1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Phái đoàn Trung Quốc bực bội vì lạc lõng ở Đối thoại Shangri-La

(Dân trí) - Phàn nàn rào cản về ngôn ngữ và bất đồng quan điểm với đối tác phương Tây, phái đoàn Trung Quốc đã tỏ ra bực bội ở hậu trường sau khi trở thành tâm điểm chỉ trích tại Đối thoại Shangri-La diễn ra cuối tuần qua tại Singapore.


Ông Zhao Xiaozhuo, một đại biểu trong phái đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La. (Ảnh: SCMP)

Ông Zhao Xiaozhuo, một đại biểu trong phái đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La. (Ảnh: SCMP)

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), một cuộc “khẩu chiến” giữa Mỹ và Trung Quốc đã nổ ra tại Đối thoại Shangri-La cuối tuần qua khi Mỹ lên án những hành động bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông.

Tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cáo buộc Bắc Kinh ngang nhiên quân sự hóa các vùng biển ở Biển Đông. Đáp lại chỉ trích này, Phó chủ tịch Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc He Lei "tố" Mỹ mới là nguồn gốc gây xung đột ở khu vực.

Mặt khác, ông He Lei lớn tiếng nói rằng "Bắc Kinh có quyền" khi thừa nhận Trung Quốc đã triển khai binh sĩ và vũ khí tới các thực thể trên Biển Đông.

Bình luận của ông He Lei đánh dấu lần đầu tiên Bắc Kinh lớn tiếng thừa nhận kế hoạch triển khai lực lượng, khí tài trái phép tới các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ở hậu trường, phái đoàn Trung Quốc nói rằng họ gặp bất lợi ở diễn đàn và cảm thấy tiếng nói của họ không được tôn trọng. Một thành viên trong phái đoàn Trung Quốc, thiếu tướng Yao Yunzhu nói: “Mỹ đã tạo ra chủ đề lớn với những từ khóa như “trật tự dựa trên pháp luật”, “tự do hàng không, hàng hải” hay “quân sự hóa” một từ mà quý vị biết là nhằm vào Trung Quốc”.

Vị quan chức này cũng cho biết, phái đoàn Trung Quốc cảm thấy rất bực bội khi cố phải giao tiếp với các đối tác phương Tây do rào cản về ngôn ngữ và sự bất đồng về quan điểm.

“Tại một sự kiện đa phương kiểu này, cách mà phái đoàn phương Tây nói và hành xử khác với phong cách mà chúng tôi vẫn dùng. Các đại biểu phương Tây đều nói tiếng Anh và đôi lúc chúng tôi cảm thấy rất khó khăn để giao tiếp, vì thế chúng tôi cảm thấy rất bực bội”, thiếu tướng Yao Yunzhu nói.

Một đại biểu khác trong phái đoàn Trung Quốc, Đại tá Zhao Xiaozhuo, nói: “Đối thoại Shangri-La đã trở thành dịp để Trung Quốc và Mỹ đấu khẩu nhau … và bởi vì tính chất chính thức của diễn đàn, Trung Quốc không thể phản pháo cáo buộc của ông Mattis. Đấu khẩu như vậy cũng không giúp giải quyết vấn đề”.

Bình luận về cách thức tổ chức Đối thoại Shangri-La của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), một quan chức giấu tên cho biết: “Tôi có thể hiểu họ cảm thấy bị cô lập khi tới đây… Có lẽ Bắc Kinh muốn một diễn đàn có ít tiếng nói ngoài châu Á hơn”. Quan chức này nhấn mạnh, ban tổ chức không thể vì lý do đó mà có những ưu đãi đặc biệt với Trung Quốc khi mà các nước khác đều cử bộ trưởng quốc phòng hoặc ít nhất tổng tham mưu trưởng tới tham dự còn Bắc Kinh chỉ cử một đoàn đại biểu cấp thấp.

Theo SCMP, lần duy nhất Trung Quốc cử bộ trưởng quốc phòng dự Đối thoại Shangri-La là vào năm 2011. Kể từ đó đến nay, Trung Quốc đều cử phái đoàn cấp thấp dự sự kiện, và hai năm trở lại đây phái đoàn đều do ông He Lei dẫn đầu.

Ông William Choong, một quan chức cấp cao của IISS, cho biết trong năm nay tổ chức này đã hai lần cử đại diện tới Trung Quốc để thuyết phục Bắc Kinh cử phái đoàn cấp cao dự Đối thoại Shangri-La.

Việc Trung Quốc cử phái đoàn cấp thấp tới Đối thoại Shangri-La đã tạo ra cảm giác rằng Bắc Kinh “không coi trọng diễn đàn này bởi vì họ muốn tạo một diễn đàn song phương”.

Minh Phương

Theo SCMP