1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mở cửa eo biển Bosphorus: Thổ không thể làm khác

Việc đóng cửa eo biển Bosphorus sẽ không thể diễn ra lâu hơn khi mà tình hình Thổ Nhĩ Kỳ sau khi xảy ra đảo chính đã dần ổn định trở lại

Cầu bắc qua eo biển Bosphorus
Cầu bắc qua eo biển Bosphorus

Tuyến trung chuyển dầu mỏ đi qua eo biển Bosphorus tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã hoạt động trở lại sau nhiều giờ bị đóng cửa hôm 16/7 sau vụ đảo chính tại nước này.

Eo biển Bosphorus nối Biển Đen với Địa Trung Hải, là một trong những eo biển quan trọng nhất thế giới trong việc trung chuyển dầu mỏ. Ngoài ra, Hạm đội Biển Đen của Nga muốn tới Syria chỉ có một con đường độc đạo duy nhất là đi qua eo biển Bosphorus, sau đó vượt qua tiếp eo biển Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ, để ra ngoài Địa Trung Hải.

Đại diện của công ty Transneft (Nga) cho biết tại Novorossiisk, cảng chính ở Biển Đen, hoạt động chuyên chở vẫn diễn ra bình thường và số lượng tàu chở dầu neo gần cảng đã đủ để vận hành liên tục cho đến 25/7, bất chấp những diễn biến tại Bosphorus.

Việc đóng cửa eo biển Bosphorus sẽ không thể diễn ra lâu hơn khi mà tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi xảy ra vụ đảo chính đã dần ổn định trở lại. Bởi nếu trong trường hợp Ankara đóng cửa eo biển này sẽ đồng nghĩa với việc ban bố tình trạng chiến tranh và xác định Nga là đối tượng tác chiến hoặc đồng minh với kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều này nằm trong Công ước Montreux được ký kết giữa các nước Australia, Anh, Bulgaria, Pháp, Nhật, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Xô và Nam Tư, Italia vào năm 1936, nhằm xác lập chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ tại các eo biển Bosporus và Dardanelles, đồng thời duy trì nguyên tắc tự do đi lại và giao thông trên biển.

Theo Công ước này, trong thời bình, các tàu được tự do đi lại qua eo biển không thu phí và thuế. Giả sử trường hợp chiến tranh khu vực và chiến tranh thế giới xảy ra, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không tham chiến thì quyền đi lại của các tàu thương mại qua eo biển vẫn được đảm bảo.

Thổ sẽ không dại dột

Thổ Nhĩ Kỳ có quyền đóng eo biển, ngăn cản, không cho tàu quân sự của nước ngoài đi qua, chỉ trong trường hợp công bố chiến tranh. Giả sử, Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp là một bên tham chiến, khi đó tàu bè của kẻ thù và các nước đồng minh với kẻ thù của Ankara sẽ bị cấm đi lại qua các eo biển này.

Phía Ankara sẽ không ''dại dột'' mà thực hiện điều này bởi thực lực quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ không bằng một phần của Nga. Thêm vào đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dám đơn độc đối đầu với Moscow mà phải dựa vào sự hậu thuẫn của NATO. Điều này sẽ kéo NATO vào một cuộc chiến cực kỳ vô bổ và gây ra hậu quả thảm khốc, và chắc chắn Washington sẽ không để điều này xảy ra.

Chỉ cần 1 hành động nhỏ từ phía Ankara cũng có thể khơi mào cho một cuộc chiến mới
Chỉ cần 1 hành động nhỏ từ phía Ankara cũng có thể khơi mào cho một cuộc chiến mới

Thêm vào đó, hồi đầu tháng 6, tàu khu trục USS Porter của Hải quân Mỹ đã tiến vào Biển Đen, dẫn tới sự phản ứng khá nặng nề từ phía Nga. Thổ Nhĩ Kỳ và Romania cũng được xem sẽ thúc đẩy sự hiện diện lớn hơn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong vùng biển này.

Để đáp trả việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường hoạt động tại Baltic và Biển Đen, Nga sẽ triển khai hai hệ thống radar "Podsolnukh" siêu tối tân tại những khu vực này. Theo hãng tin Interfax của Nga ngày 5/7 dẫn nguồn tin quân đội nước này cho biết năm 2017, Nga sẽ đưa vào trực chiến hai hệ thống "Podsolnukh" có khả năng kiểm soát khu vực ven biển rộng 200 hải lý tại Baltic và Biển Đen.

Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, chỉ cần một hành động nhỏ từ phía Ankara cũng có thể khơi mào cho một cuộc chiến mới. Điều này sẽ khiến không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ chịu thiệt hại nặng nề mà còn khiến cả Nga và NATO rơi vào ''tình cảnh lưỡng bại câu thương''.

Trước đó, hồi cuối tháng 11 năm ngoái, một chiếc tàu vận tải mang tên “Yauza” của Hải quân Nga đã chạm mặt với một tàu ngầm thông thường của Thổ Nhĩ Kỳ, đang được một tàu tuần duyên của cảnh sát biển nước này hộ tống, khi đang di chuyển qua eo biển Dardanelles. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã ép buộc các tàu Nga phải đợi nhiều giờ mới cho phép đi qua eo biển Bosphorus.

Việc này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga - Thổ sau sự kiện tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga khi đang tiến hành không kích các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS. Sự kiện này đã đặt ra câu hỏi, liệu Ankara có đóng cửa eo biển Bosphorus, nơi được coi là tử huyệt của Moscow hay không, thế nhưng điều này đã không xảy ra.

Bosphorus là một eo biển có chiều dài 31 km, ngăn cách giữa châu Á và châu Âu. Nó có chiều rộng lớn nhất 3,7 km ở lối vào phía bắc (từ Biển Đen ra) và nhỏ nhất là 0,75 km nằm giữa hai pháo đài Anadoluhisari và Rumelihisari; độ sâu dao động trong khoảng 36 - 124m tính theo giữa luồng.

Với vị trí chiến lược quan trọng nối liền biển Đen và biển Marmara (để ra Địa Trung Hải), khiến nơi đây từ lâu trở thành một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Ước tính mỗi năm có trên 50.000 lượt tàu qua lại giữa biển Marmara và biển Đen.

Theo thống kê, khoảng 3% nguồn cung dầu mỏ thế giới được vận chuyển qua eo biển này và chủ yếu là từ Nga và biển Caspi. Bên cạnh đó, ngũ cốc của Nga và Kazakhstan cũng được vận chuyển qua Bosphorus để cung cấp cho thị trường thế giới.

Theo Lê Vũ

Đất Việt