1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Philippines "dài cổ" chờ 24 tỉ USD cam kết đầu tư của Trung Quốc

Gần 2 năm sau khi Trung Quốc hứa đầu tư 24 tỉ USD vào Philippines, đến nay hầu như chưa có dự án nào thành hiện thực.

Trong số 27 thỏa thuận được ký kết nhân chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 10-2016 của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Trung Quốc đồng ý cho vay ưu đãi 9 tỉ USD cộng thêm 15 tỉ USD đầu tư trực tiếp từ các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt, cảng, năng lượng và khai khoáng. Các thỏa thuận này đều không nêu thời gian thực hiện cụ thể.

Tới nay, Philippines chỉ mới hoàn tất một thỏa thuận vay trị giá 73 triệu USD từ Trung Quốc để cấp vốn cho dự án thủy lợi ở phía Bắc thủ đô Manila, theo Bộ trưởng Kế hoạch kinh tế Ernesto Pernia. Ngoài ra, hai cây cầu ở Manila nhận số vốn 75 triệu USD từ Trung Quốc mới khánh thành trong tháng 7.

Trong cuộc họp báo tháng này, Bộ trưởng Pernia thừa nhận tiến độ cho vay của Trung Quốc "chậm hơn" so với các nước như Nhật Bản. Điều này càng tô đậm lo ngại rằng những nhượng bộ của Tổng thống Duterte trên biển Đông chẳng thu lại được bao nhiêu.


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte Ảnh: Bloomberg

Ông Duterte liên tục viện cớ hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc để xoay trục khỏi Mỹ và châu Âu. Thế nhưng, dù vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Manila song Bắc Kinh xếp sau Nhật, Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc và Singapore nếu xét về đầu tư nước ngoài trực tiếp.

Trả lời hãng tin Bloomberg, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng nước này vẫn thực hiện các cam kết đầu tư ở Philippines và "ủng hộ Tổng thống Duterte".

Tuy nhiên, Bloomberg liệt kê nhiều thỏa thuận lớn giữa hai nước dường như chưa hề "động đậy". Công ty Phát triển Greenergy (ở Mandanao) ký thỏa thuận xây một nhà máy thủy điện trị giá 1 tỉ USD với Công ty Điện lực Trung Quốc vào tháng 10-2016. Tuy nhiên, phía Trung Quốc liên tục đòi hoãn thời hạn khởi công. Đến lần đòi dời hạn cuối vào tháng 2-2017 thì công ty Philippines hết kiên nhẫn. Giám đốc điều hành Cerael Donggay của Greenergy nói: "Chúng tôi chấm dứt thỏa thuận đó rồi và hiện đàm phán với một công ty Hồng Kông khác để tiếp tục dự án".

Một thỏa thuận khác trị giá 780 triệu USD cũng được ký vào tháng 10-2016 để đắp 3 hòn đảo trong một khu ngập nước ở Davao, quê nhà ông Duterte. Tuy nhiên, thỏa thuận bị hủy vào tháng 7-2017 sau khi Thị trưởng Davao Sara Duterte-Carpio (cũng là con gái tổng thống Philippines) khẳng định dự án không đem lại giá trị thương mại.

"Sau khi làn sóng phấn khích lắng xuống, chúng tôi nhận ra các cam kết đầu tư của Trung Quốc đã bị thổi phồng quá đáng. Tôi hy vọng Nhật, Mỹ và các đối tác châu Âu khác tiếp tục là nguồn đầu tư nước ngoài chính cho Philippines" - chuyên gia Richard Heydarian của Viện ADR-Stratbase ở Manila bày tỏ, đồng thời cho rằng Philippines dưới thời ông Duterte đã "có nhiều nhượng bộ về địa chính trị" nhưng lại "bị Trung Quốc lợi dụng".

Mức độ tin tưởng Trung Quốc của người dân Philippines đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4-2016 (thời điểm ông Duterte đắc cử tổng thống). Thăm dò hồi cuối tháng 6 qua của tổ chức Social Weather Stations cho hay gần 9/10 người được khảo sát muốn Philippines cứng rắn hơn với Trung Quốc trên biển Đông.

Theo Hải Ngọc

Người lao động