1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngôi trường đại học danh tiếng của 8 chủ nhân giải Nobel

(Dân trí) - “Giá trị của giáo dục đại học không phải nằm ở chỗ học được nhiều kiến thức, mà là luyện đầu óc để tư duy những gì không thể học được từ sách giáo khoa”, Albert Einstein, chủ nhân giải Nobel Vật lý năm 1921 và là một trong những thành viên sáng lập của ngôi trường này, từng nói.


Khuôn viên xanh mát tại Đại học Hebrew ở Jerusalem

Khuôn viên xanh mát tại Đại học Hebrew ở Jerusalem

Đó là một trong những câu nói nổi tiếng của nhà vật lý Albert Einstein (1879-1955) được trích dẫn trong tài liệu giới thiệu về Đại học Hebrew tại Jerusalem, ngôi trường lâu đời thứ 2 ở Israel và rất “có duyên” với giải Nobel danh giá.

Được thành lập năm 1918 và chính thức mở cửa năm 1925, Đại học Hebrew là ngôi trường danh tiếng và cũng là cơ sở nghiên cứu hàng đầu của Israel. Trường có tên trong bảng xếp hạng 100 trường đại học uy tín nhất thế giới.

Đại học Hebrew nổi tiếng trong cộng đồng học giả và nghiên cứu khoa học, với những thành tích nổi bật trong một loạt lĩnh vực như các ngành nhân văn, khoa học xã hội, luật, khoa học tự nhiên, khoa học đời sống, nông nghiệp, khoa học máy tính, kỹ thuật và y dược. Trường cũng đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác học thuật và sáng tạo công nghệ tại Israel cũng như trên thế giới.

Tám nhà nghiên cứu và cựu sinh viên của trường đã nhận giải Nobel danh giá và một người được nhận giải thưởng Fields trong lĩnh vực Toán học. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu và sinh viên của trường còn giành hàng trăm giải thưởng trong nước và quốc tế khác.


Chân dung của các chủ nhân giải thưởng danh giá được treo tại sảnh chính của Đại học Hebrew ở Jerusalem

Chân dung của các chủ nhân giải thưởng danh giá được treo tại sảnh chính của Đại học Hebrew ở Jerusalem

Tự do học thuật

Các nhà nghiên cứu và cựu sinh viên Đại học Hebrew từng giành các giải thưởng danh giá:

Elon Lindenstrauss: Giải thưởng Fields, 2010

Ada E. Yonath: Nobel Hóa học, 2009

Roger D. Kornberg: Nobel Hóa học, 2006

Robert J. (Yisrael) Aumann: Nobel Kinh tế, 2005

Aaron Ciechanover: Nobel Hóa học, 2004

Avram Hershko: Nobel Hóa học, 2004

David J. Gross: Nobel Vật lý, 2004

Daniel Kahneman: Nobel Kinh tế, 2002

Albert Einstein: Nobel Vật lý, 1921

Đại học Hebrew hiện có 6 cơ sở và 14 trường trực thuộc, cung cấp hơn 5.000 khóa học khác nhau. Trường có khoảng 950 giảng viên và nhà nghiên cứu, và khoảng 23.600 sinh viên.

Trò chuyện với báo giới tại Jerusalem cuối tháng 10/2017, Giám đốc Đại học Hebrew, bà Billy Shapira, cho hay tự do học thuật là “chìa khóa” cho sự phát triển, danh tiếng và thành công của ngôi trường này.

Theo bà Shapira, các giáo sư, nhà nghiên cứu, giảng viên của trường không bị đóng khuôn về việc truyền tải kiến thức cho sinh viên, mà thay vào đó hoàn toàn được khuyến khích truyền cho sinh viên tất cả những điều bổ ích.

“Tất nhiên các giảng viên phải có bằng cấp về lĩnh vực chuyên môn của họ, nhưng họ cũng có thể giảng dạy ở các lĩnh vực khác. Vì thế, khi vào trường các bạn sẽ thấy có nhiều người giành các giải thưởng danh giá không đúng chuyên ngành. Ví dụ một giáo sư về Toán học lại giành giải Nobel về Kinh tế. Đó là điều bình thường ở đây”, bà Shapira nói.


