1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đông Nam Á - chiến trường mới của IS (*):

Chuẩn bị thay đầu sỏ

Trong khi Isnilon Hapilon bệnh tật và bị bao vây ở Marawi, IS đã chuẩn bị người thừa kế: TS Mahmud bin Ahmad, cựu giảng viên cao cấp Khoa Nghiên cứu Hồi giáo trường ĐH Malaya.

Theo các nguồn tin tình báo Philippines và Malaysia, Isnilon Hapilon - đương kim thủ lĩnh IS ở Đông Nam Á, bị quân đội Philippines bao vây tại Marawi - đang được một thủ lĩnh người Malaysia cầm đầu nhóm Maute (MG) giải cứu.

Đó là TS Mahmud bin Ahmad, 39 tuổi, bí danh Abu Handzalah, hiện đảm nhiệm vai trò điều phối viên các lực lượng phiến quân thân IS ở Đông Nam Á.

Tiếc cho một trí thức!

MG là một nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Philippines với đa số thành viên là đạo hữu Công giáo cải đạo Hồi. MG có những tay súng người Indonesia, Malaysia và Singapore.

Dưới sự lãnh đạo của Hapilon, MG đã tuyên thệ trung thành với IS hồi đầu năm ngoái.

TS Mahmud bin Ahmad sẽ trở thành thủ lĩnh IS mới ở Đông Nam Á. Ảnh: FMT NEWS
TS Mahmud bin Ahmad sẽ trở thành thủ lĩnh IS mới ở Đông Nam Á. Ảnh: FMT NEWS

Số phận 2 nhân vật chính của MG là Hapilon và Ahmad tại Marawi hiện không rõ ràng. Có tin Hapilon từng bị Không quân Philippines bắn trọng thương ở Basilan cách đây 2 tháng. Cũng có tin trong số 44 phiến quân bị giết cuối tháng 5-2017 tại chiến trường Marawi có TS Ahmad và 2 người Malaysia. Tuy nhiên, chính quyền Malaysia và Philippines chưa xác nhận tin này.

Trang tin Star Online (Philippines) dẫn nguồn tin tình báo Philippines và Malaysia cho biết trong trường hợp Hapilon qua đời, TS Ahmad sẽ là người thay thế lãnh đạo các nhóm phiến quân thân IS ở Đông Nam Á.

Ở Malaysia, nhiều người lấy làm tiếc cho TS Ahmad - một trí thức trẻ, từng du học ở Pakistan và khi trở về nước làm giảng viên cao cấp tại Universiti Malaya, trường ĐH cổ xưa và nổi tiếng nhất của Malaysia. Với 2 bằng cử nhân, một bằng thạc sĩ, một bằng tiến sĩ và chức vụ giảng viên cao cấp, Ahmad đáng được giới trẻ xem là hình mẫu để noi theo.

Thật đáng tiếc, Ahmad lại đi theo con đường thánh chiến và trở thành một tên khủng bố đáng gờm. Ahmad là kẻ tuyển mộ nhiều thanh niên Malaysia đưa đi Syria, Iraq để đào tạo thành chiến binh thánh chiến và tham gia những cuộc chiến tại đây. Trong đó, một thanh niên tên Ahmad Tarmimi Maliki đã tình nguyện trở thành kẻ đánh bom liều chết đầu tiên của Malaysia.

Các đồng nghiệp của Ahmad ở trường ĐH Malaya cho biết, y bắt đầu công khai tuyên truyền về thánh chiến từ cuối năm 2013 qua bài báo "Đức tin của chiến binh thánh chiến". Y còn thành lập trường Hồi giáo có tên Trung tâm Mở Tahfiz, phổ biến tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Tháng 7-2014, Ahmad vượt biên sang Philippines mang theo kế hoạch thành lập một phân nhánh IS ở Đông Nam Á bằng cách thống nhất các nhóm khủng bố tại Malaysia, Indonesia và Philippines.

Cuộc đời của TS Ahmad đặt ra một câu hỏi đau đầu cho các chuyên gia chống khủng bố: "Tại sao một người có học vấn cao và có tương lai xán lạn như Ahmad lại chọn con đường nguy hiểm, tự hủy hoại mình bằng cách gia nhập IS?"

Ahmad nhiễm tư tưởng cực đoan khi miệt mài trên giảng đường ĐH Hồi giáo ở Islamabad - Pakistan vào cuối thập niên 1990. Y từng tham gia khóa huấn luyện chiến binh thánh chiến của Osama bin Laden ở Afghanistan trước khi trở về Malaysia dạy học.

Nhìn dưới góc độ đó, có thể nói Ahmad đã bị các nhà truyền giáo nước ngoài theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tẩy não. Ahmad cũng bị ảnh hưởng của chiến tranh Afghanistan, Syria và Iraq. Những yếu tố này đã trả lời một phần nào câu hỏi nêu trên.

Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội an Malaysia Ahmad Zahid Hamidi từng nhận xét, thật khó lý giải tại sao không ít thanh niên Malaysia chưa hề đặt chân ra nước ngoài hay trải qua những cuộc chiến tàn khốc ở Afghanistan, Syria và Iraq, thậm chí không phải là tín đồ Hồi giáo, lại theo IS.

Đến lượt Malaysia?

Ngày 23-5, đồn cảnh sát thị trấn Rantau Panjang, miền Bắc bang Kelantan giáp biên giới Thái Lan, tiếp nhận một vị khách đặc biệt. Gã tự xưng là Muhammad Muzafa Arieff Junaidi, 27 tuổi, đến để đầu thú. Junaidi là một trong nhóm 6 nghi phạm hỗ trợ lực lượng IS nằm vùng ở Malaysia tiền bạc và vũ khí mang từ nước ngoài vào nước này. Tất cả đã bị Đội Chống khủng bố của Cảnh sát Malaysia bắt giữ cuối tháng 5.

Tổng Thanh tra Cảnh sát Tan Sri Khalid Abu Bakar cho biết: trước đó vào ngày 22-3, nông dân nuôi bò Junaidi đã trốn sang miền Nam Thái Lan qua sông Golok để giấu 2 khẩu súng và trốn tránh cảnh sát Malaysia. Junaidi được IS giao nhiệm vụ lập kho vũ khí và đạn dược tuồn từ Thái Lan vào Malaysia, có thể dùng ít nhất một năm để chuẩn bị những vụ tấn công khủng bố ở Malaysia và các nước láng giềng.

Đây là lần đầu tiên Malaysia phá vỡ một đường dây của IS tuồn vũ khí từ nước ngoài vào. Hai tên đồng bọn của Junaidi đã cao chạy xa bay cùng với ít nhất 7 khẩu súng các loại.

Theo ông Bakar, ngoài Junaidi, 5 tên khủng bố thân IS cũng bị bắt hồi cuối tháng 5. Trong đó, một cựu quân nhân đã chuyển 20.000 ringgit (106 triệu đồng) cho IS ở Syria - nơi con ông ta đang chiến đấu trong hàng ngũ IS.

Trong bối cảnh MG đánh chiếm TP Marawi và IS tổ chức 2 vụ tấn công đẫm máu nhắm vào cảnh sát Indonesia tại Jakarta, việc bắt được 6 tên khủng bố thân IS này rất có ý nghĩa.

Phó Thủ tướng Hamidi cảnh báo Malaysia phải cảnh giác cao trước những vụ tấn công khủng bố ở các nước láng giềng. Sau Philippines và Indonesia có thể đến lượt Malaysia. Theo ông, những vụ này liên quan đến cái chết của Muhammad Wanndy Mohamed Jedi, một chiến binh Malaysia được coi là kẻ điều phối các hoạt động của IS ở Đông Nam Á.

Bãi đáp của "du khách bất hảo"

Nhật báo The Straits Times dẫn các nguồn tin tình báo cảnh báo chiến binh thánh chiến nước ngoài không thể đến Syria và Iraq chiến đấu cho IS đang âm thầm đổ về Malaysia để chờ thời cơ gây án. Khoảng 30 "du khách bất hảo" bị chặn lại tại một số sân bay quốc tế với lý do "an ninh quốc gia" đã chọn đến Malaysia.

Vì Malaysia là một quốc gia Hồi giáo và đang áp dụng chính sách miễn visa cho nhiều nước để thu hút du khách, đây là thách thức lớn về mặt an ninh. Lực lượng an ninh và tình báo nước này đang theo dõi sát sao số du khách nêu trên bị Thổ Nhĩ Kỳ không cho nhập cảnh vì nghi ngờ điểm đến cuối cùng của họ là Syria.

Ông Ayob Khan Mydin Pitchay, Chỉ huy trưởng Lực lượng Chống khủng bố Malaysia, bức xúc: "Vấn đề ở đây là họ đến từ nhiều nước. Thay vì bị trục xuất trở về nguyên quán, họ được an ninh sân bay Istanbul chỉ dẫn có thể chọn Malaysia làm điểm đến tiếp theo. Thế là đất nước chúng tôi trở thành bãi đáp của những phần tử nguy hiểm".

Ông Pitchay tỏ ý nghi ngờ những kẻ bị trục xuất này tìm cơ hội tấn công khủng bố ở Malaysia sau khi kế hoạch đến Syria bị phá sản.

(Kỳ tới: Tiền đâu tác oai tác quái?)

Theo Nguyễn Cao

Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm