1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga khéo lách giữa quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

Dù Nga-Mỹ đã đạt được nhiều thỏa thuận mới về Syria tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, Moskva sẽ không dại gì đoạn tuyệt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga-Mỹ đạt được thỏa thuận cụ thể về Syria

Trang Politobzor của Nga ngày 26/8 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bày tỏ lạc quan về một thỏa thuận mới vừa đạt được giữa nước này với Mỹ.

Cụ thể, sau cuộc gặp người đồng cấp Mỹ John Kerry kéo dài 12 giờ đồng hồ tại Geneva (Thụy Sĩ), Moskva và Washington đã đi đến một thoản thuận cụ thể về Chính phủ Syria cũng như về phe đối lập.

Theo đó, Nga sẽ lo xử lý với Damascus, còn Mỹ nhận trách nhiệm về phe đối lập. Đối với các các đối tác khu vực, cả hai bên sẽ tham gia trực tiếp.

Nga-Mỹ đạt được thỏa thuận cụ thể về Syria
Nga-Mỹ đạt được thỏa thuận cụ thể về Syria

“Chúng tôi đã thỏa thuận về các định hướng cụ thể mà chúng tôi có thể làm việc với các bên: Nga với chính phủ và phe đối lập có hợp tác với Nga, còn Mỹ với phe đối lập hợp tác với Mỹ. Cả chúng tôi và các đồng nghiệp Mỹ sẽ làm việc với các đối tác khu vực để tháo gỡ những rào cản trong lộ trình tuân thủ bền vững chế độ chiến sự”, ông Lavrov nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi họp báo sau hội đàm, Ngoại trưởng Nga tự tin khẳng định rằng đối thoại thường xuyên giữa Nga và Mỹ là chìa khóa để hiện thực hóa các mục tiêu mà hai nước đề ra trong vấn đề Syria.

“Chúng tôi cũng nhất trí tăng cường các mối liên hệ song phương, vốn bị trì hoãn trong vài tuần vừa qua”, ông Lavrov nhấn mạnh.

Washington và Moskva cũng cam kết thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Syria. Ngoại trưởng Kerry khẳng định hai nước đã “đạt được sự thông suốt về con đường phía trước” nhằm tái lập một thỏa thuận ngừng bắn và nhân đạo hồi tháng 2.

“Chúng tôi muốn đạt được thỏa thuận hiệu quả, có lợi cho người dân Syria và làm cho khu vực ổn định hơn”, ông Kerry nhấn mạnh.

Ngoài ra, ngoại trưởng hai nước cũng thống nhất về việc chia sẻ thông tin tình báo để phối hợp trong các cuộc không kích chống IS ở Syria.

Cả ông Lavrov và ông Kerry đều tin rằng sự hợp tác giữa hai nước là cơ hội tốt để hạn chế giao tranh tại Syria cũng như mở ra cơ hội mới cho quốc gia Trung Đông này.

Việc Nga – Mỹ đạt được những thỏa thuận mới về Syria diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến đấu chống IS tại quốc gia Trung Đông này vẫn đang rơi vào bế tắc cho thấy Nhà Trắng đã có một sự cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng trước khi chấp nhận hợp tác với Nga.

Còn nhớ vào hôm 30/6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối chuyện thảo luận về các cuộc đàm phán ngoại giao đang diễn ra với Nga.

Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ “sẽ không nói về các chi tiết của bất kỳ cuộc đàm phán nội bộ hay ngoại giao nào”.

Trước khi Mỹ có động thái đề nghị hợp tác quân sự tại Syria, chính Nga đã nhiều lần kêu gọi 2 bên hợp sức với nhau để chống khủng bố, kể từ khi Moskva khởi động chiến dịch không kích của mình hồi tháng 9-2015.

Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi thành lập liên minh chống khủng bố mở rộng, cũng như nhấn mạnh sự cần thiết của việc liên lạc thường xuyên giữa 2 bộ quốc phòng của Mỹ và Nga.

Nga sẽ không bỏ rơi Thổ Nhĩ Kỳ?

