1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Ngày tàn” của phiến quân thân IS tại Marawi sau chiến sự 100 ngày?

(Dân trí) - Khi cuộc chiến “cân não” đánh đuổi nhóm phiến quân thân IS ra khỏi thành phố Marawi tròn 100 ngày, quân đội Philippines tự tin rằng những ngày sau đây sẽ là ngày tàn của nhóm khủng bố cực đoan.

Binh sĩ Philippines tiến về chảo lửa Marawi. (Ảnh: Reuters)
Binh sĩ Philippines tiến về chảo lửa Marawi. (Ảnh: Reuters)

Đầu hàng hoặc bị tiêu diệt

Kể từ sau lần tấn công chớp nhoáng vào thành phố Marawi ngày 23/5, phiến quân Hồi giáo thân IS Maute đã kháng cự lại các đợt tấn công bằng hỏa lực, các cuộc không kích và ném bom của quân đội chính phủ. Những tay súng bắn tỉa trong hàng ngũ của chúng vẫn ẩn nấp sau đống đổ nát của thành phố bị chiếm đóng.

Theo ông Romeo Brawner, chỉ huy phó Lực lượng Đặc nhiệm ở Marawi, các khu vực phiến quân kiểm soát đang thu hẹp dần, và có dấu hiệu cho thấy chúng đã suy yếu do thiếu lương thực, đạn dược. “Hy vọng chiến dịch bao vây Marawi sẽ kết thúc trong vài tuần tới. Lực lượng phiến quân đang suy yếu. Chúng tôi khiến tổn thất của chúng tăng lên mỗi ngày", ông nói với các phóng viên.

Quân đội Philippine nhiều lần hứa hẹn về việc giành lại quyền kiểm soát thành phố Marawi, nhưng có vẻ họ đã đánh giá thấp sức mạnh của phiến quân Maute. Chiến sự khu vực phía Nam đảo Mindanao đã buộc hàng trăm ngàn người phải rời bỏ nhà cửa. Thống kê của chính phủ cho thấy gần 800 người đã thiệt mạng gồm 133 lính và cảnh sát, 45 thường dân và khoảng 617 tên phiến quân.

Nhiều thi thể được cho là vẫn còn nằm rải rác trong đống đổ nát của thành phố này. Ước tính số thường dân bị mắc kẹt trong khu vực chiến sự là hơn 2.000 người, mặc dù nhà chức trách tuyên bố 1.728 thường dân đã được giải cứu. Hội Chữ Thập Đỏ cho biết họ đang điều tra về 179 trường hợp mất tích.

Lo ngại tăng cao khi chiến sự kéo dài, cho thấy hệ tư tưởng cực đoan của IS có thể đã bén rễ sâu rộng ở miền Nam hơn dự đoán từ trước. Điều này dấy lên lo ngại rằng liệu quân đội Philippines có thể ứng phó với một cuộc nổi dậy quy mô lớn hơn hay không. Sự xuất hiện của những tên phiến quân nước ngoài trong hàng ngũ đang gây ra mối lo về việc đảo Mindanao có thể trở thành một điểm đến mới, thu hút các phần tử cực đoan từ Indonesia, Malaysia và Singapore, cũng như những phiến quân đến từ Syria và Iraq.

Tướng Eduardo Ano, Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines cho biết phiến quân Maute đã mất nhiều vị trí phòng thủ trong tuần qua, quan trọng nhất là trụ sở cảnh sát và nhà thờ Hồi giáo ở trung tâm thành phố. Hôm 29/8, ông cho biết tất cả các tuyến đường ra vào Marawi đã bị phong tỏa và khoảng 50 tên phiến quân còn lại sắp đến "thời khắc cuối cùng". Chúng sẽ phải lựa chọn quyết định đầu hàng hoặc bị tiêu diệt.

"Tình hình là nội bất xuất, ngoại bất nhập. Nếu chúng muốn lên chầu trời như từng tuyên bố, chúng tôi sẽ giúp chúng toại nguyện", tướng Ano cho biết.

Thách thức cho tương lai

Khói bốc lên sau trận không kích của quân đội Philippines vào sào huyệt của nhóm khủng bố thân IS ở Marawi. (Ảnh: Reuters)
Khói bốc lên sau trận không kích của quân đội Philippines vào sào huyệt của nhóm khủng bố thân IS ở Marawi. (Ảnh: Reuters)

Chiến sự ở thành phố Marawi trở thành cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất đối với tổng thống Rodrigo Duterte. Bản thân ông đã tuyên bố thiết quân luật ở đảo Mindanao cho đến cuối năm cũng như kêu gọi các nhà lập pháp thông qua một quỹ giúp tăng quân số thêm 20.000 binh sĩ. Vào ngày 30/8, ông Duterte phát biểu rằng xung đột xảy ra do chủ nghĩa ly khai đã kéo dài hàng chục năm qua ở đây vẫn chưa tìm được giải pháp.

Theo các chuyên gia, không loại trừ khả năng sẽ có một liên minh giữa hai nhóm phiến quân từ các vùng khác nhau của đảo Mindanao - nhóm mới nổi Maute và nhóm cũ Abu Sayyaf đã được thành lập. Mỗi nhóm sẽ chiếm đóng một thành phố để làm căn cứ cho những phần tử cực đoan tập trung, từ đó phát triển các kế hoạch tiếp theo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Quân đội nói rằng chìa khóa để giải quyết vấn đề là bắt hoặc tiêu diệt được các thủ lĩnh, những kẻ được cho là đang ẩn náu trong vùng chiến sự. Thách thức là phải đảm bảo an toàn cho hàng chục con tin. Thất bại trong việc này sẽ trở thành một thảm hoạ cho quân đội, họ đã hứng chịu nhiều chỉ trích khi các cuộc không kích phá hủy cơ sở hạ tầng mà không đem lại hiệu quả. Lực lượng chiến đấu dưới đất bị ném bom nhầm đến 2 lần.

Tổng thống Duterte lý giải cuộc chiến kéo dài quá lâu là do chính phủ muốn đảm bảo an toàn cho các con tin, và họ không thể ném bom vào một nhà thờ Hồi giáo - nơi các thủ lĩnh phiến quân đang trú ẩn. "Điều đó ngay lập tức sẽ tạo thêm sự thù địch đối với chính phủ", ông nói.

Cựu nghị sĩ Rodolfo Biazon, người từng giữ chức tham mưu trong quân đội, cho rằng sau khi chiếm lại được thành phố Marawi, chính phủ cần bớt chú trọng vào giải pháp quân sự và cố gắng tập trung vào các biện pháp dân vận, coi đó là chiến lược nền tảng cốt lõi. Thực tế là khi những nhóm nổi dậy, chúng vẫn nhận được sự hỗ trợ từ người dân địa phương. “Khi tách cá ra khỏi nước, chúng sẽ không thể duy trì được”, ông nói.

Đỗ Anh

Tổng hợp