1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nhà hàng Việt từng đón cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton lên báo nước ngoài

(Dân trí) - Hãng tin Mỹ CNN đã viết về nhà hàng Việt Nam KOTO, nơi không chỉ nổi tiếng khi từng phục vụ cựu Tổng thống Clinton và những vị khách cấp cao, mà còn là một doanh nghiệp xã hội với mục đích tốt đẹp nhằm đào tạo nghề miễn phí cho những thanh thiếu niên kém may mắn.

Nhà hàng Việt từng đón cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton lên báo nước ngoài - 1

Cựu Tổng thống Clinton (đeo cà vạt xanh) từng dùng bữa tại KOTO (Ảnh: KOTO)

Tháng 11/2000, 5 năm sau khi Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tới thăm Hà Nội, Việt Nam. Ông cùng các nhân viên Nhà Trắng đã tới ăn trưa tại nhà hàng KOTO. 

Năm 2006, nhà hàng tiếp tục đón chào đón cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ Laura Bush, vợ của cựu Tổng thống George Bush, tới thưởng thức những món ăn truyền thống của Việt Nam.

Ngoài ông Clinton và bà Bush, nhà hàng này cũng từng đón tiếp những vị khách quý như các lãnh đạo Australia, New Zealand hay Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II tới dùng bữa.

Tuy nhiên, KOTO không chỉ nổi tiếng là một nhà hàng từng đón tiếp các nhân vật quan trọng, mà đây còn là một doanh nghiệp xã hội với hướng đi nhân văn và vì cộng đồng trong hàng chục năm qua.

Trách nhiệm với xã hội

Nhà hàng Việt từng đón cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton lên báo nước ngoài - 2

(Ảnh: Facebook/KOTO)

Trong 3 tháng đầu năm 2019, với gần 7,5 triệu lượt khách tới tham quan, Hà Nội đã trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu ở Đông Nam Á. Ngành công nghiệp dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển và đòi hỏi các yêu cầu về nguồn nhân lực.

Theo CNN, KOTO (viết tắt của câu tiếng Anh: Biết một, dạy một) đã ra đời vào năm 1999 như là một doanh nghiệp xã hội nhằm đào tạo nhân lực cho ngành dịch vụ. Nhà sáng lập KOTO là Jimmy Pham, một người Australia gốc Việt từng làm hướng dẫn viên du lịch.

KOTO cung cấp chương trình dạy nghề dài 2 năm cho các thanh thiếu niên kém may mắn và đối diện với nhiều nguy cơ rủi ro trong cuộc sống, với lứa tuổi từ 16-22. Chương trình đào tạo nhằm giúp đỡ những thanh thiếu niên này có kỹ năng, kinh nghiệm trong ngành dịch vụ như là một hành trang để họ có thể làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, quán café sau này.

KOTO vận hành một nhà hàng ở Hà Nội và một ở thành phố Hồ Chí Minh. Đây vừa là nơi phục vụ thực khách, vừa là trung tâm đào tạo nghề. Những học viên tham gia sẽ được dạy nấu ăn, pha chế đồ uống, làm phục vụ và tham gia các lớp học tiếng Anh.

Doanh nghiệp xã hội này năm nay đã bước sang tuổi 20 và đã phục vụ hơn 1 triệu lượt khách trong suốt những năm qua.

Uyen, 20 tuổi, một người đến từ miền nam, đã phải bỏ học đại học sau khi mẹ của cô mắc bệnh. Uyen buộc phải bươn chải ngoài xã hội kiếm tiền trị bệnh cho mẹ. Bạn bè giới thiệu Uyen tham gia KOTO nhưng ban đầu cô không tin vào doanh nghiệp này.

“Cả tôi và cả gia đình tôi đều không tin vào KOTO. Bởi vì không có một nơi nào mở cửa đón chào bạn và miễn phí hoàn toàn như vậy. Họ thậm chí còn trả tiền cho bạn và giúp bạn tham gia vào những hoạt động bổ ích”, Uyen chia sẻ.

Tuy nhiên, sau khi chứng kiến bạn mình học và làm việc ở cơ sở này trong 6 tháng, Uyen đã quyết định tham gia chương trình.

Hiện thời, khi đã bước sang năm thứ 2 của khóa đào tạo, Uyen thừa nhận rằng cuộc đời cô đã thay đổi hoàn toàn: “Tôi nghĩ đây là giấc mơ. KOTO không chỉ dạy bạn về nghề nghiệp, không chỉ về cách làm việc, mà còn chỉ cho bạn cách trở thành người tốt”.

Tìm kiếm thành công

Thao Nguyen, giám đốc điều hành của KOTO, đã đồng hành cùng doanh nghiệp xã hội này từ nhiều năm qua. Nguyen cũng là một người đã tốt nghiệp từ KOTO.

Cô nghỉ học năm 13 tuổi để kiếm tiền phụ gia đình. Trong 2 năm, Nguyen bán trà đá ở xung quanh Hồ Hoàn Kiếm vào mùa hè và bán bưu thiếp trên đường phố khi trời trở lạnh.

“Khi bán bưu thiếp cho khách du lịch, tôi gặp một phụ nữ Australia. Bà ấy hỏi tôi muốn làm gì trong tương lai. Thú thực, vào lúc đó, tôi không có bất cứ ý niệm nào”, Nguyen nói.

Người phụ nữ Australia, vốn là một nhà ngoại giao, sau đó đã giới thiệu Nguyen tham gia KOTO và điều này đã thay đổi cuộc đời cô.

Sau khi tốt nghiệp, Nguyen đã có một sự nghiệp thành công trong ngành nhà hàng, khách sạn, nhưng cô đã quyết định quay trở lại KOTO vào năm 2017, nơi mà cô gọi là “ngôi nhà thứ 2”.

Giống Nguyen, nhiều học viên tốt nghiệp KOTO đã đạt được thành công nhất định trong nghề nghiệp. Nhiều người vào làm việc trong các khách sạn và nhà hàng lớn ở Việt Nam và trên thế giới, trong khi số khác đã bắt đầu khởi nghiệp.

Nguyen thừa nhận việc vận hành một doanh nghiệp xã hội là một thách thức khi vừa phải đảm bảo hoạt động tạo ra lợi nhuận và vừa phải thực hiện trách nhiệm với xã hội.

Hiện doanh nghiệp này chi trả phúc lợi, bảo hiểm y tế, chỗ ăn ở và phí đào tạo cho 150 học viên. Ngoài ra, KOTO cũng có khoảng 100 nhân viên và tình nguyện viên.

Tuy nhiên, Nguyen tin rằng dù gặp nhiều trở ngại thì mục tiêu xã hội của KOTO cũng rất rõ ràng. Đó là truyền cảm hứng cho tinh thần cho đi và đáp trả cho xã hội.

“Ngày hôm nay, chúng tôi dạy cho các học viên cách câu cá, và truyền cảm hứng cho họ rằng nếu họ thành công trong tương lai, họ sẽ dạy người khác câu cá. Đền đáp cho xã hội không có nghĩa là bạn cho ai đó tiền hay bữa ăn mà là khi bạn dạy ai đó kỹ năng để họ có thể duy trì cuộc sống trong suốt phần đời còn lại”, Nguyen nói.

Đức Hoàng

Tổng hợp