1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga-Thổ âm thầm hành động sau tuyên bố ngừng bắn ở Syria?

Dù tuyên bố ngừng bắn tại Syria chính thức có hiệu lực nhưng nhiều bằng chứng cho thấy cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang âm thầm hành động.

Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập lãnh thổ Syria

Ngày 28/2, người đứng đầu trung tâm giám sát lệnh ngừng bắn tại căn cứ không quân Nga Hmeymim ở Latakia, cho biết Moskva nhận được thông tin về một vụ tấn công thị trấn Tal Abyad, phía Bắc Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết khoảng 100 tay súng từ Ankara xâm phạm biên giới Syria và bị lực lượng người Kurd đẩy lùi.

Cùng ngày, đài truyền hình REN-TV của Nga cũng công bố một đoạn clip ghi lại những hình ảnh chứng minh sự gia tăng hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới sát với Syria.

Theo nguồn tin, đạn súng cối và các loại đạn dược khác đã được đưa tới các chốt quân sự của Ankara, vốn đang nã súng về phía các chiến binh người Kurd ở biên giới Syria.

"Xe tăng và pháo tự hành đã được chĩa về thành phố Kobani của Syria, nơi tập trung chủ yếu là người Kurd", REN-TV khẳng định.

Ngoài ra, các phóng viên của đài này từ hiện trường còn cho biết thêm, có ít nhất 6 hoặc 7 chiếc xe tăng trong khu vực và các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới có thể được triển khai tại Syria "trong chốc lát".

Trong khi đó, tờ "Cumhuriyet", một trong những tờ báo lớn, có uy tín nhất Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cũng tiết lộ việc chính quyền Erdogan cho quân di chuyển qua biên giới.

Theo báo này, những cuộc điện đàm giữa binh sĩ biên phòng Thổ Nhĩ Kỳ và IS đã phản ánh, chính quyền Ankara cho phép IS và các tổ chức khủng bố khác nhau tự do đi qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Tài liệu được thu giữ bởi một văn phòng công tố bao gồm số lượng lớn nhiều cuộc điện đàm “thân thiện” giữa quan chức quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với Mustafa Demir, một phần tử IS hiện đang chỉ huy một nhóm khủng bố chiếm biên giới Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ, nhật báo Cumhuriyet đưa tin.

Dù lệnh ngừng bắn đã có hiệu lực nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị cáo buộc đưa quân vào Syria.
Dù lệnh ngừng bắn đã có hiệu lực nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị cáo buộc đưa quân vào Syria.

Tư liệu công tố cho biết một số quan chức quân đội Ankara cũng gặp gỡ Demir trên khu vực biên giới. Tên trùm IS được nêu trong tư liệu chính là kẻ đứng sau vụ vận chuyển bom từ Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một động thái có liên quan, Thủ tướng Davutoglu trong lần trò chuyện với hãng tin Al-Jazeera hôm 27/2 khẳng định Ankara vẫn tiếp tục hỗ trợ các phiến quân chống Tổng thống Assad.

"Làm sao những chiến binh đối lập có thể tự bảo vệ được mình nếu không có sự hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Assad không thể kiểm soát toàn bộ được lãnh thổ của mình là do sự can thiệp từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara hứa sẽ làm mọi thứ vì những người anh em tại Syria, những người thực sự chống lại chính quyền ông Assad, khủng bố hay bất kì lực lượng nước ngoài nào đang xâm lược Syria như Iran hay Nga", Thủ tướng Davutoglu nhấn mạnh.

Có thể thấy rằng, dù thỏa thuận ngừng bắn tại Syria chính thức có hiệu lực từ ngày 27/2 nhưng những bằng chứng vừa được tiết lộ có thấy rằng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang âm thầm đưa quân vào Damascus bất chấp lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế.

Trước đó, đã không ít lần Ankara để ngỏ khả năng phá bỏ những yêu cầu của thỏa thuận hòa bình và triển khai hoạt động quân sự tại khu vực này.

Ngày 25/2, phát biểu trên Kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Ahmet Davutoglu cho biết Ankara có quyền không bị ràng buộc bởi kế hoạch ngừng bắn ở Syria nếu an ninh của họ bị đe dọa. Đồng thời, nhà lãnh đạo Ankara khẳng định sẽ áp dụng “biện pháp cần thiết” để đối phó với Lực lượng các đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria hoặc IS khi cần.

“Thỏa thuận ngừng bắn sẽ không ràng buộc được chúng tôi khi nảy sinh tình hình đe dọa tới an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, và chúng tôi sẽ có những biện pháp cần thiết để chống lại cả YPG lẫn IS nếu cảm thấy cần thiết. Ankara là nơi duy nhất quyết định các hành động liên quan đến an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Davutoglu tuyên bố.

Thậm chí, hôm 18/2, Hãng ANHA của người Kurd còn đưa ra những hình ảnh cho thấy hàng chục phương tiện quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua biên giới và tiến sâu 200m vào khu vực người Kurd tại huyện Afrin ở tỉnh Aleppo, Syria. Khu vực này có số dân hơn 170.000 người, trong đó chủ yếu là người Kurd.

Nga cũng âm thầm hành động?

Ngày 27/2, thiếu tướng Sergei Rudskoi, phát ngôn viên Bộ Tổng Tham mưu Các lực lượng Vũ trang Nga cho biết lực lượng không quân của nước này đã dừng chiến dịch không kích ở Syria theo đúng tinh thần thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ làm trung gian.

“Lực lượng không quân Nga đã dừng ném bom hoàn toàn vùng xanh, vốn nằm trong những khu vực mà các nhóm vũ trang ở đó đã gửi cho chúng tôi yêu cầu ngừng bắn”, ông Sergei Rudskoi tuyên bố.

Tuy nhiên, phe nổi dậy Syria hôm 28/2 đã cáo buộc máy bay Nga không kích 6 thị trấn ở tỉnh Aleppo một ngày sau khi lệnh ngừng bắn tạm thời bắt đầu có hiệu lực.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), trụ sở ở Anh, cũng xác nhận các vụ không kích đã xảy ra vào sáng 28/2 (giờ địa phương) nhưng cho biết vẫn chưa rõ danh tính những máy bay tham gia.

Ông Rami Abdulrahman, giám đốc SOHR, cho biết một vài thị trấn bị tấn công đang chịu sự kiểm soát của nhóm Mặt trận al-Nusra, có liên hệ với Al-Qaeda và một số nhóm Hồi giáo khác.

Nga cũng đang âm thầm không kích tại Syria sau lệnh ngừng bắn?
Nga cũng đang âm thầm không kích tại Syria sau lệnh ngừng bắn?

Thỏa thuận ngừng bắn nói trên không được áp dụng cho Mặt trận al-Nusra và tổ chức Hồi giáo IS. Những địa phương bị không kích còn lại là địa bàn của các tay súng nổi dậy thuộc nhóm Quân đội Syria Tự do đồng ý tham gia thỏa thuận ngừng bắn.

Dù bị cáo buộc tiến hành các cuộc không kích tại Syria, tuy nhiên Bộ Quốc phòng Nga đã từ chối bình luận về vụ việc.

Moskva trước đó cho biết sẽ tiếp tục tấn công những tổ chức khủng bố trong 2 tuần tạm dừng các hoạt động thù địch. Tuy nhiên, nước này cam kết tạm ngưng không kích trong ngày ngừng bắn đầu tiên để bảo đảm không tấn công nhầm mục tiêu.

Theo Tuấn Hùng (Tổng hợp)

Đất Việt