1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Sự cố Su-22 và sóng gió nổi lên trong quan hệ Nga - Mỹ

Tưởng rằng quan hệ Nga - Mỹ sớm đơm hoa kết trái sau khi ông Donal Trump tiếp quản Nhà Trắng. Tuy nhiên, một loạt các động thái của Washington và Moscow trên chiến trường Syria thời quan qua cho thấy, Mỹ và Nga đang có những toan tính cho riêng mình trên chiến trường Syria.


Ảnh: Dailystar

Ảnh: Dailystar

Động thái của Mỹ và Nga trên chiến trường Syria

Bước ngoặt mang tính đột phá của Mỹ trên chiến trường Syria bắt nguồn từ việc Tổng thống Donald Trump ra lệnh bắn tên lửa hành trình Tomahak vào căn cứ quân sự Shayrat tại tỉnh Homs ở miền Trung Syria hôm 7/4.

Tiếp sau đó, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích vào lực lượng Syria và đồng minh của họ khi di chuyển đến vùng biên giới Syria-Jordan.

Ngày 15/6, quân đội Mỹ đã tiến hành triển khai Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) tới căn cứ tại Al-Tanaf ở miền Đông Syria.

Đặc biệt, ngày 18/6, quân đội Mỹ lần đầu tiên bắn hạ máy bay cường kích Su-22 của quân đội chính phủ Syria.

Trong khi đó, Nga cũng có các hoạt động quân sự chống lại các tay súng của Nhà nước Hội giáo (IS) tự xưng tại Syria.

Trong hai ngày 6 và 8/6, Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga đã tiến hành không kích vào các vị trí các tay súng IS đang chuẩn bị cho cuộc tấn công nhằm vào tuyến phòng thủ doanh trại bị bao vây ở thành phố Deir ez Zor.

Động thái này của Nga nhằm hỗ trợ quân đội Syria nỗ lực phá vòng vây, cũng như hỗ trợ nhân đạo cho dân thường.

Nga - Mỹ và quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt"

Quan hệ Nga - Mỹ vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” sau vụ Mỹ bắn tên lửa tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ quân sự của Syria. Sau sự kiện này, Nga tuyên bố ngừng thực hiện Thỏa thuận về ngăn ngừa va chạm và đảm bảo an toàn bay hàng không trong quá trình các chiến dịch ở Syria đã được ký kết với Mỹ.

Nga và Mỹ sau đó đã có một loạt các động thái ngoại giao "hạ nhiệt" căng thẳng. Đó là việc Tổng thống Mỹ Donal Trump tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại phòng Bầu Dục ở thủ đô Washington.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ lần đầu tiên bắn hạ máy bay cường kích Su-22 của quân đội Syria hôm 18/6, phản ứng của Nga lần này là rất gay gắt và quyết đoán hơn so với trước đó.

Nga tuyên bố chấm dứt thoả thuận hợp tác cũng như cắt đứt đường dây nóng với Mỹ xung quanh cuộc xung đột ở Syria sau khi cường kích Su-22 của quốc gia Trung Đông này bị bắn hạ.

Ngay sau sự kiện, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố ngừng hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ bản ghi nhớ tránh đụng độ trên không phận Syria.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ từ ngày 19/6, bộ này sẽ đình chỉ kênh liên lạc với Mỹ trong khuôn khổ bản ghi nhớ về ngăn ngừa đụng độ và an toàn bay khi thực hiện các chiến dịch không kích tại Syria, đồng thời yêu cầu Bộ Tư lệnh Mỹ tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng và thông báo kết quả cũng như các biện pháp đã tiến hành.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, mọi máy bay và thiết bị bay không người lái của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu, nếu bị Lực lượng Không quân Nga phát hiện tại các khu vực ở phía Tây sông Euphrates, sẽ bị coi là các "mục tiêu" trên không và bị lực lượng phòng không Nga cùng các máy bay bám theo.

Đặc biệt, Bộ Quốc phòng Nga chỉ trích việc Mỹ tấn công máy bay của Lực lượng Không quân Syria là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm "trắng trợn" chủ quyền quốc gia Trung Đông, là hành động "xâm lược quân sự" chống Syria.

Ngay sau khi Nga tuyên bố ngừng hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ bản ghi nhớ tránh đụng độ trên không phận Syria, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đại tướng Josept Dunford cho biết Washington đang tìm cách nối lại đường dây nóng quân sự với Nga, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các lực lượng của cả hai bên đang hoạt động tại Syria. Theo tướng Josept Dunford, Mỹ sẽ triển khai các biện pháp thông qua kênh ngoại giao và quân sự để nối lại đường dây nóng sớm nhất có thể.

Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ duy trì hoạt động của đường dây nóng với Nga trong bối cảnh xuất hiện những căng thẳng mới. Phát biểu tại cuộc họp báo nhanh, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer nhấn mạnh: "Điều tối quan trọng là chúng ta giữ đường dây liên lạc thông suốt để giảm thiểu các vấn đề tiềm ẩn nguy cơ va chạm".

Theo các chuyên gia về Syria, một loạt động thái của Nga và Mỹ trên chiến trường Syria vừa qua đã phản ánh những toan tính của hai bên trên chiến trường Syria. Điều này sẽ thổi bùng căng thẳng giữa lực lượng chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn và lực lượng do Mỹ hậu thuẫn tại chiến trường Syria thời gian tới.

Việc Mỹ lần đầu tiên bắn hạ một máy bay chiến đấu của chính phủ Syria cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump không ngại đối đầu trực diện với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và các đồng minh. Đồng thời nó cũng cho thấy, sẽ có sự thay đổi căn bản trong chiến lược của Mỹ đối với Syria trong thời gian tới.

Tưởng chừng quan hệ Mỹ-Nga sẽ "đơm hoa kết trái" sau một loạt động thái ngoại giao giữa hai nước. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây giữa hai nước trên chiến trường Syria cho thấy Mỹ-Nga khó có khả năng đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề liên quan tới lợi ích cốt lõi. Điều đó cho thấy, sự va chạm lợi ích giữa Nga và Mỹ trên chiến trường Syria ngày càng công khai và bộc lộ rõ.

Theo Đức Thức

Tiền phong