Mỹ cảnh báo sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông
(Dân trí) - Mỹ đã thể hiện rõ lập trường cứng rắn của nước này đối với các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, song giới chuyên gia vẫn lo ngại về sự thiếu vắng của một chiến lược nhằm đối phó với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Khi cả thế giới đang dồn sự chú ý vào các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và hội nghị thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ Mỹ - Triều, Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động bành trướng của nước này trên Biển Đông. Trung Quốc đang tăng cường năng lực quân sự tại vùng biển quốc tế, trong khi giới phân tích hoài nghi về khả năng tác động của Mỹ trong vấn đề này.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn An ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Singapore hôm nay 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã chỉ trích Trung Quốc vì những hành động phi pháp của nước này trên Biển Đông gần đây. Tuy vậy, giới phân tích lo ngại rằng liệu những lời cảnh báo cứng rắn của Mỹ có thể ngăn cản Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông.
Tầm quan trọng với thương mại toàn cầu
Tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông với sự ổn định kinh tế và thương mại toàn cầu là điều không thể phủ nhận. Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển ước tính gần 1/3 hoạt động vận tải biển toàn cầu đi qua Biển Đông mỗi năm. Hơn 64% hoạt động thương mại hàng hải của Trung Quốc diễn ra trên Biển Đông năm 2016, trong khi con số này của Nhật Bản là gần 42%.
So với Trung Quốc và Nhật Bản, Mỹ phụ thuộc ít hơn vào Biển Đông về thương mại khi chỉ có hơn 14% hoạt động thương mại của Washington diễn ra tại khu vực này. Tuy vậy Biển Đông vẫn đóng vai trò quan trọng trong vận tải năng lượng khi có tới gần 40% lượng khí hóa lỏng được vận chuyển qua khu vực này, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Theo CNBC, các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông bắt đầu từ tháng trước khi các thông tin tình báo xác nhận quân đội Trung Quốc đã âm thầm triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và các tên lửa đất đối không lên 3 trong số các đảo do nước này bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Trước đó một tháng, Trung Quốc bị phát hiện lắp đặt các thiết bị gây nhiễu radar và thông tin liên lạc lên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Giới chức quân sự Trung Quốc hồi tháng 5 cho biết nước này lần đầu tiên đưa một số máy bay ném bom tầm xa H-6K diễn tập tại một căn cứ chưa được xác định trên Biển Đông.
Tham vọng của Trung Quốc
“Chúng ta (Mỹ) đang dành 99% các cuộc tiếp xúc ngoại giao với Trung Quốc về vấn đề thương mại và Triều Tiên. Tôi cho rằng Trung Quốc đang xem Biển Đông như một ưu tiên thứ yếu đối với Mỹ. Theo đó Trung Quốc có thể nghĩ rằng nước này cứ thế tiếp tục những việc họ đang làm. Họ có thể nhận ra rằng họ đang lấn lướt trên Biển Đông và Mỹ không thể làm gì để thay đổi điều đó”, Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định.
Theo cây bút Clay Dillow của CNBC, nếu mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, thì nước này đã âm thầm thực hiện để đạt mục tiêu đó trong khoảng thời gian cực kỳ ngắn, bắt đầu từ cơ sở quân sự đầu tiên từ năm 2014. Trong những năm sau đó, Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự ở các khu vực khác nhau trên Biển Đông, trong đó có nhiều khu vực chồng lấn chủ quyền với các nước khác. Bắc Kinh cũng xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, biến chúng thành nơi mà con người có thể ở được, bất chấp sự phản đối của Mỹ và cộng đồng quốc tế.
Đô đốc Hải quân Mỹ Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, hồi tháng 4 từng mô tả hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông là “thách thức lớn” đối với các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực. Trước đó, người tiền nhiệm của ông Davidson, Đô đốc Harry Harris, cũng từng đưa ra những lời cảnh báo tương tự.
Trong nhiệm kỳ 3 năm của Đô đốc Harris tại Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông diễn ra tuy chậm mà chắc, trong đó Bắc Kinh chuyển hướng dần dần từ các dự án bồi đắp đất rải rác khắp khu vực cho tới phát triển các căn cứ quân sự với đầy đủ chức năng trước khi hoàn thiện các doanh trại, các đường băng phục vụ cả máy bay quân sự lẫn dân sự, các cảng biển đủ lớn và sâu để đáp ứng nhu cầu của các tàu dân sự, tàu tuần duyên và tàu chiến hải quân.
4 thực thể chính, bao gồm đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, đá Xu bi, Vành Khăn và Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, là nơi chứng kiến những hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trong những năm gần đây. Các hình ảnh vệ tinh mới được Reuters công bố cho thấy trên mỗi đảo, đá này, Trung Quốc ngang nhiên cho xây dựng đường băng dài 3 km, các nhà kho lưu trữ, các nhà chứa tên lửa và hàng loạt cơ sở để phục vụ hoạt động của máy bay và tàu thuyền. Tính riêng trên đá Xu Bi, Trung Quốc đã xây dựng trái phép gần 400 căn nhà có quy mô tương đương một căn cứ quân sự của quân đội Trung Quốc trên đất liền. Các nhà phân tích ước tính các cơ sở này trong tương lai đủ sức chứa hàng trăm lính thủy đánh bộ của Trung Quốc.
Động thái của Mỹ
“Mỹ đang cố gắng ngăn chặn Trung Quốc làm điều mà họ đang làm. Điều này sẽ khó khăn hơn là ngăn chặn từ khi họ chưa làm”, Tiến sĩ Taylor Fravel, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định.
Bộ trưởng Quốc phòng Mattis ngày 29/5 nói với các phóng viên rằng Mỹ sẽ tiếp tục thách thức các động thái quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông chủ Lầu Năm Góc khẳng định Mỹ sẽ “đương đầu với những gì mà Mỹ tin là không tuân theo luật pháp quốc tế”.
Hồi đầu tháng Mỹ tuyên bố không mời Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) - cuộc tập trận mà Trung Quốc từng tham gia trong những lần trước đây. Lầu Năm Góc giải thích lý do cho quyết định này là nhằm phản đối các “hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại các thực thể tranh chấp trên Biển Đông” cũng như các động thái “làm gia tăng căng thẳng và gây mất ổn định trong khu vực”.
Bộ trưởng Mattis ngày 30/5 cũng thông báo Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) đã đổi tên thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, phụ trách các hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Á. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy sự hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ nhằm đối phó với ảnh hưởng về kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Mặc dù Mỹ đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn song giới phân tích vẫn lo ngại về việc thiếu một chiến lược chặt chẽ nhằm ứng phó với tham vọng quân sự hóa ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thành Đạt
Tổng hợp