và nạp vào khóa nòng, điều này khiến tốc độ giảm đi rõ rệt, chậm hơn so với nạp đạn từ thân xe như trên M1A2, bởi xạ thủ phải làm công việc của 2 người.

Nhưng đó là khi đứng yên. Còn trong điều kiện chiến đấu tốc độ cao, vừa bắn vừa hành tiến, tốc độ bắn của nạp đạn tự động là không đổi, trong khi nạp đạn thủ công giảm rõ rệt do đường xóc và cua nhiều.

Như vậy, nạp đạn tự động hướng tới sự ổn định trong tốc độ, còn nạp đạn thủ công thì tùy trường hợp, lúc nhanh, lúc chậm hơn và điều này sẽ khiến bản thân chiếc tăng gặp nguy hiểm khi tác chiến tại địa hình không bằng phẳng.

Binh sĩ Mỹ nạp đạn bằng tay cho tăng M1A2.
Binh sĩ Mỹ nạp đạn bằng tay cho tăng M1A2.

Bất phân thắng bại

Cùng với điểm mạnh/yếu của nạp đạn thủ công và máy nạp, độ tin cậy và khả năng thay đạn của 2 cách nạp này cũng là điều đáng nói. Theo nhận định của một số chuyên gia, tăng T-90 sẽ phải đối mặt với nguy hiểm khi đang dùng đạn nổ mảnh (HEF) để đối phó với tốp bộ binh địch thì phải đối mặt với chiếc tăng M1A2.

Đổi sang đạn khác để là điều không thể, bởi hệ thống nạp đạn tự động chỉ có khả năng nạp chứ không có khả năng thay đạn. Trong khi đó, trên M1A2, điều này dễ dàng hơn nhiều, do có riêng một người làm nhiệm vụ nạp đạn. Người này có thể dễ dàng thay đổi loại đạn nếu cần.

Mặc dù vậy, hệ thống nạp đạn tự động trên dòng T của Nga hoạt động vẫn rất tin cậy và tiếp tục được tin dùng để trang bị cho tăng Armata. Còn trên M1A2, hệ thống nạp đạn thủ công phụ thuộc vào trình độ huấn luyện của kíp lái.

Và có thể đây chính là lý do khiến không chỉ có Nga mà nhiều nước trên thế giới hiện đang tin dùng hệ thống nạp đạn tự động thay vì thủ công cho xe tăng.

Clip cách máy nạp đạn tự động của T-90A làm việc:

Theo Đan Nguyên (tổng hợp)

Đất Việt