1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga toan tính gì khi hết lòng ở Syria?

Nga đang tích cực hối thúc các bên thực thi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria trong nỗ lực ngăn dòng người tị nạn chạy sang châu Âu.

Nga ngừng không kích tại Syria

Ngày 27/2, thiếu tướng Sergei Rudskoi, phát ngôn viên Bộ Tổng Tham mưu Các lực lượng Vũ trang Nga cho biết lực lượng không quân của nước này đã dừng chiến dịch không kích ở Syria theo đúng tinh thần thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ làm trung gian.

“Lực lượng không quân Nga đã dừng ném bom hoàn toàn vùng xanh, vốn nằm trong những khu vực mà các nhóm vũ trang ở đó đã gửi cho chúng tôi yêu cầu ngừng bắn”, ông Sergei Rudskoi tuyên bố.

Theo thiếu tướng không quân Nga, Moskva đã gửi cho Washington danh sách 6.111 chiến binh đăng ký tham gia lệnh ngừng bắn và danh sách chi tiết 74 khu vực dân cư không nằm trong diện đánh bom.

Thiếu tướng Sergei Rudskoi, phát ngôn viên Bộ Tổng Tham mưu Các lực lượng Vũ trang Nga cho biết Nga đã dừng chiến dịch không kích ở Syria
Thiếu tướng Sergei Rudskoi, phát ngôn viên Bộ Tổng Tham mưu Các lực lượng Vũ trang Nga cho biết Nga đã dừng chiến dịch không kích ở Syria

Ông Rudskoi cho hay các hoạt động đối địch trên mặt đất đã dừng lại tại 34 khu vực, chủ yếu ở các tỉnh Hama và Homs. Điện Kremlin cũng làm rõ rằng thỏa thuận không được áp dụng cho phiến quân IS và Mặt trận Nursa.

Trước đó, vào lúc 0h ngày 27/2 giờ địa phương (tức 5h sáng 27/2 giờ Việt Nam), thỏa thuận ngừng bắn tạm thời đã bắt đầu có hiệu lực ở Syria.

Ông Staffan de Mistura, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria, đã thông báo rằng các cuộc đàm phán hòa bình Syria sẽ tiếp tục ngày 7/3 nếu lệnh ngừng bắn "được tuân thủ trên diện rộng."

Trong một động thái liên quan, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết về thỏa thuận ngừng bắn tại Syria do Mỹ và Nga làm trung gian.

Nga toan tính gì khi hết lòng ở Syria?

Có thể thấy rằng, bất chấp các nước nghi ngờ và lên phương án khác để triển khai nếu thỏa thuận hòa bình tại Syria thất bại nhưng Nga trước sau vẫn giữ nguyên quan điểm, thái độ tích cực.

Ngày 26/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bày tỏ hi vọng Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc sẽ ủng hộ một nghị quyết tán thành kế hoạch ngừng bắn tại Syria. Ngoài ra, ông Lavrov cũng kêu gọi Mỹ và các đồng minh không nên đưa ra bất cứ kế hoạch B nào đó cho Syria và từ bỏ ý tưởng tiến hành một chiến dịch trên bộ tại đây.

“Không nên có bất cứ các cuộc đối thoại mơ hồ nào trong liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu về một kế hoạch B nào đó tại Syria, chuẩn bị cho một chiến dịch trên bộ, thành lập khu vực đệm với việc đóng cửa không phận. Điều này từ lâu đã được nhấn mạnh là không thể chấp nhận được”- ông Lavrov tuyên bố.

Trước đó, ngày 24/2, nhằm đẩy nhanh thỏa thuận hòa bình, Nga cũng đã bắt đầu các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn với các nhóm đối lập tại 5 tỉnh, thành phố của Syria.

Giới phân tích cho rằng Nga giữ vững lập trường tại Syria là để phòng xa cho làn sóng di cư tràn vào Nga cũng như các nước châu Âu.
Giới phân tích cho rằng Nga giữ vững lập trường tại Syria là để phòng xa cho làn sóng di cư tràn vào Nga cũng như các nước châu Âu.

Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga, trung tâm điều phối của nước này tại Syria mới được khai trương đã bắt đầu làm việc với đại diện các nhóm đến từ nhiều khu vực thuộc các tỉnh, thành phố gồm Hama, Homs, Latakia, Damascus và Deraa.

Ngoài ra, điện Kremlin còn khẳng định rằng hãy còn quá sớm để nói về việc phát triển kế hoạch dự phòng trong trường hợp thỏa thuận đạt được với Moskva và Washington về ngừng bắn ở Syria sẽ không được tuân thủ.

“Thảo luận và làm việc để thực hiện kế hoạch theo sáng kiến của tổng thống hai nước là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Hiện tại đang tiến hành các liên hệ rất sâu, vì bây giờ hai quốc gia (Nga và Hoa Kỳ) sẽ bằng mọi cách sử dụng ảnh hưởng của mình đối với các lực lượng, phe phái và các bên tham gia xung đột”, - ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Nga khẳng định.

Giới phân tích cho rằng, việc Nga can thiệp vào Trung Đông và giữ vững lập trường trong thực thi thỏa thuận hòa bình tại Syria là để phòng xa cho làn sóng di cư tràn vào Nga cũng như các nước châu Âu.

Thực tế, tình hình bất ổn tại Damascus thời gian qua khiến nhiều người dân Syria tìm cách di cư sang châu Âu để lánh nạn. Đã không ít lần, họ tràn qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, vượt biển đến Hy Lạp với hy vọng tìm được nơi trú ẩn an toàn.

Với nguy cơ bùng phát dòng người di cư, chính quyền Ankara và Israel đã phải đóng cửa biên giới, thậm chí tìm cách siết chặt những khu vực giáp ranh với Syria để ngăn chặn nguy cơ xâm lấn bởi những người tị nạn đến từ Damascus.

Rõ ràng, những nỗ lực của Nga không chỉ để cứu Moskva khỏi nạn di cư mà còn đang bảo vệ các nước châu Âu trước nỗi ám ảnh của họ. Vì thế, có thể nhận thấy sự thay đổi khá rõ ràng trong thái độ của các nước như: Pháp, Đức, Anh với cuộc không kích của điện Kremlin tại Syria. Từ phản đối, nghi ngờ ban đầu, các nước đồng minh của Mỹ đã bày tỏ tin tưởng, hợp tác với Moskva và không ít lần đưa ra ý kiến gỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đã ban hành trước đó.

“Tất nhiên, tôi muốn những lệnh trừng phạt Nga được gỡ bỏ và Tổng thống Francois Hollande cũng mong muốn điều này. Tôi đã đi đến Nga để thảo luận về điều này với chính phủ Nga”, ông Le Foll, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp nói với tờ Le Figaro vào hôm 31/1.

Hôm 16/2, phát biểu tại một cuộc gặp với các nghị sĩ Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã tuyên bố muốn sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga, vốn do những cáo buộc của phương Tây nhằm vào Moskva liên quan cuộc xung đột ở Ukraine, song chưa có cơ sở cho hành động như vậy.

Có thể thấy rằng, dù từng bị các nước nghi ngờ, lên án nhưng đến thời điểm này, Nga vẫn đang là nước dẫn dắt và có vai trò quan trọng trong việc lập lại hòa bình và giải quyết các xung đột trên chiến trường Syria.

Theo Hòa Bình (Tổng hợp)

Đất Việt