1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Kế hoạch thống trị đại dương

Vài ngày trước khi chuyển giao quyền lực, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông qua khoản kinh phí “khủng” lên tới 129 tỷ USD để phát triển đội tàu ngầm hạt nhân gồm 12 chiếc nhằm giúp nước Mỹ thống trị đại dương trong tương lai.

Cơ sở đóng tàu ngầm của Mỹ tại bang Connecticut
Cơ sở đóng tàu ngầm của Mỹ tại bang Connecticut

Đây là chương trình quốc phòng đắt đỏ thứ ba của Mỹ, sau kế hoạch chế tạo chiến đấu cơ F-35 trị giá 379 tỷ USD và mạng lưới phòng thủ tên lửa đạn đạo đa nhiệm (153 tỷ USD). Lớp tàu mới sẽ mang tên Columbia, thay cho lớp tàu ngầm Ohio thế hệ cũ hiện đang là xương sống của lực lượng hải quân chiến lược Mỹ.

Với chiều dài 171m và độ choán nước 20.810 tấn, tàu ngầm lớp Columbia được trang bị 16 tên lửa Trident II D5 mang đầu đạn hạt nhân. Nhờ lò phản ứng hạt nhân được cải tiến, Columbia sẽ không cần tiếp liệu giữa chừng trong suốt vòng đời hoạt động kéo dài 42 năm. Columbia sẽ có những khả năng vượt trội như tuần tra bí mật dưới đáy biển và có khả năng sinh tồn cao để đáp trả được các đợt tấn công hạt nhân từ đối phương.

Việc Mỹ quyết định chi mạnh tay cho chương trình đóng tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia không gì khác nhằm tìm kiếm lợi thế trước thế lực tàu ngầm Nga đang ngày càng lớn mạnh. Mặc dù theo các chuyên gia quân sự, trên thế giới hiện chỉ có mình lực lượng tàu ngầm hạt nhân Mỹ là có sức mạnh trên cơ hạm đội tàu ngầm Nga. Tuy nhiên, ưu thế này đang bị thách thức nghiêm trọng.

Sau nhiều năm ngừng hoạt động thời hậu chiến tranh lạnh, ngành đóng tàu ngầm của Nga đang hồi sinh mạnh mẽ. Hiện nay, Nga sở hữu hơn 70 chiếc tàu ngầm hạt nhân và thông thường, được chế tạo theo công nghệ đỉnh cao nhất của thế giới, đặc biệt là lớp vỏ tàu khử từ bằng Titan.

Gần đây, Nga còn cho ra đời hai loại tàu ngầm mới thuộc thế hệ thứ tư rất thành công. Năm 2013, Hải quân Nga đã nhận được các tàu ngầm chiến lược lớp Borey mang tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) Bulava cũng như các tàu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên của đề án Yasen mang nhiều tên lửa hành trình tấn công mặt đất như RK-55 Granat, P-800 Onyx hay Kaliber-S…

Ngay cả một loại tàu ngầm thế hệ cũ của Nga là tàu ngầm đề án 941 Akula cũng đã khiến phương Tây phải thán phục. Chiếc tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới này là một điển hình về trình độ kỹ thuật hoàn hảo và độ lặn sâu tới 500 mét, hoạt động độc lập dưới đáy biển suốt 180 ngày đêm. Con tàu có sức mạnh kinh hoàng với 20 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm phóng 8.500km. Mỗi quả tên lửa mang 10 đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn công suất 100kiloton. Tổng cộng con tàu trang bị 200 đầu đạn hạt nhân, với tổng sức công phá 20.000kiloton.

Điều đó giải thích tại sao Washington nóng lòng cho ra đời thế hệ tàu ngầm mới lớp Columbia. Đánh giá về vai trò của lớp tàu Columbia, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson nhận định: “Đây là cơ sở cho sự tồn tại của quốc gia”. Vị Đô đốc này khẳng định: “Không có nó chúng ta có thể bị quốc gia khác đe dọa hoặc ép buộc; quốc gia khác có thể treo nguy cơ hạt nhân này lơ lửng trên đầu chúng ta”.

Với sự chuẩn thuận kinh phí từ Lầu Năm Góc, công tác thiết kế chi tiết và sản xuất đội tàu lớp Columbia đã chính thức bắt đầu. Chiếc đầu tiên dự kiến được đóng mới vào năm 2021 và đi vào tuần tra tác chiến lần đầu trong năm 2030. Một trong những sứ mệnh chính của tàu ngầm lớp Columbia là duy trì khả năng răn đe hạt nhân chiến lược, nhằm đảm bảo khả năng trả đũa của Mỹ trong trường hợp bị tấn công phủ đầu.

Được biết kế hoạch đóng tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ngay khi mới đắc cử, ông Trump đã hứa sẽ mang đến cho Hải quân Mỹ sức sống mới với những chương trình đóng tàu đầy tham vọng.

Theo Hoàng Sơn

An ninh thủ đô