Giám đốc Đại học Hebrew, bà Billy Shapira, trò chuyện với báo chí

Giám đốc Đại học Hebrew, bà Billy Shapira, trò chuyện với báo chí

Các sinh viên tại Israel phần lớn bắt đầu học đại học muộn hơn so với sinh viên các nước, do họ thường chọn thực hiện nghĩa vụ quân ngũ (bắt buộc 3 năm đối với nam và 2 năm đối với nữ) ngay sau khi hoàn thành trung học. Trong thời gian phục vụ trong quân đội, các thanh niên đã tích lũy những kinh nghiệm sống quý báu và có kiến thức tốt về khoa học công nghệ, nhờ Israel đặc biệt có thế mạnh về công nghệ quốc phòng. Vì thế, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự và bước vào giảng đường, họ có thể đặt ra cho giảng viên những câu hỏi khó.

Các sinh viên được khuyến khích nêu ra mọi vấn đề và có thể tranh luận cởi mở với các giảng viên. Họ cũng được tạo điều kiện để học các môn học bổ trợ để có kiến thức toàn diện, ngoài lĩnh vực họ muốn lấy bằng đại học, vốn mất từ 3-4 tùy chuyên ngành.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng về tự do học thuật, chúng tôi rất quan tâm tới tự do, đổi mới và sáng tạo”, bà Shapira nhấn mạnh.

Đại học cũng là môi trường khởi nghiệp


Con đường Sáng tạo - nơi giới thiệu về các phát minh nổi bật của các nhà nghiên cứu và các cựu sinh viên Đại học Hebrew

"Con đường Sáng tạo" - nơi giới thiệu về các phát minh nổi bật của các nhà nghiên cứu và các cựu sinh viên Đại học Hebrew

Israel được thế giới biết đến là “vùng đất của sự sáng tạo” và mỗi giảng viên, sinh viên của trường cũng không đứng ngoài niềm đam mê sáng tạo, khởi nghiệp. Nhà nước Israel được thành lập năm 1948 nhưng ý tưởng thành lập Đại học Hebrew đã có từ lâu trước đó, và việc thành lập ngôi trường cũng là một ý tưởng sáng tạo, bà Shapira cho hay.

Hàng năm Đại học Hebrew có doanh thu hàng chục triệu USD trong lĩnh vực sáng tạo. Các nhà nghiên cứu và sinh viên của trường đã nhận tổng cộng 9.826 bằng sáng chế, tạo ra 2.753 phát minh (khoảng 150 phát minh mỗi năm), cho ra đời 600 sản phẩm thương mại, nhận 880 chứng nhận, thành lập 120 công ty để phát triển và sản xuất sản phẩm từ công nghệ được phát triển bởi nhà nghiên cứu.

“Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên có thể thực hiện mọi ý tưởng sáng tạo theo ý của họ, và các giảng viên luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi của sinh viên”, bà Shapira nói.

Về chế độ đãi ngộ đối với các giảng viên và các nhà nghiên cứu, đại diện Đại học Hebrew cho biết họ không những được trả lương xứng đáng mà còn được cấp kinh phí để phục vụ việc nghiên cứu và phát triển phục vụ mục đích học tập và sáng tạo của sinh viên.


Một góc thư viện của Đại học Hebrew

Một góc thư viện của Đại học Hebrew


Một phòng nghỉ yên tĩnh tại Đại học Hebrew, nơi các sinh viên có thể ngủ nghỉ nếu cần

Một phòng nghỉ yên tĩnh tại Đại học Hebrew, nơi các sinh viên có thể ngủ nghỉ nếu cần

Các sinh viên của Đại học Hebrew sử dụng khoa học công nghệ thành thạo và luôn được khuyến khích sử dụng khoa học công nghệ. Ví dụ, trường có một phòng thí nghiệm rất lớn, và tại đó các sinh viên đều có thể pha trộn bất kỳ những gì họ muốn. Đại học Hebrew cũng có một ‘trang trại máy tính’, nơi sinh viên có thể đến để tìm kiếm mọi thông tin. Trường còn có một trung tâm về đổi mới sáng tạo để hỗ trợ sinh viên tìm kiếm những ý tưởng mới.

