Mỹ chỉ ra 5 căn cứ quân sự tuyệt mật của Nga
Trang Topsecretwriters của Mỹ vừa công bố những căn cứ quân sự ngầm tuyệt mật của Nga từ thời Liên Xô cũ.
Theo Topsecretwriters, hầu hết chính phủ nào cũng có các bí mật riêng, nhất là những gì liên quan đến quân đội như phát triển vũ khí hay nghiên cứu quốc phòng.
Riêng Nga hiện đang sở hữu rất nhiều bí mật kiểu này có từ thời Liên Xô khi Chiến tranh Lạnh ở giai đoạn đỉnh điểm.
Nhiều bí mật trong số này là các căn cứ quân sự ngầm nằm sâu dưới lòng đất đang được khai thác hoặc chưa được công bố chính thức.
1. Căn cứ tàu ngầm Balaklava
Căn cứ tàu ngầm Balaklava (BSB) toạ lạc tại thị trấn Balaklava, thuộc Vịnh Balaklava, Ukraine, trên vùng Biển Đen.
Đây là căn cứ quân sự bí mật lớn nhất, được xây dựng vào năm 1957 khi Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ đang ở giai đoạn căng thẳng.
BSB mang bí số 825 GTS, gồm một kho vũ khí, một kênh đào lớn, một trung tâm sửa chữa tàu ngầm và là nơi trú ẩn hạt nhân cho khoảng 3.000 người. BSB có thể chịu được sức công phá hạt nhân tới 100 kiloton nhờ những bức tường thành dày tới 3m.
The Sputnik, Thế chiến II kết thúc, Chiến tranh Lạnh thế chân, Liên Xô và Mỹ bắt đầu khởi động cuộc chạy đua căn cứ quân sự mang vũ khí hạt nhân kiêm hầm trú ẩn nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra.
Balaklava được ra đời cũng nhằm mục đích này, nằm ở vị trí đắc đạo của một cảng biển khuất, bao quanh là vách đá hiểm trở, lối vào hẹp, điều này không chỉ thuận tiện cho việc tránh bão mà còn tránh được sự nhòm ngó từ bên ngoài.
BSB phải mất hơn 4 năm mới xây dựng xong, chủ yếu là đào hàng trăm tấn đá vận chuyển bí mật trong đêm tối bằng xà lan trên biển và xây dựng hạng mục chính, đường hầm dài 608m.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, BSB được đóng cửa năm 1995 và ngày nay trở thành bảo tàng quân sự hiếm hoi bậc nhất thế giới, giúp du khách hiểu sâu thêm về mối tương quan quân sự giữa hai cường quốc Liên Xô- Mỹ trong thời Chiến tranh lạnh.
2. Căn cứ Lacava, Latvia
Là một phần lãnh thổ của Liên Xô, Latvia là căn cứ quân sự bí mật nhất, nơi có nhiều binh lính Liên Xô đồn trú nhất.
Khi Chiến tranh lạnh kết thúc, giải trừ vũ khí hạt nhân được bắt đầu, nhiều căn cứ quân sự của Liên Xô đã được "giải ngũ", trong số này có Lacava. Căn cứ gồm có nhiều silo, như hầm chứa tên lửa, hầm chỉ huy trung tâm và hầm hỗ trợ kỹ thuật. Trong số này có một silo được thiết kế để phóng tên lửa đạn đạo R-12, tầm hoạt động từ 300 đến 3.500 km.
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), R-12 là tên lửa chiến lược đầu tiên của Liên Xô sử dụng chất nổ đẩy dự trữ và hệ thống dẫn đường quán tính tự hành toàn bộ. Có khả năng phóng đi đầu đạn hạt nhân công suất megaton, nên đủ sức tấn công các mục tiêu chiến lược tầm trung một cách hiệu quả.
3. Căn cứ quân sự Ural Mountains, Mezhgorye.
Căn cứ quân sự dưới lòng đất ở vùng núi Ural Mountains, thuộc dãy Yamantau, kề cạnh thành phố Mezhgorye. Tuy kích thước thực tế vẫn còn bí mật, nhưng theo nhiều nguồn tin thì căn cứ này rộng hơn 400 dặm vuông (trên 1.000 km2).
Năm 1992, Chính phủ Mỹ đã biết căn cứ Ural Mountains của Nga. Năm 1996, tờ New York Times của Mỹ đã có bài viết về Ural Mountains. Nhờ thông tin này, các quan chức Mỹ tuyên đoán có ít nhất 10.000 lao động tham gia xây dựng với nhiều phân ban riêng biệt.
Nhiều nguồn tin tình báo Mỹ nói, Nga bắt đầu xây dựng Ural Mountains vào những năm 70 của thế kỷ trước để phục vụ mục đích lưu trữ thực phẩm và làm hầm trú ẩn hạt nhân cho các quan chức quân sự của chính phủ.
4. Boongke trú ẩn Ramenki
Theo Topsecretwriters, boongke trú ẩn Ramenki nằm sâu dưới lòng đất ở thị trấn Ramenki, cách Moscow chừng 10 km, nơi trú ẩn cho các nhà lãnh đạo Nga và gia đình họ trong các trường hợp khẩn cấp. Ramenki thường được dư luận mô tả là một thị trấn ngầm, cung cấp nơi trú ẩn cho khoảng 15.000 người trong vòng 30 năm, bởi có diện tích rộng tới 300 acres (trên 1,2 triệu m2).
Nghe đồn, boongke trú ẩn Ramenki được liên thông với Metro-2, hệ thống đường sắt ngầm bí mật được xây dựng bởi Joseph Stalin, nối thành phố dưới lòng đất với Kremlin và các sân bay chính phủ. Thực hư ra sao không biết, nhưng chính phủ Nga không thừa nhận mà cũng không phủ nhận sự tồn tại của hệ thống đường sắt nói trên.
5. Căn cứ Zhitkur – Vùng 51 của Nga
Căn cứ quân sự Zhitkur- Vùng 51 của Nga được ví như Vùng 51 hay Khu vực 51, địa danh quân sự tuyệt mật của Mỹ ở sa mạc Nevada. Zhitkur toạ lạc sâu trong lòng đất ở Kapustin Yar, phòng nghiên cứu thí nghiệm và cơ sở phóng tên lửa, tàu vũ trụ của Nga trên địa phận tỉnh Astrakhan Oblast.
Căn cứ Zhitkur luôn nằm trong danh sách các căn cứ bí mật, nhưng lại thường xuyên xuất hiện trên các trang website về thuyết âm mưu và vật thể bay không xác định (UFO). Tuy nhiên, Moscow vẫn kín tiếng về những gì liên quan đến khu phức hợp này.
Theo đồn đoán, đây là bãi thử nghiệm máy bay, tàu vũ trụ, tên lửa cùng nhiều loại vũ khí khác giống như Khu vực 51 của Mỹ. Suốt một thời gian dài, trên bản đồ chính thức của Liên Xô không có địa danh nói trên nên đến nay, sự tồn tại của Zhitkur vẫn chưa được xác nhận chính thức.
Theo Bắc Giang
Đất Việt