1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Pháo quỹ đạo điện từ Mỹ không dọa nổi Nga

Các chuyên gia Nga vừa đưa ra bình luận rằng, pháo điện từ của Mỹ chỉ là đòn chiến tranh tâm lý để trấn an đồng minh chứ không thể đối phó được với Nga.

Truyền thông Mỹ đưa tin và công bố nhưng hình ảnh cho thấy, gần đây Lầu Năm Góc đã thử nghiệm thành công một loại vũ khí mới, đó là pháo quỹ đạo điện từ (pháo ray điện từ - Railgun), có thể đạt tốc độ thấp nhất cũng là 1,5km/s (tương đương tốc độ Mach5).

Theo giới thiệu của Lầu Năm Góc, loại vũ khí này không cần bất kỳ thuốc súng hay chất nổ để bắn viên đạn pháo mà nó lấy năng lượng từ đường ray điện từ trường, tăng tốc cho viên đạn có vỏ cứng với tốc độ cực cao, đạt trên tầm siêu thanh (từ Mach5 trở lên).

Pháo quỹ đạo điện từ có tốc độ bắn rất cao nhưng kích thước cồng kềnh
Pháo quỹ đạo điện từ có tốc độ bắn rất cao nhưng kích thước cồng kềnh

Washington tuyên bố, mục đích chế tạo loại vũ khí này là để nâng cao ưu thế quân sự của Washington trước Moscow và Bắc Kinh. Mỹ có kế hoạch sử dụng loại vũ khí mới này này để bảo đảm an ninh ở khu vực biển Baltic và bảo vệ các đồng minh trước sự đe dọa của Nga.

Chuyên gia về vấn đề quốc phòng Mỹ Allison Berry cho biết, Lầu Năm Góc đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo pháo điện từ vào năm 2010, chi phí cho kế hoạch này vượt qua con số 500 triệu USD. Đây là khoản chi phí rất quan trọng đối với hải quân Mỹ.

Vị chuyên gia hải quân Mỹ tiết lộ, quân đội nước này đang triển khai kế hoạch thử nghiệm và lắp đặt pháo quỹ đạo điện từ trên chiến hạm vào mùa hè năm nay. Một khu trục hạm sẽ được trang bị vũ khí này, nhưng hiện thông tin cụ thể còn chưa được xác nhận.

Truyền thông Mỹ còn đưa tin là Lầu Năm Góc lo ngại sức mạnh của loại vũ khí này sẽ khiến hai nước Nga và Trung Quốc cho rằng Mỹ đang muốn thay đổi cán cân sức mạnh quân sự trên thế giới và đưa ra các biện pháp đáp trả, từ đó dẫn đến xung đột địa-chính trị.

Tuy nhiên, Phó viện trưởng Học viện nghiên cứu các vấn đề địa chính trị của Nga, ông Konstantin Sivkov đánh giá, pháo quỹ đạo điện từ không phải là loại vũ khí tối tân nhất, và cũng không phải là không có cách đối phó bởi nó có những nhược điểm sau:

Không phải là loại vũ khí hoàn toàn mới

Vào thời kỳ đầu của Chiến tranh lạnh, Liên Xô cũng đã từng nghiên cứu về một loại vũ khí có tính năng tương tự trước Mỹ rất lâu. Tuy nhiên, sau đó Liên Xô đã từ bỏ bởi nó không hiệu quả.

Vào những năm 50 của thế kỷ trước, trong kế hoạch nghiên cứu chế tạo vũ khí chiến thuật của mình, Washington cũng đã từng thử nghiên cứu phát triển loại vũ khí tương tự để bảo vệ Liên bang Đức, chống lại sự tấn công của Liên Xô, tuy nhiên đã bất thành.

Chuyên gia Nga cho rằng, Mỹ đưa ra việc tái khởi động nghiên cứu loại vũ khí từng được nghiên cứu vào những năm 50 của thế kỷ trước đã gây chấn động động dư luận. Tuy nhiên, cũng giống như trước đây, loại vũ khí mới này sẽ bị lạc hậu và đi vào quên lãng.

Chi phí tốn kém

Trước tiên, việc sử dụng từ trường để bắn viên đạn pháo với tốc độ siêu cao khiến điện từ trường phát ra từ loại vũ khí này là rất mạnh, làm giảm tính năng tàng hình của tàu. Mặt khác, nó cần một nguồn điện cực lớn, do đó kích thước hệ thống thiết bị rất cồng kềnh.

Mô phỏng nguyên lý kỹ thuật của pháo quỹ đạo điện từ
Mô phỏng nguyên lý kỹ thuật của pháo quỹ đạo điện từ

Ông Konstantin Sivkov cho rằng, trong tình hình hiện nay, việc Mỹ trang bị cho hải quân nước này pháo quỹ đạo điện từ là không thích hợp trong tác chiến. Nó quá cồng kềnh và nặng nề nên dẫn đến rất nhiều hạn chế khi triển khai chiến đấu.

Để hoàn thiện về công nghệ, Mỹ phải mất tối thiểu là 10 năm nữa với nguồn kinh phí khổng lồ. Theo ước tính của chuyên gia Nga, chi phí cho một hệ thống pháo quỹ đạo điện từ cũng rất lớn, để lắp đặt một hệ thống Railgun trên chiến hạm phải cần khoản kinh phí ít nhất là 800 triệu USD.

Không vượt trội

Ngoài ra, các loại pháo thông thường hiện đại cũng có khả năng nâng tốc độ đường đạn mỗi giây từ 2 đến 2,5km, trong khi loại pháo điện từ này chỉ có khả năng đạt tốc độ 1,5km/s hoặc tối đa là ngang ngửa, trong khi đó giá thành đắt gấp hàng trăm lần.

Trong khi đó, Nga có khả năng sản xuất những đầu đạn thông thường cỡ lớn tầm xa, có tốc độ cao ví dụ như tên lửa hành trình chống hạm. Loại pháo quỹ đạo điện từ này không thể làm được gì trước chiến thuật tấn công bão hòa tên lửa từ trên không, dưới biển và từ mặt đất.

Các chuyên gia và quan chức quân sự Nga khẳng định rằng, việc nghiên cứu và chế tạo pháo quỹ đạo điện từ của Mỹ, nhằm đối phó với sức mạnh của Nga trên biển Baltic chỉ là đòn chiến tranh tâm lý của Washington, nhằm trấn an đồng minh chứ không thể dọa nạt được Nga.

Theo

PetroTimes