Quan hệ Mỹ - NATO - G7: Chưa thể nồng ấm một sớm một chiều!
Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels và Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) lần thứ 43 diễn ra tại đảo Sisilia, Italy, đã chứng kiến một sự chuyển giao vị trí lãnh đạo của 4 thành viên được xem là chủ chốt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump; Tổng thống Pháp Emmanuel Macron; Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni đều lần đầu tiên tham dự các hội nghị. Và dù chưa thể giải quyết hết những bất đồng, nhưng hội nghị NATO và G7 được đánh giá là thành công hơn mong đợi khi các bên đã thu hẹp được một số khác biệt và đạt được một số mục tiêu cụ thể.
Trước khi diễn ra các sự kiện quan trọng này, có thể thấy cả NATO lẫn EU đều quan tâm đặc biệt tới lần xuất hiện chính thức đầu tiên của Tổng thống Mỹ tại Brussels bởi ông từng có những phát biểu “gây sốc”, thậm chí thẳng thừng chỉ trích nhằm vào cả các đồng minh NATO lẫn các đối tác châu Âu, khiến người ta lo ngại quan hệ giữa Washington với NATO và EU sẽ chẳng yên ả trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donal Trump.
Bên cạnh đó, chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà Tổng thống Donald Trump theo đuổi, kéo theo đó là việc Washington tăng cường bảo hộ thương mại, rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), muốn xem xét lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hay không mấy mặn mà với Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đang động chạm tới lợi ích hầu hết các đối tác chủ chốt của Mỹ trong G7.
Tiếp đó là quan điểm khác biệt giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump với các nước G7 xung quanh vấn đề sự ấm lên toàn cầu và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, vốn được các nước châu Âu ủng hộ mạnh mẽ. Bởi vậy, việc ông Trump tới châu Âu trực tiếp gặp lãnh đạo các nước NATO, G7 và thảo luận với các giới chức hàng đầu EU, được xem là cơ hội để các bên cùng thẳng thắn bày tỏ quan điểm và định hướng cho mối quan hệ trong tương lai.
Vụ đánh bom khủng bố đẫm máu tại thành phố Manchester của Anh xảy ra trước hội nghị đã phần nào tác động tới chương trình nghị sự của NATO lẫn G7. Thực tế này cũng cho thấy Mỹ và NATO vẫn cần đến nhau trong bối cảnh tình hình an ninh toàn cầu đang ngày càng phức tạp với những nguy cơ khủng bố cực đoan. NATO vốn là nền tảng cho an ninh Mỹ trong 60 năm qua, trong khi các lực lượng Mỹ đóng góp chủ chốt trong thành phần lực lượng NATO ở Đông Âu.
Mối ràng buộc trên khiến Tổng thống Mỹ, dù vẫn tận dụng hội nghị này để yêu cầu 27 nước thành viên NATO còn lại tăng chi tiêu quốc phòng và chia sẻ công bằng gánh nặng cho liên minh, song có phần “dịu giọng” hơn trước. Đáp lại, các nước NATO đã nhất trí sẽ xây dựng kế hoạch hành động nhằm giúp các nước thành viên đạt được mục tiêu chi tiêu trong lĩnh vực quốc phòng, theo quy định là 2% GDP, mà tới nay chỉ có 5 trong số 28 thành viên đạt được.
Những cam kết đạt được tại hội nghị NATO lần này rõ ràng đều là “có đi có lại”, bởi Tổng thống Mỹ từng để ngỏ khả năng Mỹ có thể phải rút quân đội khỏi châu Âu nếu NATO không đóng góp cân xứng cho cuộc chiến chống khủng bố. Ít ra, việc Tổng thống Donald Trump tham gia cuộc gặp các nhà lãnh đạo NATO lần này là minh chứng rõ rệt rằng Mỹ vẫn coi trọng NATO.
Mặc dù được coi là mối quan hệ ràng buộc và luôn cần đến nhau, song không thể phủ nhận quan hệ với Mỹ nói riêng và nội bộ NATO nói chung vẫn tồn tại những mâu thuẫn khó giải quyết, thậm chí cách hành xử của ông Donald Trump trong NATO và G7 đã bị đánh giá là “hai mặt” khi tại Sicily ông vừa lắng nghe các cuộc thảo luận về đề tài thương mại và biến đổi khí hậu của G7, mỉm cười trước báo giới và hạn chế hết sức những bình luận khiêu khích trên Twitter, song tại Brussels, ông lại gay gắt chỉ trích các đối tác trong NATO vì đã không chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, thậm chí tiếp tục lên án Đức vì thặng dư thương mại với Mỹ.
Hàng loạt động thái đầy toan tính tại Saudi Arabia và những cam kết mập mờ ở Israel về mục tiêu tìm kiếm hòa bình cho Trung Đông của Mỹ đã bị các đồng minh cho là không thật lòng. Dễ dàng nhận thấy chuyến công du nước ngoài 9 ngày của ông Trump đã để lại cho giới chức châu Âu những cảm xúc lẫn lộn. Họ tạm thở phào vì ông đã đủ kiên nhẫn lắng nghe họ tranh luận về hàng loạt vấn đề, song lại cảm thấy vô cùng bất an trước những phát biểu trái ngược của ông trong quá trình định hình các vấn đề chính sách quan trọng.
Kết quả hội nghị G7 dù được coi là khả quan hơn hẳn dự báo, song trong tuyên bố chung sau hội nghị, các nhà lãnh đạo vẫn thừa nhận đã có những mâu thuẫn giữa Mỹ và 6 đối tác trong việc tuân thủ Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu khi ông Trump không công khai cam kết điều khoản về cắt giảm lượng khí thải carbon.
Gần cuối hội nghị thượng đỉnh, ông viết trên Twitter rằng sẽ ra quyết định về vấn đề này vào tuần tới, một tuyên bố khiến các đối tác cảm thấy rất khó hiểu và phải đặt câu hỏi vì sao ông không ra quyết định ngay tại Taormina.
Các đồng minh càng cảm thấy bất an hơn nữa khi ông Trump không hề đưa ra cam kết của mình về Điều 5 - nội dung liên quan đến nguyên tắc phòng thủ chung của khối NATO. Ông Trump cũng không đề cập tới Nga, yếu tố mà hầu hết người dân châu Âu cho là lý do chính dẫn tới sự thành lập và tồn tại của NATO.
Thậm chí những tuyên bố và hành động cho thấy ông không coi trọng và ưu tiên việc xây dựng và thúc đẩy quan hệ với các đồng minh, điều mà Mỹ từ trước tới nay vẫn coi là yếu tố quan trọng nhất.
Chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Mỹ tới châu Âu chưa thể khiến quan hệ đang rạn nứt giữa Mỹ với các đồng minh NATO, EU hay G7 nồng ấm trở lại trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, những cam kết kiểu “có đi có lại” của các bên vẫn cho thấy những lợi ích về an ninh và kinh tế đang trở thành sợi dây níu giữ mối quan hệ truyền thống giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Theo Bảo Trân (tổng hợp)
An ninh thế giới