1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Nga đã đánh bại Mỹ ở Syria"

Nga đánh bại Mỹ ở Syria bất chấp sự giễu cợt và tiên đoán của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Moscow sẽ sa vào "đầm lầy" Syria.

Đó là nhận định của tờ The National Post phiên bản Canada. Năm ngoái, khi Nga bắt đầu hoạt động quân sự tại Syria ông Obama đã tỏ thái độ coi thường trước sự việc này.

Tổng thống Mỹ rõ ràng không ưa ''chính sách đối ngoại kiên trì'' của Moscow tại Trung Đông và những khu vực khác. Và ông này rõ ràng cho rằng, Nga ''sẽ bị đốt cháy ở Syria và sẽ xấu hổ về sự mạo hiểm của mình tại khu vực Trung Đông''.

Thế nhưng, theo The National Post thì điều này đã không xảy ra. Nga không mắc kẹt trong đầm lầy và có thể sử dụng rất hiệu quả nguồn lực quân sự hạn chế - làm thay đổi tiến trình cuộc nội chiến và giữ vững vị trí của Tổng thống Bashar al-Assad.

Tại Trung Đông Nga thắng Mỹ trên mọi mặt trận
Tại Trung Đông Nga thắng Mỹ trên mọi mặt trận

Ngoài ra, trong tháng 9 này Nga và Hoa Kỳ đã công bố đạt được thỏa thuận về Syria. Nếu thỏa thuận được thực thi thì phần lớn phe đối lập sẽ trở thành lực lượng trung lập, còn Moscow và Washington sẽ triển khai các hoạt động chung chống lại kẻ thù của ông Assad – là 'Nhà nước Hồi giáo IS' tự xưng và Al-Nusra.

Bài báo khẳng định, bất chấp những gì diễn ra đối với thỏa thuận Tổng thống Nga Vladimir Putin ''đã khiến Hoa Kỳ phải gia nhập đầm lầy tưởng tượng cùng Nga''.

Ông Obama có vẻ như yếu thế đi và buộc phải phản ứng trước hành động của Moscow ở Trung Đông, còn về phía mình ông Putin ''củng cố cho Nga tư cách trọng tài không thể thiếu trong giải quyết số phận của Syria''.

Hoạt động của Nga ở Syria chỉ là một phần trong chính sách của nước này nhằm củng cố vị thế của mình tại Trung Đông. Và thành công của họ một phần do chính Hoa Kỳ đã không tham gia vào những gì đang diễn ra trong khu vực.

Tuy vậy ông Putin vẫn quan tâm tới mối quan hệ với Iran, cải thiện quan hệ căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đề nghị Israel và Palestine tiến hành đàm phán trên lãnh thổ Nga.

Theo tác giả bài báo, Moscow có 2 động lực chính để theo đuổi chính sách tích cực ở Trung Đông. Đầu tiên là mong muốn ngăn chặn sự lây lan của Hồi giáo cực đoan, động lực thứ hai là ngăn chặn một loạt các cuộc đảo chính trong khu vực.

''Đối với Nga kết quả cuối cùng của những hành động của Mỹ luôn là sự gia tăng tình trạng hỗn loạn và Hồi giáo cực đoan, những kẻ có quan hệ thù địch với lợi ích của cả Nga và Mỹ'' – Giáo sư Jeffrey Mankoff , Phó Giám đốc Chương trình ''Nga và Âu Á'' của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington nói với The National Post.

Giáo sư Angela Stent tới từ Đại học Georgetown thì nhận định với tờ báo rằng những thành công ở Trung Đông đảm bảo ảnh hưởng của Nga tại các quốc gia phương Tây, bất chấp những sự kiện ở Ukraine năm 2014 và việc sáp nhập Crimea.

Dù tình hình Ukraine vẫn chưa được cải thiện, nhưng thái độ của phương Tây đối với ông Putin đã thay đổi. Hiện Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu nên chú ý tới Nga.

Thực tế tréo ngoe

Đây không phải lần đầu tiên báo phương Tây thừa nhận Nga chiến thắng ở Syria, tờ New York Times đưa tin hôm 9/8 cho biết, cuộc đối đầu giữa hai siêu cường quốc trong cuộc chiến Syria ngày càng được bộc lộ rõ, các nhà lãnh đạo trở nên thẳng thắn hơn.

Những cuộc tấn công trên bầu trời Syria của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga bằng những loại vũ khí hiện đại nhất đã trấn áp phe đối lập cũng như tiêu diệt hàng ngàn quân khủng bố: trực thăng MiG-28, Ka-52, máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3, chiến đấu cơ Su-24. Su-30, Su-34 và Su-35… đã giành được thành công lớn.

Tờ New York Times đăng một bài báo, trong đó phân tích về tình hình ở Syria qua kết quả đạt được của các chuyến bay. Bài báo trích dẫn nguồn lấy từ ý kiến của ​​Tổng thống hai cường quốc, đó là sự đối đầu thông qua quốc gia trung gian.

Kết quả này cũng là nguyên nhân việc thay đổi chiều hướng chính sách ngoại giao của phương Tây trong cuộc xung đột Syria. Như công bố của tờ báo, sự can thiệp của Nga đóng vai trò quan trọng nhất đã làm thay đổi đột ngột chiến lược của phương Tây đối với Syria và toàn bộ Trung Đông.

