Đến lúc phải thừa nhận Nga thực sự là một cường quốc ?
Ngày càng có nhiều phương tiện truyền thông phương Tây thừa nhận rằng, Nga đang nổi lên như một cường quốc, và nền kinh tế của họ “không bị đổ vỡ” như trước đó đã được Tổng thống Obama ám chỉ.
"Những điều không tưởng đã trở thành hiện thực. Nga, dường như chấm hết sau khi bại trận ở thời Chiến tranh Lạnh, bây giờ lại đang nổi lên như một cường quốc tiềm năng thách thức phương Tây. Nga đã trở thành một quốc gia quyền lực lớn, lấp đầy khoảng trống mà các cường quốc khác trước đó hiện nay đã bị thu hẹp về kích cỡ, quyền lực và tầm ảnh hưởng. Các cường quốc trước đây như Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, và chính nước Mỹ bây giờ không thực sự còn là cường quốc lớn nữa", Jonathan Adelman, giáo sư tại trường nghiên cứu quốc tế Josef Korbel thuộc Đại học Denver nói trong bài báo của mình đăng trên trang web tin tức Huffington Post.
“Chính Tổng thống Nga Vladimir Putin mới thực sự là một nhà lãnh đạo sắc sảo, nhạy bén, và bên cạnh ông là Ngoại trưởng đầy tài năng Sergei Lavrov. Người đứng đầu Điện Kremlin đã kiến tạo lại khả năng quân sự của Nga bằng cách chi tiêu 49 tỷ USD mỗi năm cho an ninh. Nga vẫn giữ 1.790 vũ khí hạt nhân chiến lược. Với hơn 140 triệu người và 13 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, Nga có gần một triệu nhà khoa học hàng đầu, các kỹ sư và kỹ thuật viên lành nghề, hầu hết đều làm việc cho quân đội ", ông Adelman cho biết.
Tuy nhiên sức mạnh của Nga không chỉ nằm ở tiềm năng quân sự, mà trong cả sự phát triển kinh tế, như trước đó đã được thừa nhận bởi Bloomberg.
"Các chính trị gia và các học giả phương Tây nên cẩn thận hơn với những dự đoán của họ cho nền kinh tế Nga: Các báo cáo về sự sụp đổ của kinh tế Nga có thể chứng minh là quá sớm", báo cáo cho biết hồi năm ngoái, khi đề cập đến lời nhận xét của Tổng thống Obama về Nga rằng Moscow sẽ bị "cô lập và nền kinh tế của họ sẽ bị đổ vỡ ".
Các dự đoán trên của phương Tây đã được Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev chứng minh rất rõ: "Họ liên tục dự đoán hậu quả thảm khốc đối với chúng ta, nói rằng nền kinh tế của chúng ta sẽ bị sụp đổ. Thực tế đã không phải vậy. Đúng là cũng có những khó khăn, nhưng tình hình kinh tế và tài chính hiện nay của Nga tốt hơn nhiều so với nhiều giai đoạn khác trong lịch sử của chúng ta", người đứng đầu chính phủ nói trong khai mạc cuộc họp hội đồng mở rộng của Bộ Tài chính Nga hôm 20-4 vừa qua.
"Năm 2015 chúng ta đã đạt được ba mục tiêu chiến thuật: Giúp nền kinh tế của chúng ta thích nghi với điều kiện mới, ngăn chặn lạm phát không bị ngoài tầm kiểm soát và duy trì sự ổn định trong thị trường việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp được ghi nhận tăng rất nhẹ vì chúng ta đã vạch một gói các biện pháp cụ thể để hỗ trợ việc làm", ông Medvedev cho biết ý kiến về kết quả thực hiện năm 2015 của Bộ Tài chính, và nhiệm vụ giai đoạn sắp tới.
"Đã đến lúc phương Tây và Mỹ nên chôn vùi kỳ vọng cho rằng, nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ do phải chịu áp lực từ giá dầu và sự trừng phạt kinh tế, và rằng người Nga tức giận do sự sụt giảm về mức sống của họ, sẽ khiến họ loại bỏ Putin ra khỏi văn phòng. Thay vào đó, Mỹ và phương Tây nên bắt đầu tìm kiếm những cách thức khởi động lại đối thoại với Moscow, bởi vì Nga thực sự là một cường quốc”, Bloomberg khuyên.
Theo Hoàng Vân/Sputnik
An ninh thủ đô