1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kỹ thuật quân sự tiên tiến 'trôi về' Trung Quốc như thế nào? (Kỳ 2)

Đây là một cách để Trung Quốc có được những kỹ thuật nhạy cảm. Người Mỹ rất phẫn nộ trước những cách thức mà Trung Quốc sử dụng để ăn cắp bản quyền công nghệ.

Chào mời các xí nghiệp kỹ thuật cao đến đầu tư

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói: “Mỹ là quốc gia sáng tạo hàng đầu thế giới, chúng tôi rất ủng hộ người Trung Quốc sáng chế; nhưng chúng tôi không thể ngờ họ không cạnh tranh tự do trên nền tảng kinh tế thị trường, mà cưỡng ép các xí nghiệp Mỹ ở nước họ chuyển giao những kỹ thuật có bản quyền.

Thủ đoạn của họ là: yêu cầu xí nghiệp Mỹ hợp doanh với công ty Trung Quốc, coi đó là điều kiện tiền đề để vào thị trường Trung Quốc; sau đó hạn chế người Mỹ không được nắm giữ quá 50% cổ phần công ty; có khi họ ghi điều khoản chuyển nhượng kỹ thuật vào hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Công ty Mỹ ở Trung Quốc bị ép buộc phải trao bản quyền phát minh, các thành quả nghiên cứu mới nhất và bí quyết kỹ thuật của mình”.

Tờ “Thời báo New York” ngày 13/2/2017 đưa tin: Hãng chế tạo linh kiện bán dẫn Global Foundries có trụ sở ở California tuyên bố đầu tư hạng mục 10 tỷ USD ở Trung Quốc. Việc một xí nghiệp nước ngoài chuyên sản xuất chất bán dẫn di chuyển tới Trung Quốc được quyết định bởi chính phủ nước này và chính quyền cấp tỉnh. Để lôi kéo bằng được, họ đã chi hàng tỷ USD hỗ trợ.


Trung Quốc có được kỹ thuật phóng máy bay trên tàu sân bay từ Anh

Trung Quốc có được kỹ thuật phóng máy bay trên tàu sân bay từ Anh

Tờ báo này số ra ngày 8/8/2017 đã đăng bài điều tra nêu rõ: để được phê chuẩn vào thị trường Trung Quốc, công ty Mỹ bị ép phải chuyển nhượng kỹ thuật, thành lập công ty chung vốn, giảm giá và giúp xí nghiệp bản địa Trung Quốc. Những hành động này tạo thành cơ sở của “kế hoạch Hùng vĩ”. Kế hoạch này nhằm mục đích đảm bảo cho các xí nghiệp, quân đội có được các kỹ thuật cốt lõi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và vật liệu bán dẫn.

Bài báo còn vạch rõ: chính phủ Trung Quốc và công ty kỹ thuật hàng đầu của Mỹ Qualcomn cùng nhau thành lập Công ty bán dẫn Hoa Tâm. Phía Trung Quốc cung cấp nhà xưởng và hỗ trợ vốn đầu tư, Qualcomm bỏ ra kỹ thuật và 140 triệu USD vốn khởi động. Qualcomm chấp thuận trao nghiệp vụ chế tạo công nghệ cao cho đối tác Trung Quốc và cam kết giúp Trung Quốc nâng cao năng lực kỹ thuật.

Thời báo New York chỉ rõ, điều mà dân chúng Mỹ lo ngại là hành vi hợp tác của xí nghiệp Mỹ với Trung Quốc có thể gieo rắc mầm mống tự hủy diệt và trao cho họ những kỹ thuật then chốt về quân sự, hàng không vũ trụ là cơ sở cho kế hoạch quốc phòng của Mỹ.

Lôi kéo các nhân tài kỹ thuật cao ở nước ngoài

Theo Nhân dân Nhật báo, hồi tháng 5/2015, Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị công tác mặt trận thống nhất trung ương, nêu rõ: các nhân viên du học ở nước ngoài là mục tiêu mới của công tác mặt trận, là đối tượng chú trọng đoàn kết; đối với họ không chỉ cần đoàn kết, mà phải cần bồi dưỡng, sử dụng.

Một biện pháp được sử dụng để lôi kéo các học giả người Hoa ở nước ngoài là “Kế hoạch ngàn người”. Xem xét trong danh sách “Kế hoạch ngàn người” thì rất nhiều nhân sĩ giới kỹ thuật cao là các giáo sư của các trường đại học danh tiếng, các nhân viên nghiên cứu của các công ty nổi tiếng. Tiêu biểu như Chu Tuệ Long ở Trung tâm nghiên cứu và phát triển bán dẫn của hãng IBM; Trần Đông Mẫn – nhà hoạch định chiến lược hàng đầu của Công ty bán dẫn MEMSIC Mỹ; Giáo sư Thẩm Kiến, chuyên gia nghiên cứu vật liệu Nano từ tính của Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Oak Ridge National Laboratory.

