1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Sự nổi tiếng và “bẫy truyền thông” đối với đội bóng nhí Thái Lan

(Dân trí) - Sau khi vượt qua thử thách 18 ngày bị mắc kẹt trong hang tối, giờ đây đội bóng thiếu niên Thái Lan phải cùng nhau vượt qua một thách thức mới: Sự nổi tiếng.

Biển quảng cáo có hình đội bóng Lợn Rừng tại Thái Lan (Ảnh: AFP)
Biển quảng cáo có hình đội bóng Lợn Rừng tại Thái Lan (Ảnh: AFP)

Giới chức y tế Thái Lan cho biết 12 cầu thủ nhí, tuổi từ 11 đến 16, và huấn luyện viên 25 tuổi của đội bóng Lợn Rừng sẽ được chăm sóc trong bệnh viện ít nhất một tuần và dành một tháng nghỉ ngơi tại nhà sau chiến dịch giải cứu thần kỳ thu hút sự chú ý của cả thế giới. Theo Reuters, cả đội bóng đang phải đối mặt với sức ép từ sự kỳ vọng ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế.

“Cả thế giới đang dõi theo. Cháu tôi bị mắc kẹt trong hang và tất cả mọi người tại đất nước này cũng như trên toàn thế giới đã tới đây và giúp đỡ. Vậy chúng tôi phải làm gì để trả ơn họ?”, bà Kham-oey Promthep, 64 tuổi, bà của cầu thủ 13 tuổi Duangpetch Promthep, nói với Reuters.

“Chúng tôi không có gì cả để báo đáp cả, vì thế cháu tôi phải trở thành một cậu bé tốt”, bà của đội trưởng đội bóng Lợn Hoang cho biết.

Trong chiến dịch giải cứu nghẹt thở tại hang Tham Luang, số phận của các cầu thủ nhí đã trở thành đề tài thu hút sự chú ý của cả thế giới. Cuộc giải cứu với sự tham gia của các thợ lặn và chuyên gia quốc tế đã đưa Tham Luang trở thành cái tên nổi bật trên bản đồ thế giới. Thậm chí giới chức Thái Lan đã lên kế hoạch phát triển hang động này thành một bảo tàng để tái hiện vụ giải cứu đội bóng.

Theo Tiến sĩ Andrea Danese tại Viện nghiên cứu Tâm thần học, Tâm lý học và Khoa học Thần Kinh thuộc Đại học King ở London, Anh, mặc dù nhận được sự quan tâm và áp lực ngày càng tăng, song các cầu thủ cần được sống theo cách bình thường nhất có thể.

“Các cậu bé cần được quay trở lại cuộc sống bình thường với thói quen sinh hoạt hàng ngày để thực sự hiểu rằng mối đe dọa đã qua đi”, chuyên gia Danese, người đang lãnh đạo một phòng thí nghiệm về vấn đề căng thẳng tâm lý tại viện nghiên cứu ở London, cho biết.

Cuộc nghiên cứu của ông Danese chỉ ra rằng có tới 20% khả năng các cầu thủ nhí sẽ phải đối mặt với chứng rối loạn tâm lý về lâu dài, bao gồm sự mệt mỏi, lo lắng hay chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ochan cũng đưa ra khuyến cáo rằng, các cầu thủ nhí cần có thêm thời gian cũng như không gian cá nhân để các em có thể hồi phục sức khỏe hoàn toàn.

“Cách tốt nhất là không làm phiền các em và để cho chúng học tập”, Thủ tướng Prayuth nói.

Bẫy truyền thông

Các cầu thủ nhí đang được chăm sóc trong bệnh viện tại Chiang Rai (Ảnh: Reuters)
Các cầu thủ nhí đang được chăm sóc trong bệnh viện tại Chiang Rai (Ảnh: Reuters)

Theo chuyên gia Danese, giới chức Thái Lan đã cấm truyền thông quốc tế, những người ngồi trong các quán cafe và các góc đường cạnh bệnh viện ở Chiang Rai, phỏng vấn các cầu thủ nhí. Truyền thông Thái Lan cũng không khai thác sâu vào đời tư cũng như đăng tải các hình ảnh riêng tư của các cầu thủ để tránh làm đảo lộn cuộc sống của các em.

“Sự chú ý quá mức của truyền thông sẽ gợi nhắc lại những trải nghiệm đau buồn của các cầu thủ và khiến các em không thể quay trở lại cuộc sống bình thường”, ông Danese nhận định.

Cuộc giải cứu đội bóng Thái Lan đã lọt vào tầm ngắm của các nhà làm phim Hollywood và hai công ty dự kiến sẽ cho ra đời các tác phẩm điện ảnh về các cầu thủ nhí cũng như chiến dịch giải cứu. Câu chuyện này tương tự với những gì xảy ra cách đây 8 năm khi 33 thợ mỏ bị mắc kẹt 69 ngày dưới lòng đất ở phía bắc Chile.

Jorge Galleguillos, một trong số các thợ mỏ Chile được giải cứu, khuyên cha mẹ của các cầu thủ không nên duy trì mối quan hệ với các luật sư hoặc nhà báo. Trước đó, một bộ phim mang tên “The 33” kể về cuộc giải cứu tại Chile đã được sản xuất sau khi tham vấn ý kiến của các thợ mỏ. Tuy nhiên, các thợ mỏ này sau đó đã vướng vào vụ kiện tụng với chính luật sư của họ liên quan tới những tranh chấp về lợi nhuận của bộ phim.

“Rất nhiều người muốn họ (đội bóng Thái Lan) ký bản quyền viết sách hoặc làm phim. Sau những gì đã xảy ra, chuyện này rất nguy hiểm vì đồng nghĩa với việc họ sẽ trở thành người nổi tiếng toàn cầu và tất cả mọi người đều muốn điều gì đó từ họ”, thợ mỏ Galleguillos nói.

Năm 2010, nhóm thợ mỏ Chile từng trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông khi được giải cứu thần kỳ khỏi hầm mỏ. Sau khi các hình ảnh và danh tính của các thợ mỏ trong quá trình giải cứu được công khai trên truyền thông đại chúng, họ đã phải hứng chịu những hậu quả nặng nề từ việc đổ vỡ mối quan hệ, các vấn đề về tâm lý, bi quan, nghèo đói và thất nghiệp. Rút kinh nghiệm từ những gì đã xảy ra, một số thợ mỏ Chile đã cảnh báo các thành viên đội bóng Thái Lan về “bẫy” của truyền thông mà chính họ từng là nạn nhân.

“Mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Trong một khoảnh khắc, mọi người đều đổ dồn sự chú ý về phía bạn, từ báo chí, truyền hình, bạn lên trang nhất ở khắp nơi và rồi tất cả chấm dứt. Chúng tôi được hứa hẹn rất nhiều thứ và sau đó, họ đã “bỏ rơi” chúng tôi. Giờ đây chúng tôi bị lãng quên. Tôi mong những điều tương tự sẽ không xảy ra với các cậu bé”, thợ mỏ Galleguillos chia sẻ.

Thành Đạt

Tổng hợp