Trong quá trình tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo, thành công đôi khi đến từ chính những thất bại và các nhà nghiên cứu, sinh viên của trường “không ngán” những thất bại, bà Shapira cho hay.

“Cà chua bi là một phát minh của Đại học Hebrew và xuất phát từ một phát minh nhầm. Trong lúc sáng tạo, các nhà nghiên cứu của trường lai tạo nhầm ra một loại cà chua bé xíu. Nếu người khác thì họ có thể bỏ đi, nhưng ở đây các nhà nghiên cứu đã tìm tòi để làm sao biến loại cà chua này đủ nhỏ nhưng vẫn ngon, giàu dinh dưỡng. Kết quả là giờ đây trên thế giới không ai không biết đến cà chua bi”, Giám đốc Đại học Hebrew lấy một ví dụ.


Một bãi cỏ có ghế ngồi và gối để phục vụ sinh viên thư giãn sau giờ học

Một bãi cỏ có ghế ngồi và gối để phục vụ sinh viên thư giãn sau giờ học

Gắn kết với thế giới

Giám đốc Đại học Hebrew cho biết ngôi trường này xem hợp tác quốc tế - cả trong lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục - là thiết yếu nhằm thúc đẩy trao đổi khoa học và chuyển giao công nghệ cũng là một trong tiêu chí hàng đầu của ngôi trưởng, bởi sự trao đổi có thể dẫn tới những ý tưởng mới.

Đại học Hebrew có 208 chương trình trao đổi sinh viên với 95 viện nghiên cứu tại 35 quốc gia. Trường hiện có 220 nghiên cứu sinh sau tiến sĩ từ 26 quốc gia và đón nhận 2.000 sinh viên từ 90 quốc gia tới học tại Trường Quốc tế Roghberg mỗi năm.

“Con đường sáng tạo” bên trong cơ sở chính của trường tại Jerusalem là nơi giới thiệu những phát minh, sáng kiến nổi tiếng của các nhà nghiên cứu và sinh viên của trường để mọi người có thể nhìn vào đó và đặt ra những câu hỏi, từ đó tìm ra những con đường và sự sáng tạo của riêng mình.


Một nhóm nhạc sinh viên biểu diễn trong khuôn viên trường

Một nhóm nhạc sinh viên biểu diễn trong khuôn viên trường

“Đưa ra sinh viên ra thế giới và thu hút sinh viên quốc tế tới đây để trao đổi kiến thức là mong muốn của chúng tôi. Tôi cho rằng sinh viên ở mỗi quốc gia có những ý tưởng riêng và thật tuyệt vời nếu họ có thể mang tới đây để cùng chia sẻ. Khi mở cửa và giao lưu như vậy có thể biết thêm nhiều thông tin, và phát triển hơn nữa sự đổi mới sáng tạo”, bà Shapira nói.

Ông Dov Smith, người phụ trách phòng quan hệ quốc tế của Đại học Hebrew, cho biết ông hi vọng rằng trong tương lai gần có các sinh Việt Nam tới học tại ngôi trường này, trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Israel ngày càng phát triển. Trường có mức học phí đại học khoảng 3.500-4.000 USD/năm, thấp hơn so với Mỹ và nhiều nước châu Âu, do được sự hỗ trợ của chính quyền Jerusalem và nhà nước Israel. Trong năm 2017, Đại học Hebrew đã dành 3 suất học bổng trong 8 tuần từ 26/6-18/8 cho 3 dự án khởi nghiệp sáng tạo nhất Việt Nam.

“Đại học Hebrew không chỉ đóng góp cho Jerusalem và Israel, mà còn đóng góp cho thế giới nói chung”, bà Shapira nói, và nhấn mạnh tới ý nghĩa logo của trường là biểu tượng ngọn đuốc khai sáng cho văn minh nhân loại.

An Bình