Không chỉ Biển Đông, Trung Quốc muốn “nuốt trọn” biển Hoa Đông
Việc Nhật Bản công bố Sách trắng Quốc phòng tố cáo tham vọng độc chiếm Biển Đông và Hoa Đông của Trung Quốc đã khiến cả thế giới phải chú ý.
Đe dọa an ninh Biển Đông và biển Hoa Đông
Cuốn Sách trắng cũng chỉ trích mạnh mẽ “những động thái đơn phương của Trung Quốc ở biển Hoa Đông”, nơi cả Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa phân định được rõ ràng về Vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước do tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo Sách trắng quốc phòng Nhật Bản 2015, “Trung Quốc đã tiếp tục sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng trong khu vực và đã đơn phương đưa ra những yêu sách chủ quyền phi lý và có những động thái hung hăng bất chấp sự phản đối kịch liệt của các nước có liên quan”.
Trước đó, nhiều nước Đông Nam Á cũng đã có những tuyên bố tương tự như vậy nhằm tố cáo động thái cải tạo phi pháp các bãi đá trên Biển Đông thành các đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Không những vậy, Trung Quốc còn xây dựng rất nhiều công trình trên các bãi đá này và “lấp liếm” rằng các công trình này chỉ nhằm vào mục đích dân sự và hỗ trợ tàu bè, ngư dân các nước qua lại đây bất chấp thực tế đã có rất nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy các công trình này bao gồm cả các trạm radar và các trại lính.
Trong khi cả thế giới đang chú tâm vào những động thái đang “nóng lên từng ngày” ở Biển Đông, việc công bố Sách trắng quốc phòng 2015 cho thấy, Nhật Bản muốn cả thế giới không vô tình “bỏ quên” mối nguy hại nhãn tiền của Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Xây giàn khoan, Trung Quốc muốn “vây bọc” biển Hoa Đông
Một động thái rất đáng chú ý được nêu trong bản Sách trắng quốc phòng Nhật Bản 2015 là việc Trung Quốc từ năm 2013 đã bắt tay vào xây dựng nhiều giàn khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi biển Hoa Đông.
Nhật Bản khẳng định rằng, hành động này của Trung Quốc vi phạm thỏa thuận mà hai bên đã ký năm 2008, trong đó Trung Quốc và Nhật Bản thống nhất cùng khai thác và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên ở biển Hoa Đông.
“Nhật Bản đã nhiều lần gửi công hàm phản đối hành động đơn phương khai thác tài nguyên của Trung Quốc và yêu cầu nước này ngừng ngay hoạt động xây dựng các công trình thăm dò và khai thác dầu khí lại”, cuốn Sách trắng quốc phòng nêu rõ.
Bộ Trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã từng tuyên bố: “Trung Quốc có thể đưa các trạm radar lên các giàn khoan nói trên và sử dụng các trạm radar này làm nơi điều hành các trực thăng và máy bay không người lái của nước này thực thi các hoạt động do thám ở biển Hoa Đông”.
Theo ông Gen Nakatami, những công trình này còn có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc dễ dàng tiếp cận trái phép các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nhật Bản.
Khi được hỏi tại sao Nhật Bản quyết định bổ sung thêm nhiều thông tin trong bản Sách trắng quốc phòng 2015, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Suga cho biết, Tokyo buộc phải làm vậy sau khi Bắc Kinh liên tục phớt lờ những yêu cầu dừng mọi hoạt động xây dựng các công trình này trên biển Hoa Đông.
Ngoài ra, một quan chức Chính phủ Nhật Bản chia sẻ trên tờ Yomiuri Shimbun rằng: “Tốt hơn hết là nên công khai toàn bộ thông tin này ra cộng đồng quốc tế để làm bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang “để mắt” đến biển Hoa Đông trong khi vẫn tìm cách “nuốt trọn” Biển Đông”.
Nói cách khác, Nhật Bản đang “học theo Philippines” nhằm hướng sự chú ý của thế giới vào những động thái hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trung Quốc vẫn không ngừng bao biện
Trong khi đó, Trung Quốc lại lên tiếng chỉ trích bản Sách trắng Quốc phòng 2015 của Nhật Bản và đưa ra hàng loạt những lý lẽ nhằm bao biện cho việc Nhật Bản coi Trung Quốc là “mối đe dọa về an ninh ở Biển Đông và biển Hoa Đông”.
Liên quan đến việc Trung Quốc liên tục điều tàu và máy bay tuần tra trên biển Hoa Đông, ông Lục ngang nhiên cho rằng: “Quần đảo Điếu Ngư (nơi xảy ra tranh chấp về chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc mà Nhật Bản gọi là Senkaku) rõ ràng thuộc về lãnh thổ Trung Quốc từ rất lâu rồi. Việc tuần tra của Trung Quốc là hoạt động thực thi pháp luật hợp pháp của nước này trong vùng biển của mình”.