1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sức mạnh quân sự Philippines không hề hấn khi Mỹ rút quân

Dù Mỹ bắt đầu rút các thiết bị quân sự khỏi Philippines, Manila vẫn tự tin tuyên bố, động thái này không ảnh hưởng đến sức mạnh quân sự của họ.

Mỹ rút quân

Hãng thông tấn Philstar dẫn lời nhân viên an ninh tại sân bay quốc tế Zamboanga ở Mindanao, Philippines cho biết, hôm 4/10, máy bay vận tải hạng nặng C-17 của Không quân Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay này để chở một số trang thiết bị và phương tiện chuyên dụng của Mỹ.

Nói với tờ Philstar, người đứng đầu lực lượng Cảnh sát An ninh hàng không Philippines Roderick Salem cho biết nhân viên an ninh Mỹ đã trông giữ các trang thiết bị và phương tiện được đặt gần tháp kiểm soát không lưu ở sân bay Zamboanga và đưa chúng lên máy bay vận tải C-17 và cất cánh ngay sau đó.

Theo vị đại diện này, quân đội Mỹ đã phối hợp với Cơ quan hàng không dân dụng Philippines (CAAP) để đưa chiếc C-17 tới sân bay Zamboanga. Tuy nhiên, cả Mỹ và Philippines đều bảo mật lịch trình của chiếc C-17 này với lý do đảm bảo an ninh.

Dù động thái rút quân của Mỹ khỏi Philipines đã khá rõ ràng, tuy nhiên hiện Bộ chỉ huy Tây Mindanao thuộc quân đội Philippines và Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Manila cũng chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về thông tin này.

Mỹ và Philippines trong cuộc tập trận Balikatan năm 2015.
Mỹ và Philippines trong cuộc tập trận Balikatan năm 2015.

Không ảnh hưởng đến Philippines

Dù cả Philippines và Mỹ chưa có bình luận về sự kiện này, tuy nhiên theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, quân đội nước này có thể tự lực cánh sinh mà không cần tới sự hỗ trợ từ Mỹ.

"Tôi nghĩ chúng tôi có thể sống mà không có nguồn viện trợ của Mỹ. Thực ra, Quốc hội đang rót tiền để chúng tôi tìm kiếm nguồn trang bị. Tôi tin rằng họ sẽ chi nhiều hơn nữa nếu chúng tôi không còn nguồn nào khác", Bộ trưởng Delfin Lorenzana tuyên bố.

Theo Philstar, tuyên bố của người đứng đầu quân đội Philippines được đưa ra hôm 7/10 gần như ngay sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết: Mỹ và EU có thể rút viện trợ nếu họ không hài lòng với cuộc chiến chống ma túy mà nước này đang tiến hành.

Cùng chung quan điểm này, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho hay: Sở dĩ ông Duterte hành xử như vậy là bởi ông muốn giải phóng Philippines khỏi "sự phụ thuộc kìm kẹp" vào Mỹ, khi mà nước này không thể đảm bảo sự hỗ trợ trong trường hợp chủ quyền Manila bị đe dọa.

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc Philippines "mạnh miệng" như vậy là bởi ngay cả khi đồn trú quân tại quốc gia Đông Nam Á này, Mỹ cũng không giúp củng cố thế lực quân sự của Philippines trong tình hình khu vực đầy bất ổn.

Theo trang USNI, hồi đầu năm 2016, Washington và Manila đã thông qua danh sách 5 căn cứ ở Philippines để Mỹ luân phiên triển khai quân và chuẩn bị các cơ sở vật chất hỗ trợ cho chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương trong khuôn khổ Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA).

Theo quan sát viên Armando J. Heredia từ Viện phân tích hải quân Mỹ (NI), đáng chú ý là 4 trong số 5 căn cứ trên là các căn cứ không quân đặt trên các đảo Luzon, Palawan, Cebu và Mindanao. Căn cứ Fort Magsaysay, phía bắc thủ đô Manila, là căn cứ bộ binh duy nhất mà Mỹ triển khai ở Philippines.

Ông Heredia cho rằng việc Mỹ lựa chọn các địa điểm đặt căn cứ này là rất đáng chú ý. Căn cứ Basa trên đảo Luzon là nơi đóng quân của một số phi đội tiêm kích chiến thuật của không quân Philippines và vẫn còn nhiều chỗ để cho các chiến đấu cơ và oanh tạc cơ Mỹ đồn trú.

Căn cứ Mactan trên đảo Cebu chứa hầu hết các máy bay vận tải hạng nặng của không quân Philippines và cũng là nơi có một cảng hàng không quốc tế và một cảng biển gần đó. Căn cứ Lumbia nằm trên đảo Mindanao là nơi đóng quân của không đoàn tấn công số 15, đơn vị chịu trách nhiệm tiến hành không kích quân nổi dậy Hồi giáo nhiều năm qua.

Không đoàn số 15 là đơn vị đầu tiên sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác như các Paveway với sự hỗ trợ của không quân Mỹ để tấn công phiến quân Abu Saayaf trong khu vực, hứa hẹn việc hợp tác giữa quân đội hai nước sẽ diễn ra tốt đẹp trong thời gian tới.

Căn cứ Antonio Bautista trên đảo Palawan hướng ra Biển Đông... Căn cứ Fort Magsaysay là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động trao đổi quân sự chung giữa Mỹ và Philippines. Căn cứ này cũng có thể được sử dụng như một căn cứ không quân trong tương lai.

Theo thỏa thuận, Mỹ chỉ luân phiên triển khai quân đồn trú, xây dựng cơ sở và triển khai trước các điều kiện vật chất bên trong căn cứ, khác với hoạt động đóng quân lâu dài như tại các căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark trước đây.

Đáng chú ý là Mỹ không bố trí lực lượng tại bất cứ căn cứ hải quân nào ở Philippines theo thỏa thuận mới, mà chủ yếu đặt ưu tiên với không quân. Theo các chuyên gia phân tích, để đối phó với các thách thức an ninh hàng hải khác nhau trong khu vực, chỉ dựa vào sức mạnh không quân là không đủ, mà Mỹ cần tới cả sự hiện diện và uy lực của hải quân.

Vì vậy, Philippines tỏ ra có lý khi tuyên bố quân đội của họ hoàn toàn có thể "tự lực cánh sinh" ngay cả khi không có sự hiện diện của người Mỹ.

Clip Philippines tập trận Balikatan 2016:

Theo Tuấn Hưng

Đất Việt