1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ gửi đặc nhiệm giúp Ankara sau khủng bố: Ông Erdogan không tin?

Dù Tổng thống Obama tuyên bố điều lực lượng đặc nhiệm tới hỗ trợ Ankara sau khủng bố, nhưng ông Erdogan không tin tưởng vào điều này.

Tổng thống Obama chia buồn, gửi đặc nhiệm tới Thổ Nhĩ Kỳ

Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công vào hộp đêm Reina, ở quận Ortakuy, thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ làm ít nhất 35 người thiệt mạng và 40 người bị thương, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động trên.

Ngoài lời chia buồn gửi tới chính quyền và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ xả súng ở hộp đêm, Tổng thống Obama đã điều lực lượng đặc nhiệm tới hỗ trợ chính quyền Ankara xử lý vụ việc.

Hiện trường vụ xả súng ở hộp đêm Reina, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện trường vụ xả súng ở hộp đêm Reina, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong tuyên bố vào sáng 1/1, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Ned Price nêu rõ: “Bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, Mỹ lên án vụ tấn công dã man nhằm vào hộp đêm tại Thổ Nhĩ Kỳ làm hàng chục người chết và bị thương”.

Trong thông báo cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Eric Schultz cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo về vụ tấn công hộp đêm tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Obama đã chỉ thị nội các đề xuất các biện pháp hỗ trợ giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp cần thiết và liên tục cập nhật tình hình về vụ tấn công trên.

“Tổng thống bày tỏ tiếc thương với những người vô tội thiệt mạng trong vụ tấn công, trực tiếp chỉ đạo các biện pháp hỗ trợ phù hợp cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, nếu cần thiết, thường xuyên cập nhật thông tin về vụ khủng bố”, ông Eric Schultz thông báo.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa ra khuyến cáo các công dân nước này tránh xa khu vực vụ tấn công và liên lạc với gia đình.

Tổng thống Erdogan không tin?

Tuyên bố của Tổng thống Obama được đưa ra vào một thời điểm khá nhạy cảm khi Thổ Nhĩ Kỳ đang có nhiều dấu hiệu thân Nga.

Giới phân tích cho rằng, đây dường như là nỗ lực cuối cùng của nhà lãnh đạo Mỹ nhằm tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với chính quyền của Tổng thống Erdogan.

Cùng với đó, ông chủ Nhà Trắng còn muốn nhắn nhủ tới Tổng thống Nga Putin rằng, Mỹ vẫn sát cánh bên Thổ Nhĩ Kỳ và mối quan hệ giữa Washington-Ankara không dễ để Moskva có thể xen ngang vào.

Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng của Tổng thống Obama, người đồng cấp Erdogan dường như không mấy quan tâm đến lời đề nghị trên.

Trong thông điệp gửi đến người dân và truyền thông sau vụ khủng bố, ông Erdogan khẳng định, cam kết sẽ áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trong nước ngay từ đầu năm 2017.

“Tất cả các hoạt động khủng bố sẽ không làm chệch hướng các mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ra”, ông Erdogan nhấn mạnh.

Dù tổng thống Obama tuyên bố điều lực lượng đặc nhiệm tới hỗ trợ Ankara sau khủng bố, nhưng ông Erdogan không tin tưởng vào điều này.
Dù tổng thống Obama tuyên bố điều lực lượng đặc nhiệm tới hỗ trợ Ankara sau khủng bố, nhưng ông Erdogan không tin tưởng vào điều này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu cho biết tong số những người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố tại hộp đêm ở Istanbul có 16 người nước ngoài.

“Việc truy tìm tên khủng bố vẫn tiếp tục. Tôi hy vọng rằng hắn sẽ nhanh chóng bị bắt giữ”, ông Suleyman Soylu nhấn mạnh.

Thái độ lạnh lùng của chính quyền Ankara với Mỹ vào thời điểm này cũng không có gì quá khó hiểu. Bởi lẽ thời gian qua niềm tin của ông Erdogan dành cho người đồng minh trong khối NATO đã bị giảm sút đáng kể.

Ngày 27/12, phát biểu trước các phóng viên trong một cuộc họp báo ở thủ đô Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố có bằng chứng xác thực về sự ủng hộ của liên quân do Mỹ dẫn đầu dành cho các nhóm khủng bố, bao gồm cả phiến quân IS.

“Họ hỗ trợ các nhóm khủng bố, bao gồm IS, YPG (Lực lượng Tự vệ Nhân dân người Kurd) và PYD (Đảng Liên đoàn Dân chủ). Chúng tôi đã xác nhận bằng chứng bằng hình ảnh và phim tư liệu”, ông Erdogan nhấn mạnh.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích liên quân Mỹ không giữ những cam kết trong cuộc chiến chống IS.

Không chỉ thế, sau khi cuộc đảo chính nổ ra tại Ankara hồi tháng 7/2016, mối quan hệ giữa chính quyền của Tổng thống Erdogan với Mỹ và phương Tây đã xấu đi rất nhiều.

Dù tuyên bố lên án các hành động nhẫn tâm của các tổ chức khủng bố, nhưng thay vì giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục lại tình hình đất nước, Washington và châu Âu đã quay lưng...

Mỹ chần chừ với lời đề nghị hỗ trợ Ankara dẫn độ giáo sĩ Gulen, người được Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ đứng đằng sau âm mưu đảo chính của một nhóm quân đội trong nước ngày 15/7/2017, đang hoạt động tại Mỹ.

Thậm chí, khi mối quan hệ giữa 2 bên không thể cứu vãn được, Mỹ đã quyết định rút vũ khí hạt nhân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và đưa sang Rumani coi như một động thái đáp trả những cáo buộc của chính quyền Erdogan.

Thái độ mập mờ khó hiểu của chính quyền Tổng thống Obama khiến ông Erdogan vô cùng bức xúc. Nhà lãnh đạo Ankara tuyên bố, Mỹ đã gây ra bể máu ở Syria vì coi thường mối đe dọa từ các lực lượng vũ trang trong khu vực, không chỉ có phiến quân IS. Đặc biệt, người đứng đầu chính phủ Ankara lên án việc Mỹ từ chối khẳng định lực lượng người Kurd ở Syria là phần tử khủng bố, đồng thời hỗ trợ họ về mặt quân sự.

“Tôi đã hỏi phía Mỹ rất nhiều lần: Các ông đứng về phía chúng tôi hay đứng về quân khủng bố kia?”, ông Erdogan bức xúc.

Rõ ràng với những gì đã diễn ra từ trước đến nay, việc để Ankara đặt niềm tin vào sự giúp đỡ của chính quyền Tổng thống Obama không dễ dàng chút nào.

Theo Tuấn Hùng

Đất Việt