Điều kiện của “Kế hoạch ngàn người” bao gồm các chuyên gia, học giả, chuyên viên viện nghiên cứu đảm nhiệm chức vụ tương đương giáo sư ở các trường đại học danh tiếng; các kỹ thuật viên ưu tú ở các công ty nổi tiếng, những nhân tài nắm giữ bản quyền sáng chế hoặc các kỹ thuật cốt lõi hiện đang sống, làm việc ở nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc dùng các chính sách ưu đãi lớn để thu hút các nhân tài kỹ thuật cao ở nước ngoài tham gia kế hoạch này, một công trình có thể nhận được hỗ trợ 1 lần tới 1 triệu NDT (3,5 tỷ VND).

Gần đây, việc các học giả người Hoa ở Mỹ tham gia “Kế hoạch ngàn người” đã bị FBI chú ý. Tháng 9/2017, Giáo sư gốc Hoa Trương Dĩ Hằng ở Khoa công trình sinh vật, Đại học Virginia đã bị FBI bắt giữ và bị cáo buộc nhiều tội lừa dối chính phủ liên bang. Trương Dĩ Hằng từ năm 2015 được Đại học Virginia ký hợp đồng.

Công trình nghiên cứu của ông ta liên quan đến Bộ Năng lượng và các cơ quan nghiên cứu quan trọng như Văn phòng nghiên cứu khoa học Không quân, Trung tâm nghiên cứu thiết bị Đại học Quốc phòng. Ông ta cũng là nghiên cứu viên của Sở nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp sinh vật Viện Khoa học Thiên Tân Trung Quốc. Trang web của sở nghiên cứu này còn nêu rõ Trương Dĩ Hằng đã được chọn đưa vào chương trình “Kế hoạch ngàn người” đợt thứ 12 của thành phố Thiên Tân.

Một trường hợp khác là Trương Hạo, Giáo sư Đại học Thiên Tân bị bắt khi nhập cảnh Mỹ hồi tháng 5/2015. Phía Mỹ cáo buộc Trương Hạo và một giáo sư khác cùng trường là Long Úy đã sử dụng kinh phí của Bộ Quốc phòng Mỹ để nghiên cứu kỹ thuật màng mỏng đo sóng âm thanh (FBAR) trong thời gian học lấy bằng Tiến sỹ ở một trường đại học Nam Cali. Sau khi tốt nghiệp, Long Úy về làm việc tại Công ty kỹ thuật cao Avago Technologies ở Colorado; Trương Hạo thì vào làm tại Công ty tư vấn Skyworks Solution Massachuset; cả hai đều là kỹ sư FBAR.


 Hội sở Công ty Quantuum ở Sandiego

Hội sở Công ty Quantuum ở Sandiego

Kỹ thuật FBAR rất quan trọng, được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự và thông tin quốc phòng. Công ty Avago Technologies là hãng cung ứng toàn cầu về kỹ thuật thiết kế, khai thác FBAR, thế nhưng Long Úy sau khi về Trung Quốc đã được lựa chọn tham gia “Kế hoạch ngàn người”.

Hãng VOA của Mỹ đưa tin: căn cứ bản khởi tố của viện công tố, năm 2008, các quan chức Trung Quốc đã tới San Jose, California để tiếp xúc với Trương Hạo, Long Úy và mấy người đồng mưu khác. Ít lâu sau, Đại học Thiên Tân đồng ý tài trợ cho họ mở cơ sở sản xuất FBAR ở Trung Quốc, còn hai người vẫn ở lại Mỹ làm việc trong các công ty cũ, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Đại học Thiên Tân.

Năm 2009, 2 người từ chức ở các công ty Mỹ, trở thành giáo sư chính thức của Đại học Thiên Tân. Bản khởi tố cáo buộc Trương Hạo, Long Úy và mấy kẻ đồng mưu đã lấy cắp công thức điều chế, quy cách kỹ thuật, báo cáo, bản vẽ thiết kế và các văn kiện cơ mật của các công ty bị hại, chuyển chúng cho Đại học Thiên Tân phân hưởng. Bản khởi tố nêu rõ phía bị hại là 2 công ty cũ nơi Hạo và Úy làm việc.

Theo Lan Hương

Báo Pháp luật Việt Nam