1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người phụ nữ đương đầu với IS

Bất chấp việc không nhận được sự hỗ trợ từ nhà chức trách, bà Karen Nettleton, người Australia, vẫn quyết định sang Syria để tìm 5 đứa cháu ngoại đang nằm trong tay lực lượng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Dù chuyến đi không thành công, song việc người phụ nữ này quyết đương đầu với IS đã trở thành chủ đề “nóng” trên các trang báo thế giới...

“Tôi sẽ trở lại Syria, tôi không thể để các cháu ngoại của tôi ở đó. Cho dù phải đi tới Syria, ba-bốn hay năm lần đi chăng nữa, tôi vẫn không nản. Đừng ngăn cản tôi”, bà Karen nói trong nước mắt tại buổi ghi hình trực tiếp trên kênh truyền hình ABC của Australia vào đầu tuần này.

Bà Karen Nettleton đau khổ khi chưa cứu được các cháu ngoại ra khỏi sào huyệt IS. Ảnh: Le Monde.fr
Bà Karen Nettleton đau khổ khi chưa cứu được các cháu ngoại ra khỏi sào huyệt IS. Ảnh: Le Monde.fr

Cũng từ buổi phát sóng đó, người dân Australia mới biết đến người phụ nữ mang tên Karen Nettleton. Thế nhưng, trước đó người ta lại biết đến con rể của bà nhiều hơn. Đó chính là Khaled Sharrouf, một chiến binh khét tiếng của IS.

Theo lời bà Karen, Khaled Sharrouflà người Australia gốc Li-băng và đã cưới con gái duy nhất của bà là Tara Nettleton khi cô bé mới 15 tuổi. Sau đó, con gái bà cũng cải sang đạo Hồi. Năm 2013, nhờ vào hộ chiếu của anh trai, Khaled Sharrouf đã rời khỏi Australia tới Syria.

Theo tờ Le Monde(Pháp), dù nằm trong danh sách bị theo dõi an ninh, Sharrouf mất không quá 2 phút để thoát các chốt kiểm soát an ninh trước khi lên máy bay tới Syria để gia nhập IS. Kể từ đó, công dân Australia từng bỏ học giữa chừng, có tiền án về sử dụng ma túy và mắc bệnh tâm thần này trở thành chiến binh khét tiếng của IS tại Trung Đông.

Một năm sau, Tara và 5 đứa con cũng bay sang Syria, sum họp với chồng. Gia đình này sau đó đã đầu quân vào IS. Đứa con gái cả, Zaynab, mới 13 tuổi, đã trở thành vợ của một chiến binh là Mohamed Elomar, một người bạn của Sharrouf.

Khaled Sharrouf đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người sau khi anh ta đăng lên Twitter bức ảnh con trai 8 tuổi đang bêu thủ cấp binh sĩ Syria với dòng trạng thái đầy tự hào: “Con trai tôi đấy!”. Trong một bức ảnh khác, Sharrouf lại chụp cùng 3 con trai nhỏ tuổi của y, những đứa trẻ mặt búng ra sữa, mặc trên người những bộ quần áo ngụy trang và ôm súng AK-47.

Những bức ảnh này khiến thế giới bàng hoàng và lên án mạnh mẽ. Sharrouf và Elomar cũng từng chia sẻ hình ảnh họ cầm thủ cấp của các binh sĩ chính phủ Syria, khiến Cảnh sát Liên bang Australia phải ra lệnh bắt giữ hai người đàn ông này.

Trong một cuộc không kích, Sharrouf và Elomarbị trúng bom chết, cho dù đến nay chính quyền Australia vẫn chưa khẳng định rằng Sharrouf đã chết. Trong khi đó, có rất ít nghi ngờ về cái chết của Tara, người đã thiệt mạng hồi tháng 9-2015 sau một ca phẫu thuật ruột thừa.

“Tara chết đi để lại 5 đứa con, gồm Zaynab, 14 tuổi, Hoda, 13 tuổi, Afdulla, 11 tuổi, Zakawi, 10 tuổi, và Humde, 5 tuổi”, bà Karen nghẹn ngào nói.

Theo tờ Le Monde, 5 đứa cháu ngoại mồ côi của bà Karen và một đứa bé 4 tháng tuổi, con của Zaynab, được cho là đang ở Raqqa, tổng hành dinh của IS ở Syria. Ngoại trưởng nước này Julia Bishop từng miêu tả những đứa con của Sharrouf và Tara như là “nạn nhân của tư tưởng cực đoan từ cha mẹ”. Tuy nhiên, nữ Ngoại trưởng Australia cũng cho biết thêm, “do tình hình ở Syria quá nguy hiểm nên chính phủ nước này không có khả năng đưa các cháu của bà Karen về nước".

Bất chấp sự từ chối giúp đỡ của chính phủ, bà Karen Nettleton vẫn quyết định tự đi tìm các cháu của mình. Cùng với luật sư Robert van Aalt, hai người đã có chuyến đi tới Thổ Nhĩ Kỳ vào giữa tháng 3 vừa qua để từ đó sang Syria. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, bà không thể sang tới đất Syria và phải trở về Sydney “trắng tay” vào đầu tháng 4 này.

Theo Chính phủ Australia, hiện nay có khoảng 100 người mang quốc tịch Australia, trong đó có cả phụ nữ, gia nhập IS hoặc các nhóm khủng bố ở Syria, tăng gấp đôi so với năm 2014. Những người này được cho là đang “tích cực hỗ trợ” các nhóm phiến quân qua việc tuyển mộ chiến binh, những người đánh bom liều chết, đồng thời cung cấp tài chính và trang thiết bị quân sự cho các chiến binh.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hơn một nửa trong số những người ủng hộ chủ nghĩa cực đoan sinh ra ở Australia và khoảng 60% là di sản của Nhà nước Li-băng, hầu hết những người này kết hôn với trẻ em.

Trở lại câu chuyện về người phụ nữ dám một mình đứng lên chống lại IS, bà Karen cho biết, bà không muốn những đứa cháu của mình sẽ trở thành chiến binh IS trong tương lai. Vì lẽ đó, bà sẽ tìm mọi cách để trở lại Syria cứu bọn trẻ khỏi tay IS. Dù chưa biết cuộc giải cứu sẽ như thế nào và kết quả ra sao, nhưng quyết tâm của bà Karen được dư luận đánh giá cao, song cũng bày tỏ lo lắng cho sự an toàn của người phụ nữ can đảm này.

Theo Linh Oanh

Quân đội nhân dân