Vụ vắc xin bẩn:
Người đàn bà khiến hàng triệu người Trung Quốc hoảng sợ
Vụ án “Vắc xin bẩn Sơn Đông” làm rúng động cả Trung Quốc cả tháng qua nay tiếp tục có những diễn biến mới.
Đến ngày 14/4, Viện Kiểm sát tối cao đã đưa 158 người vào danh sách bị cáo, phê chuẩn bắt giam thêm 27 người, điều tra 5 cán bộ vì phạm tội chức vụ... Ngoài ra, viện kiểm sát các địa phương cũng tích cực điều tra, phát hiện tình hình lạm dụng chức quyền và kinh doanh trái phép.
Viện Kiểm sát tỉnh Giang Tô đã phát hiện và điều tra 4 trạm trưởng y tế lợi dụng chức quyền kinh doanh vắc xin để mua vắc xin bẩn. Viện Kiểm sát Liêu Ninh đã phát hiện cán bộ nhân viên phòng dịch mua vắc xin bẩn giá rẻ để tiêm chủng, có dấu hiệu lạm dụng chức quyền. Tại Nội Mông, viện kiểm sát đã ra thông báo về vụ việc công an không kịp thời lập án điều tra kinh doanh vắc xin bẩn trái phép và cơ quan giám sát của công an đã lập hồ sơ điều tra...
Bên cạnh đó, 89 luật sư đã tập hợp thành “Đoàn luật sư tình nguyện” ký tên vào thư ngỏ gửi Quốc hội, Quốc vụ viện, Viện Kiểm sát tối cao, Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Hội Người tiêu dùng, đề nghị cho phép các gia đình bị hại sử dụng quyền tố tụng tập thể để truy cứu trách nhiệm hình sự những tập thể, cá nhân liên quan.
Chân dung bà trùm
Ngày 13/4, tờ Tân Kinh Báo đã đăng bài viết về vụ “Vắc xin bẩn” này, lần đầu tiên tiết lộ tên thật của bà trùm cùng mạng lưới và những thủ đoạn mua bán, phân phối, tiêu thụ vắc xin bẩn này. Theo đó, trong vòng 5 năm, nữ dược sỹ Bàng Hồng Vệ cùng con gái đã xây dựng được một mạng lưới ngầm, với hơn 100 người tuyến trên và hơn 200 người tuyến dưới.
Sau khi bị bắt, Bàng Hồng Vệ từ chối hợp tác với cảnh sát điều tra. Bà ta đưa ra điều kiện “mở miệng” là phải cho con gái tại ngoại để đợi xét xử sau. Thế nhưng, cục diện vụ án đã diễn biến ngoài tầm khống chế của Vệ.
Kết quả điều tra của công an Tế Nam cho thấy, trong 5 năm qua, Bàng Hồng Vệ đã kinh doanh trái phép vắc xin dịch vụ, chi 260 triệu NDT để mua hàng chục loại vắc xin sau đó bán thu 310 triệu NDT. Số vắc xin này đều đã hết hạn hoặc không được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ theo yêu cầu, nên hầu hết đã vô tác dụng đối với người tiêm chủng.
Năm 2005, Chính phủ Trung Quốc nới lỏng việc quản chế vắc xin loại II (dịch vụ), cho phép đưa ra thị trường tiêu thụ. Lúc này Bàng Hồng Vệ đang là dược sĩ ở Bệnh viện Mẫu Đơn thành phố Hà Trạch, Sơn Đông. Vệ thấy đây là thời cơ làm ăn, bèn sử dụng các mối quan hệ có sẵn do nghề nghiệp để trục lợi. Theo quy trình thông thường, vắc xin từ nhà máy sản xuất khi đến với người tiêm chủng phải qua 3 lần tăng giá ở cấp tỉnh, thành phố (thị), khu (quận, huyện). Vệ trực tiếp mua vắc xin từ nhà máy rồi trực tiếp bán cho các cá nhân hoặc trạm phòng dịch ở cơ sở, giá chênh lệch rất lớn.
Với tư cách “thày thuốc bệnh viện Mẫu Đơn”, việc kinh doanh vắc xin của Vệ ngày càng mở rộng, được tuyến dưới rất tín nhiệm. Ông Đặng, nhân viên Trung tâm phòng dịch Hà Trạch là một người “tuyến dưới” của Vệ. Sau khi bị bắt giữ cùng Vệ, ông mới biết phòng khám của Vệ không có chức năng tiêu thụ và tiêm vắc xin.
Cảnh sát đã làm rõ, trong hơn một năm từ 8/4/2007 đến 15/4/2008, Vệ và Trung tâm phòng dịch Hà Trạch (nơi Đặng làm) đã kinh doanh trái phép số vắc xin dùng cho người trị giá 5,6 triệu NDT, trong đó mình Vệ đã bán 4,89 triệu NDT. Năm 2009, Tòa án Hà Trạch đã mở phiên xét xử, 5 người bị bỏ tù, trong đó Vệ bị phạt 3 năm tù giam, nhưng cho hoãn thi hành 5 năm và nộp phạt 500 ngàn NDT.
