1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Hiểm họa từ những “điểm nóng” hạt nhân âm ỉ trên thế giới

(Dân trí) - Mặc dù kho vũ khí hạt nhân toàn cầu đã giảm đi đáng kể từ sau Chiến tranh Lạnh nhưng các chuyên gia tin rằng tất cả các nước sở hữu vũ khí hạt nhân đều đang tìm cách hiện đại hóa kho vũ khí này

Số lượng vũ khí hạt nhân ước tính của các quốc gia trên thế giới hiện nay (Ảnh: BBC)
Số lượng vũ khí hạt nhân ước tính của các quốc gia trên thế giới hiện nay (Ảnh: BBC)

Lầu Năm Góc ngày 2/2 đã công bố chiến lược mới về hạt nhân với nội dung kêu gọi tăng cường năng lực hạt nhân để đối phó Nga. Theo đó, Mỹ dự kiến sẽ phát triển các loại bom hạt nhân theo hướng nhỏ gọn hơn.

Mặc dù kho vũ khí hạt nhân toàn cầu đã giảm đi đáng kể từ sau Chiến tranh Lạnh, nhưng hiện vẫn còn hàng trăm đầu đạn hạt nhân có thể được phóng đi vào bất kỳ thời điểm nào. Các chuyên gia tin rằng tất cả các nước sở hữu vũ khí hạt nhân đều đang tìm cách hiện đại hóa kho vũ khí của mình hoặc lên kế hoạch như vậy.

Trong khi các quốc gia thường giấu thông tin bí mật về kho vũ khí hạt nhân, ước tính vẫn còn 9 nước sở hữu hơn 9.000 vũ khí hạt nhân sử dụng cho các hoạt động quân sự trên thế giới hiện nay. Các vũ khí này có thể được đem ra sử dụng hoặc lưu trữ trong kho. Nếu được triển khai, chúng sẽ được gắn trên các tên lửa hoặc đặt tại các căn cứ không quân. Ước tính có khoảng 1.800 vũ khí hạt nhân ở trong tình trạng báo động cao và có thể được phóng đi mà gần như không có sự cảnh báo trước.

Mỹ và Nga là hai nước sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, nếu tính cả những đầu đạn hạt nhân “nghỉ hưu” và đang chờ tiêu hủy, tổng số đầu đạn hạt nhân của các nước trên thế giới lên tới gần 15.000 đầu đạn. So với số lượng kỷ lục 70.000 đầu đạn hạt nhân vào những năm 1980, có thể thấy con số này đã giảm đi đáng kể ở thời điểm hiện tại.

Hiệp ước NPT

Từ năm 1970, 190 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc đã gia nhập Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Ấn Độ, Israel và Pakistan chưa từng ký hiệp ước này còn Triều Tiên đã rời khỏi hiệp ước năm 2003. NPT công nhận 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc. Cả 5 nước này từng thử nghiệm vũ khí hạt nhân trước khi NPT có hiệu lực.

Các nước thành viên của NPT cam kết không duy trì kho vũ khí hạt nhân vĩnh viễn. Ngoài ra, hiệp ước cũng cấm các quốc gia chưa được NPT công nhận là sở hữu vũ khí hạt nhân phát triển loại vũ khí này. Nam Phi cùng một số nước thuộc Liên Xô trước đây như Belarus, Kazakhstan và Ukraine đều đã từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Giải giáp vũ khí

Phiên khai mạc của hội nghị thượng định an ninh hạt nhân do Mỹ đăng cai tổ chức năm 2016 ở Washington (Ảnh: UN)
Phiên khai mạc của hội nghị thượng định an ninh hạt nhân do Mỹ đăng cai tổ chức năm 2016 ở Washington (Ảnh: UN)

Theo BBC, cả Anh, Mỹ và Nga đều đã cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ cho biết trong khi kho vũ khí hạt nhân của Israel và Pháp gần như không thay đổi, Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ và Triều Tiên được cho là đã chế tạo thêm.

Theo các chuyên gia, mặc dù có thể không mở rộng thêm nhưng tất cả các nước sở hữu vũ khí hạt nhân đều đang có kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí này, bất chấp quy định của hiệp ước NPT.

Cụ thể, Anh đang lên kế hoạch thay thế hạm đội tàu ngầm hạt nhân Vanguard vốn được trang bị tên lửa hạt nhân Trident của nước này. Dự kiến kho vũ khí hạt nhân của Anh sẽ giảm xuống còn chưa đầy 180 vũ khí vào giữa thập niên 2020.

Trong khi đó, Mỹ được cho là chi hơn 1.000 tỷ USD từ nay đến những năm 2040 để nâng cao năng lực hạt nhân của nước này. Một số đầu đạn hạt nhân của Mỹ có thể sẽ hiện diện ở cả khu vực châu Âu như Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở khu vực châu Á, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 cũng là vụ thử mạnh nhất của nước này vào tháng 9 năm ngoái. Cộng đồng quốc tế vẫn đang để ngỏ khả năng Bình Nhưỡng đạt được công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo tầm xa.

Trong những tháng gần đây, Triều Tiên đã cho thấy năng lực vũ khí vượt trội của nước này khi “trình làng” những tên lửa ngày càng hiện đại, thậm chí có thể đặt toàn bộ lãnh thổ Mỹ vào tầm tấn công.

Thế giới phi hạt nhân?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vật thể được cho là đầu đạn tên lửa (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vật thể được cho là đầu đạn tên lửa (Ảnh: Reuters)

Vài tháng trước khi nhậm chức, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố trước hàng nghìn người ở Prague, Séc rằng dưới sự giám sát của ông, Mỹ sẽ cam kết “xây dựng một thế giới hòa bình và an toàn mà không có vũ khí hạt nhân”. Tham vọng này của ông Obama tưởng chừng đã gần như đạt được vào tháng 7/2017 khi có hơn 100 quốc gia trên thế giới nhất trí thông qua một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc.

Cho đến nay, hàng chục quốc gia đã chính thức đặt bút ký để hiệp ước của Liên Hợp Quốc có giá trị ràng buộc về pháp lý. Những người ủng hộ hiệp ước đã ca ngợi đây là một thỏa thuận mang tính đột phá của Liên Hợp Quốc, trong khi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đồng loạt tẩy chay thỏa thuận này.

Anh và Mỹ khẳng định sẽ không bao giờ tham gia hiệp ước của Liên Hợp Quốc vì cho rằng nó làm giảm giá trị của NPT. Các nước đồng minh trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng không ủng hộ hiệp ước này.

Theo NATO, việc tìm cách cấm vũ khí hạt nhân thông qua một hiệp ước mà không có bất kỳ quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào tham gia sẽ không đảm bảo tính hiệu quả và không giúp ích cho nỗ lực hạn chế kho vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.

Tuy vậy, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vẫn ca ngợi hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân là thỏa thuận đầu tiên mang tính lịch sử về giải trừ quân bị đa phương trong vòng hơn 20 năm qua. Chiến dịch quốc tế giải trừ vũ khí hạt nhân (ICAN), tổ chức đứng sau sự ra đời của hiệp ước này, cũng đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2017.

Thành Đạt

Tổng hợp