Sự trợ giúp của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã giúp Bashar al - Assad tập trung lực lượng chiếm lại vùng lãnh thổ bị mất trong cuộc chiến đấu với phe đối lập và lực lượng khủng bố của nhà nước Hồi giáo tại Syria. Mục đích này của Nga hoàn toàn trái ngược với Mỹ - họ muốn huỷ diệt ở Syria, tiêu diệt tất cả những mầm mống có nguy cơ đe dọa tới họ và lật đổ chính phủ hợp pháp Syria.

Khi Nga bắt đầu tham gia chiến dịch tiêu diệt IS ở Syria, Washington đã nhận định rằng Moscow sẽ bị sa lầy trong một cuộc chiến tranh kéo dài, nhưng bây giờ Mỹ thấy mình cần phải đàm phán hợp tác với Nga.

Điều này đi ngược lại với những gì đã diễn ra trước đó, khi Mỹ và NATO đe doạ cô lập Moscow, kìm hãm sự ảnh hưởng của Nga trên chiến trường chính trị. Tuy nhiên kết quả dường như cả thế giới đã thấy rõ và theo New York Times đánh giá, Nga đã gián tiếp dành chiến thắng trong một cuộc chiến với Mỹ ít nhất là cho đến nay.

Kể từ khi Nga tiến hành không kích tiêu diệt IS cũng như các phần tử khủng bố được Mỹ hậu thuẫn, chế độ Bashar al-Assad ngày càng giành được nhiều thắng lợi khiến mong muốn chính quyền Syria sụp đổ của Mỹ gần như thất bại. Trong thời gian có được sự giúp đỡ của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga, tình thế ở Syria đã thay đổi hoàn toàn và điều này giúp Syria có được lợi thế trên bàn đàm phán.

Những khu vực do phương Tây hỗ trợ cho quân nổi dậy cũng bị đẩy lùi. Trước đó quân đội Syria phải rời bỏ vị trí của họ dưới sức mạnh của các chiến binh do Mỹ và phương Tây hậu thuẫn. Thắng lợi tạm thời của Nga đã tạo ra một lợi thế không nhỏ đối với chính phủ Syria và thay đổi kết quả của cuộc chiến “uỷ quyền” giữa Moscow và Washington.

Cho tới bây giờ tình hình ở Syria vẫn đang diễn ra rất phức tạp, nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Nga trong việc tiêu diệt lực lượng khủng bố và làm ổn định tình hình khu vực Trung Đông.

Trong cuộc chiến này Mỹ và liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu tham gia chỉ mang tính hình thức, mục đích chính của họ không chỉ tiêu diệt IS mà còn muốn xóa sổ luôn chính quyền Syria. Một mặt họ ủng hộ Syria nhưng mặt khác lại cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy. Sự xuất hiện của họ càng làm cho tình hình ở Syria trở nên phức tạp hơn và đồng thời càng tô điểm cho chiến thắng bước đầu của Nga.

Vai trò không thể thay thế

Trước đó, trong một bài bình luận được đăng tải hồi tháng 5, Jeffrey Goldberg - một nhà báo người Mỹ cũng khẳng định rằng, mặc dù chưa đạt được một giải pháp chính trị nào, những thành tựu chiến lược của ông Putin vẫn rất đáng nể.

Chiến dịch quân sự của Nga đã giúp cho đồng minh Assad đang nguy khốn không bị thất bại, cũng như giúp Nga giữ an toàn cho căn cứ không quân của nước này ở Latakia cùng với sự hiện diện của hải quân Nga ở đó và ở Tartus. Những thành trì này sẽ cho phép Nga thách thức sự kiểm soát của Mỹ và NATO ở phía Đông Địa Trung Hải.

Điều mấu chốt là Nga đã củng cố được vị thế như một thế lực phải được tính đến ở Trung Đông. Với việc Mỹ gần như chấp thuận đi theo sự dẫn dắt của Nga trong xung đột Syria kể từ sau cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học của Assad, các nhà lãnh đạo Trung Đông giờ đây đều hướng tới Moskva chứ không phải Washington để thúc đẩy các lợi ích của họ.

Hay như hồi tháng 2/2016 trên tờ Huffington Post, Alistair Crooke - cựu nhân viên cơ quan tình báo Anh MI6, một chuyên gia về Trung Đông đã thẳng thắn cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang đến gần chiến thắng hơn bao giờ hết. Ngược lại, chiến lược Trung Đông của Tổng thống Mỹ Barak Obama đang đi đến hồi thất bại thảm hại.

Ông Crooke nhấn mạnh, diễn biến tình hình ở Syria đang phát triển không đi theo hướng "vũng lầy của Nga" như tuyên bố của nhiều chính trị gia phương Tây, mà theo hướng liên minh Moscow-Damascus đang giành được những chiến thắng quân sự rõ ràng.

Cựu sĩ quan tình báo Anh thẳng thắn nói rằng, bàn đàm phán thực ra không phải đang đặt ở Geneva mà nó đang hiện diện trên chiến trường giao tranh ở Idlib và Aleppo, mà trong đó Nga là “Vua” còn Syria là “Hậu” trong ván cờ sinh tử với phương Tây và liên minh Ả Rập.

Một ngày Moscow và Damascus thành công tiêu diệt hết các "binh tốt" của đối thủ - tức các nhóm phiến quân đối lập và quét sạch tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria, đó sẽ là nước chiếu hết đối với “Vua” phương Tây và “Hậu” liên minh Ả Rập.

Kết quả là, Syria có thể tái sinh như một quốc gia khu vực hùng mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành ''kẻ cô độc'' trong khu vực, còn Nga và Iran sẽ ở vị thế người chiến thắng trước Washington và các đồng minh.

Theo Hà Giang

Đất Việt