Ngựa quen đường cũ
Sau khi bị nhận án, Vệ bị bệnh viện Mẫu Đơn sa thải. Bà ta cũng đóng cửa phòng khám của mình tại đường Thái Nguyên, Hà Trạch và chuyển về làm ăn tại phòng ở trong khu tập thể bệnh viện. Tuy nhiên, do tai tiếng nên làm ăn khó khăn, vợ chồng thường xuyên cãi nhau. Vệ ly dị chồng rồi cùng con gái chuyển tới Liễu Thành để buôn bán vắc xin, từ đó phất lên rất nhanh, có tiền mua nhà, cho người khác vay hàng triệu NDT tiền mặt…
Tính đến tháng 4/2015, khi cảnh sát bắt giữ Vệ, đã phát hiện Vệ lấy tên con gái mua 8 triệu NDT cổ phiếu và đầu tư hơn 500 ngàn NDT. Tài sản của bà ta còn bao gồm 2 xe hơi và 1 căn nhà đã đóng tiền mua.
Cuối năm 2014, cảnh sát Tế Nam trong khi tấn công tội phạm về dược phẩm, rà soát thị trường, đã nhằm vào cái tên Bàng Hồng Vệ. Ngày 28/4/2015, cảnh sát bất ngờ đột nhập kiểm tra nhà kho của Vệ, thu giữ được hơn 100 thùng, hơn 20 ngàn lọ vắc xin bao gồm 25 loại. Tại hiện trường, cơ quan chức năng thấy nhà kho không có thiết bị bảo ôn, các thùng vắc xin chất bừa bãi trong phòng có nhiệt độ 14 độ C, trong khi yêu cầu về điều kiện bảo quản vắc xin là từ 2-8 độ C.
Thời báo Tế Nam viết, khi cảnh sát xông vào nhà kho kiểm tra, Tôn X – con gái Vệ đã ngăn cản quyết liệt, cắn một cảnh sát rồi giả điên. Cảnh sát cho rằng, sau khi bị bắt, bị kết án, Vệ vẫn tiếp tục kinh doanh vắc xin phi pháp là do dễ dàng kiếm được lợi nhuận lớn.
Trong 5 năm, hai mẹ con Bàng Hồng Vệ đã mua trái phép tổng cộng 2 triệu lọ, gồm 25 loại vắc xin dùng cho người lớn và trẻ em hết hạn sử dụng, để vận chuyển tới 24 tỉnh, thành, khu tự trị như các loại dược phẩm khác mà không hề được bảo quản lạnh theo quy định. So sánh số tiền chênh lệch giữa 260 triệu NDT mua vào và 310 triệu NDT bán ra, thì mẹ con Vệ đã kiếm được 50 triệu NDT (175 tỷ VND).
Bàng Hồng Vệ đã khai nhận, ban đầu bà ta không muốn con gái tham gia hoạt động buôn bán vắc xin, con gái cũng biết hoạt động này là trái phép nên hai người cãi nhau kịch liệt. Tuy nhiên, về sau con gái không kiếm được việc làm nên đã tham gia vào hoạt động tội lỗi này.
Hậu quả khôn lường
Trên thực tế, con số 2 triệu lọ vắc xin và 570 triệu NDT chỉ là số lượng được thống kê trong 5 năm từ 2010 đến 2015, chưa bao gồm số vắc xin được tiêu thụ trước đó. Nếu chỉ tính số 2 triệu lọ đã được thống kê, bình quân mỗi người tiêm 3 lọ, thì cũng đã có hơn 700 ngàn người bị tiêm vào cơ thể thứ vắc xin đã hết hạn hoặc không được bảo quản lạnh theo quy định, để lại hậu quả khôn lường.
Ông Lý Quốc Khánh, Vụ phó Vụ Quản lý giám sát Dược - Hóa, Tổng cục Quản lý giám sát thực phẩm – dược phẩm, cho biết có tất cả 29 xí nghiệp dược phẩm, 16 cơ quan và 107 người tham gia nhập khẩu, kinh doanh trái phép trong vụ vắc xin bẩn này. Ông Khánh thừa nhận, số lượng lớn vắc xin bẩn được vận chuyển, lưu hành trái phép mà cơ quan quản lý giám sát không kịp thời phát hiện, cho thấy có lỗ hổng rất lớn trong hệ thống quản lý giám sát.
Ông Trần Bỉnh Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục sức khỏe Trung Quốc cho biết, vắc xin là loại dược phẩm đặc biệt, phải được bảo quản đông lạnh trong khoảng 2 - 8 độ C, nếu không thì không còn hiệu quả miễn dịch, thậm chí còn làm người tiêm chủng bị tử vong. Ông Vương Nguyệt Đan, Phó chủ nhiệm Khoa Miễn dịch Đại học Bắc Kinh, cũng nhận định buôn bán loại vắc xin kiểu này không khác gì tội giết người.
Ngày 13/4 vừa qua, Hội nghị Ban thường vụ Quốc vụ viện đã nghe báo cáo về công tác điều tra xử lý “vụ án vắc xin bẩn Tế Nam, Sơn Đông”. Căn cứ tình hình điều tra vụ việc, cơ quan chức năng đã xử lý cách chức, giáng cấp 357 cán bộ, nhân viên công chức của Tổng cục Giám sát quản lý Thực phẩm – Dược phẩm, Ủy ban Y tế & Kế hoạch hóa gia đình...
Dư luận Trung Quốc đang đòi hỏi xử lý thật nghiêm những kẻ phạm tội và cả những quan chức đã thông đồng, tiếp tay cho hoạt động phi pháp của Bàng Hồng Vệ cùng đồng bọn.
Theo Ngô Tuyết
Vietnamnet