1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Syria:

Hòa bình vẫn xa tầm với

Thỏa thuận ngừng bắn-được xem là cơ hội chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria, đã chính thức kết thúc tối 19-9 (theo giờ Việt Nam) với tuyên bố kết thúc lệnh ngừng bắn của lực lượng quân đội Chính phủ Syria.

Theo Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria, tuyên bố của quân đội chính phủ nhấn mạnh lệnh ngừng bắn đã chấm dứt, đồng thời cáo buộc các nhóm phiến quân không hề thực hiện điều khoản nào trong thỏa thuận ngừng bắn.

Mặc dù lệnh ngừng bắn kéo dài 7 ngày, song các nhóm phiến quân đã hơn 300 lần vi phạm. Chính quyền Syria cho rằng, các nhóm khủng bố đã lợi dụng lệnh ngừng bắn để tái tập hợp lực lượng, trong khi đó, các nhóm phiến quân tiếp tục những cuộc tấn công vào dân thường và vị trí của quân đội ở một số khu vực, trong đó có thành phố Aleppo.

Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov làm trung gian đạt được vào rạng sáng 10-9, sau cuộc đàm phán kéo dài gần 13 giờ tại Geneva, Thụy Sĩ. Thỏa thuận mang tính đột phá này kêu gọi ngừng giao tranh trên khắp Syria và tăng cường viện trợ nhân đạo cho thành phố Aleppo, miền Bắc Syria.

Xe cứu trợ của Liên hợp quốc hứng chịu vụ không kích tại phía Tây Aleppo ngày 20-9. Ảnh: Reuters
Xe cứu trợ của Liên hợp quốc hứng chịu vụ không kích tại phía Tây Aleppo ngày 20-9. Ảnh: Reuters

Kể từ sau khi thỏa thuận này có hiệu lực vào tối 12-9, bạo lực đã giảm đáng kể tại các mặt trận chính. Tuy nhiên, đụng độ vẫn nổ ra vào cuối tuần qua tại các tỉnh miền Trung Syria như Hama và Homs, cũng như phía Đông thủ đô Damascus.

Căng thẳng leo thang khi không quân của liên quân do Mỹ đứng đầu ngày 17-9 không kích nhầm vào các vị trí của lực lượng quân đội Chính phủ Syria tại khu vực cách sân bay Deir Ezzor 6km về phía Nam, khiến 62 người thiệt mạng và 98 người bị thương.

Đại diện của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vitaly Churkin cáo buộc Mỹ đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đưa ra tuần trước mà Washington và Moskva làm trung gian. Ông Churkin gọi vụ không kích là "điềm xấu" cho thỏa thuận Mỹ-Nga để dừng cuộc chiến ở Syria vốn kéo dài suốt hơn 5 năm qua khiến khoảng 300.000 người thiệt mạng.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, các máy bay của liên quân không chủ ý tấn công các mục tiêu quân đội Syria, chỉ vì nhầm lẫn đó là mục tiêu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Về thỏa thuận ngừng bắn, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, vẫn còn quá sớm để nói thỏa thuận đã kết thúc, bởi với vai trò là trung gian thỏa thuận, chỉ Nga và Mỹ có thể tuyên bố kết thúc lệnh ngừng bắn này.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa đầy 2 giờ đồng hồ sau khi quân đội Syria tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn, đêm 19-9, các hoạt động không kích và bắn phá dữ dội đã diễn ra tại những khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở Aleppo và các khu làng mạc lân cận. Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), giao tranh tái diễn đã gây ra một số thương vong.

Trong khi đó, LHQ, ngày 20-9 đã tuyên bố tạm ngừng mọi hoạt động viện trợ nhân đạo ở Syria sau khi xảy ra vụ không kích nhằm vào các xe tải chở hàng cứu trợ gần Aleppo khiến nhiều người thiệt mạng.

Theo hãng tin AFP của Pháp, vụ việc xảy ra ngày 19-9. Đoàn xe cứu trợ của LHQ và Tổ chức Chữ thập đỏ A-rập Syria (SARC) đang trên đường tới thị trấn Orum al-Kubra thuộc tỉnh Aleppo để phân phát hàng cứu trợ cho 78.000 người dân tại đây thì bị tấn công.

Ít nhất 18 xe tải trong đoàn xe 31 ô tô chở hàng cứu trợ đã bị trúng bom khiến nhiều người chết và bị thương. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria cho biết, 12 nhân viên cứu trợ và tài xế đã thiệt mạng trong vụ tấn công này, song LHQ chưa xác nhận con số thương vong.

Đặc phái viên LHQ về Syria, Staffan de Mistura đã bày tỏ sự tức giận về vụ tấn công nói trên khi cho rằng đoàn xe cứu trợ này đã trải qua quá trình xin phép rất lâu và đang chuẩn bị tới giúp đỡ những người dân bị cô lập.

Phụ trách chương trình cứu trợ của LHQ Stephen O'Brien đã bày tỏ lo ngại về vụ việc, đồng thời kêu gọi các bên xung đột tại Syria thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo vệ các nhân viên cứu trợ, dân thường và các cơ sở hạ tầng dân sự theo đúng luật nhân đạo quốc tế. Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết, một nhà kho của SARC cũng đã bị tấn công.

Những diễn biến phức tạp sau khi lệnh ngừng bắn chấm dứt tại Syria đã cho thấy hòa bình ở đất nước Trung Đông này vẫn còn xa tầm với.

Theo Ngọc Thư

Quân đội nhân dân