Sức mạnh đáng gờm của Không quân Nga
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng Không quân Nga hiện thời chưa có tiềm lực ngang bằng Không quân Mỹ nhưng Moscow đang tập trung phát triển cả về mặt chất và lượng.
Nga và Mỹ là 2 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới. Dù sự sụp đổ của Liên Xô vào những năm đầu 1990 đã ảnh hưởng đáng kể tới vị thế siêu cường của Nga so với Mỹ, dù vậy Tổng thống Vladimir Putin đã khởi động kế hoạch đầy tham vọng nhằm nâng cao năng lực không quân của Nga.
Hiện thời, Mỹ sở hữu phi đội lớn nhất thế giới, gồm 12.000 máy bay không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến. Trong biên chế Hải quân Mỹ, có khoảng 20 tàu sân bay có khả năng mang các vũ khí tiên tiến hiện đại đi vòng quanh thế giới.
Quy mô của Không quân Nga đã giảm đi đáng kể sau sự kiện Liên Xô sụp đổ. Trong gần một thập niên, chương trình phát triển vũ khí quân sự nói chung của Moscow gần như bị chững lại. Nga bắt đầu tập trung vào việc phục hồi lại nền quân sự bắt đầu từ năm 2000, thời điểm ông Putin lên nắm quyền Tổng thống Nga nhiệm kỳ đầu tiên. Tới nay, Nga sở hữu khoảng 4.000 máy bay và 1 tàu sân bay.
Chuyên gia Mỹ Dave Majumdar của National Interest đánh giá, về quy mô không quân, Mỹ dường như đang đi trước thế giới. “Chúng tôi có tiêu chuẩn vàng cho không quân, mọi quốc gia đều mong muốn được giống như chúng tôi nhưng người Nga đang dần theo kịp”, ông Majumdar nhận định.
Nga đang nhanh chóng triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57, hay còn được goi là PAK-FA hoặc T-50. Đây là máy bay đầu tiên trong kho vũ khí Nga sử dụng công nghệ tàng hình. Ông Majumdar cho biết hiện chưa có nhiều thông tin về Su-57, nhưng nếu máy bay này mạnh như những gì được công bố, nó sẽ trở thành đối thủ đáng gờm với máy bay chiến đấu F-22 Raptor của Mỹ.
Theo chuyên gia quân sự Kyle Mizokami, F-22 dường như đang nhỉnh hơn Su-57 về khả năng tấn công tầm xa. Mặc dù vậy, Su-57 ở tầm tấn công gần, được trang bị hệ thống “tìm kiếm và tiêu diệt” bằng hồng ngoại, được coi là một trong những ưu thế không nhỏ mà các máy bay tàng hình của Mỹ hiện chưa sở hữu.
Tuy nhiên, với những máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 như Su-35 Flanker-E, các chuyên gia cho rằng Nga đã có ưu thế nhất định. Chuyên gia an ninh Sebastien Roblin đánh giá tính cơ động của Su-35 rất đáng gờm khi so sánh với các máy bay thế hệ thứ 5 của Mỹ như F-22 và F-35 Lightning II dù khả năng tàng hình của Su-35 không bằng với các máy bay trên.
Uy lực của Không quân Nga
Thông thường, các nhà quan sát quân sự thường được chiêm ngưỡng năng lực của Không quân Nga ở các triển lãm hàng không quân sự, hoặc các cuộc tập trận. Tuy nhiên, tại chiến trường Syria, giới chuyên gia cho rằng Nga đã triển khai năng lực không quân hùng mạnh nhằm tiêu diệt các nhóm khủng bố ở đây.
Theo Business Insider, Moscow đã triển khai lực lượng đông đảo bao gồm các máy bay Su-57, Su-35, Su-24, Su-25, Su-27MS3, Su-30SM, Su-34, Mikoyan MiG-29SMT, Beriev A-50, Ilyushin IL-20 và Antonov An-24. Nga còn điều biến thể của máy bay ném bom Tupolev Tu-22M3 với “vũ khí tấn công chính xác tầm xa hiện đại”. Ngoài ra, sự xuất hiện của thiên nga Tu-160 với tên lửa hành trình Kh-101 đã “san phẳng” hàng loạt hang ổ và sào huyệt của lực lượng khủng bố tại đây.
Các chuyên gia cho rằng Nga đang muốn gửi thông điệp tới Mỹ với những chiến dịch họ đã thực hiện ở Syria. “Liệu họ có cần tên lửa Kh-101 để chống lại những kẻ (khủng bố) chỉ sử dụng súng AK-47 ở dưới mặt đất? Không cần phải vậy”, ông Majumdar nhận định.
Ngoài việc nỗ lực để bắt kịp với quy mô của Không quân Mỹ, Nga cũng đang nỗ lực trong việc phát triển bộ 3 hạt nhân. Ngoài các máy bay ném bom trên không như Tu-160, Nga vẫn tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa mới và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Các chuyên gia cho rằng Nga là một đối thủ đáng gờm với Mỹ dù ngân sách quốc phòng của Moscow chỉ bằng một phần mười Washington. Bằng chứng là, dù đang sở hữu kho vũ khí có quy mô lớn hơn, Mỹ vẫn dè chừng và coi Nga là một trong những mối đe dọa hàng đầu trên thế giới.
Đức Hoàng
Theo Newsweek