Cùng với việc đẩy mạnh các kế hoạch hợp tác với Mỹ, thời gian qua Nga cũng không ngừng cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong mối quan hệ vốn đã phức tạp này, Moskva sẽ vừa tìm cách xóa bỏ những khoảng cách, bất đồng với Washington, vừa tìm thêm những cơ hội hợp tác mới đến từ Ankara.

Nga sẽ không dễ dàng bỏ quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vì Mỹ
Nga sẽ không dễ dàng bỏ quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vì Mỹ

Thực tế là sau khi cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7, bất chấp sự e dè, lo lắng từ các nước phương Tây, Nga đang tích cực cải thiện mối quan hệ với chính quyền Erdogan.

Chưa đầy một tuần sau cuộc đảo chính, giới chức Nga đã tích cực thực hiện các chuyến công du tới Thổ Nhĩ Kỳ và đang đàm phán để khôi phục lại một số điều khoản nhất định.

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov đã sớm công bố về chuyến thăm Moskva của ông Erdogan, dù mới vài tháng trước đây, ông Erdogan thậm chí còn không thể gọi điện được đến Điện Kremlin.

Cùng với đó, Nga tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm tạm thời đối với công dân Nga đáp máy bay đến Thổ Nhĩ Kỳ do lo ngại về tình hình bất ổn sau vụ đảo chính bất thành tại nước này.

“Kể từ ngày 22/7/2016, các chuyến bay của tất cả các hãng hàng không từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ được khôi phục”, Bộ Giao thông Nga cho hay.

Động thái quan trọng nhất cho thấy sự ấm dần của mối quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ là việc ông Erdogan đã có cuộc gặp người đồng cấp Putin tại thành phố St. Petersburg.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ông Erdogan, nhà lãnh đạo Nga cho biết hai nước đã trải qua một thời khắc rất khó khăn nhưng đã đến lúc thay đổi vì nhân dân Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như vì lợi ích lâu dài của hai bên trong mối quan hệ láng giềng tốt đẹp.

Thực tế hiện nay, Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đang có nhiều điểm tương đồng. Do lệnh cấm vận của Moskva (đánh mạnh vào ngành du lịch), tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ giảm 0,3% trong năm 2016, với thiệt hại kinh tế lên tới 9 tỷ USD.

Về phía Nga, các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây gây thiệt hại ít nhất 40 tỷ USD mỗi năm. Giá dầu thô giảm mạnh cũng làm Nga mất đi từ 90 tỷ đến 100 tỷ USD mỗi năm.

Tổng thống Putin cho biết, hai bên đang tiến hành thảo luận nhằm mở rộng quan hệ về kinh tế, đáng chú ý nhất là tuyên bố nối lại "dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" khiến Mỹ và phương Tây hết sức lo lắng. Bên cạnh đó, Moskva cũng để ngỏ khả năng hợp tác nhằm sớm khôi phục lại các chuyến bay thương mại từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Tổng thống Erdogan tuyên bố hai bên sẽ có những bước đi hướng tới việc giải quyết vấn đề đầu tư chung cũng như thực thi các mối quan hệ kinh tế khác, đồng thời tham vọng sẽ khôi phục mục tiêu thương mại song phương hai nước là 100 tỉ USD. Ông Erdogan cũng cho biết, một dự án khí đốt với Nga cũng sẽ sớm thành hiện thực.

Giờ đây, Nga đang bước vào một giai đoạn hoàn toàn khác trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, và sự đoàn kết giữa hai nước có thể góp phần giải quyết những vấn đề của khu vực.

Ông chủ điện Kremlin tin tưởng quan hệ hai nước không chỉ bình thường hóa mà còn được tăng cường và có thể chống chọi với các cuộc khủng hoảng.

Rõ ràng khi cuộc chiến chống IS vẫn đang rơi vào bế tắc, mối quan hệ với Mỹ dù được cải thiện nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, việc Nga củng cố vững chắc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một lựa chọn khôn ngoan. Và đương nhiên, trong cuộc chơi này, Mỹ vẫn sẽ mãi là người đến sau ở Trung Đông.

Theo Trung Dũng (Tổng hợp)

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm